Nhân kỷ niệm 7 năm ngày thành lập Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam, nay là Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam (27/5/2014 - 27/5/2021), Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao đổi với phóng viên TTXVN về kết quả hoạt động của lực lượng này cũng như phương hướng triển khai trong thời gian tới.
Thưa Thượng tướng, việc thành lập Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam, nay là Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam có ý nghĩa như thế nào trong việc thực hiện nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng nói riêng cũng như góp phần thực hiện chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước nói chung?
Thực hiện Đề án tổng thể về việc Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã được Bộ Chính trị phê duyệt, ngay từ năm 2014, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền thành lập Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam, nay là Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam. Đây là sự kiện hết sức quan trọng, đánh dấu bước ngoặt cho sự phát triển lực lượng gìn giữ hòa bình của chúng ta tham gia sâu rộng vào các cơ chế đa phương của Liên hợp quốc; đồng thời thể hiện đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước và cam kết chính trị của lãnh đạo cấp cao của chúng ta đối với cộng đồng quốc tế.
Vấn đề này đã góp phần thúc đẩy đối ngoại đa phương, đặc biệt là quan hệ hợp tác với Liên hợp quốc cũng như quan hệ với các nước trên thế giới; khẳng định hợp tác quốc phòng là một trong những hợp tác trụ cột trong đối ngoại của Đảng, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam nói chung, của Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng trên trường quốc tế, đóng góp vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm kỳ Việt Nam đảm nhiệm vai trò Ủy viên không Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020 - 2021.
Khi ra đời, Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam, nay là Cục Gìn giữ hòa bình đã xác định rất rõ ba chức năng, nhiệm vụ: Thứ nhất là tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chiến lược về việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Thứ hai là trực tiếp chỉ đạo, điều hành toàn bộ công tác chuẩn bị, triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình ở Liên hợp quốc và tại các phái bộ. Thứ ba là giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng gìn giữ hòa bình của Quân đội nhân dân Việt Nam và của Việt Nam tại Liên hợp quốc và tại các phái bộ.
Trong 7 năm qua, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã thực hiện rất tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, góp phần đóng góp vào việc thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước nói chung và đối ngoại quốc phòng nói riêng nhằm nâng cao vị thế của Việt Nam, của Quân đội Việt Nam.
Thượng tướng có thể chia sẻ rõ hơn về những kết quả nổi bật trong hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam từ năm 2014 đến nay?
Kể từ khi ra đời đến nay, với tinh thần tích cực, chủ động, linh hoạt, sáng tạo; dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo sâu sát của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, đặc biệt là Tổ công tác liên ngành cũng như sự nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, chúng ta đã triển khai lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình dưới cả hai hình thức cá nhân và đơn vị.
Đến nay chúng ta đã triển khai 55 lượt sĩ quan ở các vị trí tại các phái bộ và ở Trụ sở Liên hợp quốc; 189 người là cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế tại các bệnh viện dã chiến cấp 2 tại các phái bộ Cộng hòa Trung Phi, Nam Sudan. Điều này thể hiện sự cố gắng vượt bậc đối với các cán bộ, chiến sĩ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, vì đây là một vấn đề mới, là hoạt động quân sự, quốc phòng ở xa Tổ quốc, tại địa bàn khó khăn, gian khổ, thậm chí có nhiều mối nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng của cán bộ, chiến sĩ. Tuy nhiên, chúng ta đã vượt qua và hoàn thành rất tốt nhiệm vụ được giao.
Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết 1325 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về phụ nữ, hòa bình, an ninh và phát triển, Việt Nam đã cử được 34 nữ quân nhân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình, đạt tỷ lệ hơn 16% so với yêu cầu của Liên hợp quốc là dưới 10%. Vấn đề này đã được Liên hợp quốc đánh giá rất cao. Tại cuộc gặp cấp cao tại Thái Lan, Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã phát biểu, dành những lời rất tốt đẹp để nói về sĩ quan gìn giữ hòa bình của Việt Nam. Chúng tôi cho rằng đó là những đánh giá hết sức xác đáng đối với lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, kết quả qua các đợt công tác ở từng vị trí cho thấy, dù là hoạt động dưới hình thức cá nhân hay đơn vị, các sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, y bác sĩ, nhân viên điều dưỡng của chúng ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và được các phái bộ cũng như lãnh đạo của Liên hợp quốc, đại diện các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao.
Đặc biệt, các đồng chí sau khi hoàn thành nhiệm vụ về nước đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành và trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng gặp gỡ, động viên, khen thưởng với những hình thức xứng đáng. Đây là sự ghi nhận rất kịp thời của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành đối với lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của chúng ta.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ, chúng ta cũng tích cực tham gia vào các cơ chế đa phương của các tổ chức quốc tế và các đối tác. Cụ thể, chúng ta đã tiến hành ký 9 biên bản ghi nhớ về những lĩnh vực liên quan đến gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc với các nước, các đối tác; một bản ghi nhớ với Liên hợp quốc và một bản ghi nhớ với Liên minh châu Âu. Đây là những văn bản hết sức quan trọng, tạo hành lang cũng như những cam kết chính trị để tiếp tục duy trì, thúc đẩy hoạt động gìn giữ hòa bình.
Cùng với các tập thể và cá nhân tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình ở các phái bộ, chúng ta đã có 4 sĩ quan tham gia vào các vị trí cá nhân ở Trụ sở Liên hợp quốc. Đặc biệt, hiện đang có 3 sĩ quan đảm nhiệm các cương vị sĩ quan tham mưu kế hoạch, sĩ quan tham mưu tổng hợp, sĩ quan tham mưu huấn luyện ở Trụ sở Liên hợp quốc.
Đây là một điểm nhấn trong hoạt động cá nhân của các đồng chí tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, bởi quy trình thi tuyển, xét tuyển vào từng vị trí hoạt động tại Trụ sở Liên hợp quốc rất khó khăn và ngặt nghèo. Mỗi vị trí đều được tuyển chọn từ 150 - 200 ứng viên, nhưng tất cả các sĩ quan của chúng ta tham gia thi tuyển đều trúng tuyển với điểm số cao. Việc thi tuyển cũng cực kỳ chặt chẽ với 4 vòng, từ thẩm định hồ sơ, thi viết, phỏng vấn trực tiếp và trực tuyến, xét tuyển qua Hội đồng, tất cả đều được đánh giá theo tiêu chí, tiêu chuẩn của Liên hợp quốc. Tuy nhiên các ứng viên của chúng ta đều đáp ứng.
Báo cáo của Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam cũng cho thấy, các đồng chí đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, được các phòng chức năng của cơ quan Gìn giữ hòa bình tại Trụ sở Liên hợp quốc đánh giá cao. Tôi cho rằng đây là sự ghi nhận, cho thấy không những chúng ta đáp ứng yêu cầu về số lượng mà cả về chất lượng của đội ngũ cán bộ. Từ khâu tuyển chọn, bồi dưỡng, đào tạo, thi tuyển đều được làm rất tốt. Về vấn đề này, Liên hợp quốc cũng như các tổ chức quốc tế cũng đánh giá rất cao vai trò của Việt Nam.
Một thành tựu rất lớn khác theo tôi là quá trình chúng ta vừa triển khai làm nhiệm vụ tại các phái bộ và tại Trụ sở Liên hợp quốc nhưng cũng đồng thời tìm kiếm các cơ hội để triển khai ở các lĩnh vực, địa bàn khác, vừa hoàn thiện hành lang pháp lý. Theo đó, trên cơ sở Đề án tổng thể về Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc được Bộ Chính trị phê duyệt, chúng ta xây dựng các nghị định, thông tư, quy định để tạo hành lang pháp lý cho lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Đặc biệt, ngày 13/11/2020, Quốc hội khóa XIV đã chính thức thông qua Nghị quyết số 130/2020/QH14 về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Đây có thể coi là sự ghi nhận và thể hiện quyết tâm chính trị của Quốc hội - cơ quan lập pháp cao nhất, trong việc tạo hành lang pháp lý cho lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam tại Liên hợp quốc có những cơ sở vững chắc để triển khai các hoạt động, thực hiện đúng đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước; thực hiện cam kết hội nhập quốc tế và đối ngoại trong thời gian tới.
Với những kết quả đạt được, xin Thượng tướng cho biết Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng sẽ có những kế hoạch gì trong thời gian tới để đóng góp cho hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc?
Sau 7 năm triển khai lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở cả vị trí cá nhân cũng như đơn vị, vừa qua, Tổ công tác liên ngành và các bộ, ngành liên quan đã tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm, đánh giá lại những kết quả đạt được, những khó khăn, hạn chế và đề xuất chủ trương, giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Sau khi báo cáo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tiếp tục chủ trương báo cáo với Đảng, Nhà nước, Chính phủ thúc đẩy hoạt động tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc theo tinh thần Nghị quyết 130 của Quốc hội, theo hướng: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động này để đảm bảo tuân thủ Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 và các quy định của pháp luật; đồng thời đảm bảo tính tương thích với các điều ước quốc tế.
Trước mắt, chúng ta triển khai quán triệt và thực hiện tốt Nghị quyết 130, xây dựng Nghị định của Chính phủ và Thông tư của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng để quy định những vấn đề cụ thể về việc tổ chức chuẩn bị triển khai lực lượng cũng như cơ chế, chính sách và các nguyên tắc hoạt động của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Thứ hai, chúng ta đã thống nhất báo cáo với Liên hợp quốc cũng như các tổ chức quốc tế có liên quan để hỗ trợ, cam kết ủng hộ chúng ta triển khai các hoạt động mới cũng như tiếp tục mở rộng địa bàn và lĩnh vực tham gia gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Về vấn đề này, hiện chúng ta đã và đang chuẩn bị Đội Công binh để sẵn sàng đi làm nhiệm vụ ở phái bộ. Đội Công binh được thành lập từ tháng 11/2019 và đã được tổ chức biên chế chặt chẽ, huấn luyện theo yêu cầu của Liên hợp quốc, đảm bảo các loại trang bị cần thiết phục vụ cho hoạt động.
Cho đến nay lực lượng Công binh của Việt Nam đã sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ. Dự kiến vào tháng 6/2021, Liên hợp quốc sẽ tổ chức tiền kiểm tra về công tác chuẩn bị của Đội Công binh để sẵn sàng giao nhiệm vụ địa bàn cho Đội Công binh của Việt Nam. Nếu Đội Công binh của chúng ta được lên đường làm nhiệm vụ thì đây sẽ là một dấu mốc mới đối với lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam đi thực hiện nhiệm vụ nhân đạo ở các phái bộ của Liên hợp quốc; là vấn đề hết sức quan trọng, có ý nghĩa to lớn. Ngoài ra, chúng ta còn đang tìm kiếm cơ hội để đưa lực lượng quân cảnh, lực lượng vệ binh đi làm nhiệm vụ.
Đại diện các tổ chức của Liên hợp quốc liên quan đến hoạt động gìn giữ hòa bình cũng sẽ tìm kiếm các cơ hội, địa bàn, lĩnh vực khác để trao đổi, tạo cơ hội cho lực lượng của chúng ta tham gia sâu rộng, có hiệu quả trong hoạt động này. Bên cạnh đó, chúng ta tiếp tục tuyển chọn các cá nhân có đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn, tiêu chí theo yêu cầu của Liên hợp quốc để tiếp tục huấn luyện, bồi dưỡng, nhất là về ngoại ngữ, chuyên môn và các chuyên ngành theo vị trí Liên hợp quốc yêu cầu để sẵn sàng tham gia thi tuyển vào các vị trí ứng viên ở trụ sở Liên hợp quốc cũng như ở các phái bộ. Tôi cho đây cũng là một trong những vấn đề hết sức quan trọng.
Thứ ba là chúng ta tiếp tục quan tâm xây dựng lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam ngày càng lớn mạnh, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ hội nhập quốc tế, đối ngoại quốc phòng cũng như đóng góp vào vai trò, vị thế của Việt Nam trong đường lối đối ngoại tới đây; thực hiện mong muốn của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng là xây dựng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam trở thành trung tâm điều phối quốc gia về gìn giữ hòa bình, để chúng ta có một bộ máy, một tổ chức chuyên trách làm nhiệm vụ điều phối hoạt động gìn giữ hòa bình của các bộ, ngành cũng như Tổ công tác liên ngành của Việt Nam.
Trân trọng cảm ơn Thượng tướng!