Thực hiện nghiêm túc phương châm 5K + vaccine, tích cực ứng dụng công nghệ phòng, chống dịch COVID-19

Chiều 3/6, đồng chí Trần Văn Sơn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ.

Clip Bộ trưởng Trần Văn Sơn cung cấp thông tin tại cuộc họp báo:

Theo Bộ trưởng Trần Văn Sơn, tại phiên họp Chính phủ ngày 3/6 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chính phủ đã thảo luận các nội dung: Báo cáo về công tác phòng chống dịch COVID-19; tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 và 5 tháng, cũng như việc dự báo thực hiện 6 tháng đầu năm, các giải pháp trong 6 tháng cuối năm 2021; báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước (NSNN) tháng 5 và 5 tháng, dự báo thực hiện 6 tháng đầu năm, các giải pháp trong 6 tháng cuối năm 2021; Đề án thực hiện xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030; Đề án cơ cấu tổ chức Chính phủ khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026.  

Các nội dung này được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo chuẩn bị rất kỹ càng, công phu từ khâu chuẩn bị tài liệu, báo cáo, tờ trình. Các thành viên Chính phủ thảo luận rất trách nhiệm, sâu sắc và thẳng thắn, đúng như phát biểu tại khai mạc phiên họp của Thủ tướng là: “Nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật và để người dân, doanh nghiệp được hưởng lợi thật”.

Theo Bộ trưởng Trần Văn Sơn về công tác phòng chống dịch COVID-19, Chính phủ thống nhất nhận định, nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Bí thư, Thường trực Ban Bí thư, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của các lực lượng tuyến đầu; sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước (trong đó, nhiều phóng viên, biên tập viên đã tích cực, lăn sả đưa tin, bài về công tác này), về tổng thể chúng ta đã kiểm soát được tình hình, mặc dù cục bộ có một số địa phương dịch diễn biến phức tạp, nhất là tại Bắc Giang, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh.

Chú thích ảnh
Đồng chí Trần Văn Sơn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ phát biểu tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ.

“Tuy nhiên, virus chủng mới có tốc độ lây nhiễm nhanh, nguy hiểm. Dự báo tình hình dịch bệnh tiếp tục phức tạp, khả năng còn có các ca mắc mới, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng”, Bộ trưởng Trần Văn Sơn nhấn mạnh.

Từ nhận định tình hình, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị và từng người dân không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác nhưng cũng không bi quan, hốt hoảng mà phải bình tĩnh, chủ động sáng tạo, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống, dập dịch. Tiếp tục nêu cao tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, lấy người dân làm chủ thể phòng, chống dịch; thực hiện phương châm tổng tiến công toàn diện, tổng lực, thần tốc, mạnh mẽ hơn nữa với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn.  

Thực hiện nghiêm túc phương châm “5K + vaccine” và tích cực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ bắt buộc trong phòng, chống dịch, đẩy nhanh thực hiện chiến lược vaccine (bao gồm mua vaccine, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước, tổ chức tiêm). Kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngự và tấn công, lấy tấn công là đột phá; phòng ngự là cơ bản, chiến lược, thường xuyên, lâu dài, quyết định. Kịp thời tháo gỡ khó khăn cho công tác phòng chống dịch theo phương châm 3 không là: Không nói thiếu tiền; không nói thiếu nguồn nhân lực; không nói thiếu thể chế, cơ sở vật chất, vật tư, sinh phẩm.  

Tiếp tục bám sát tình hình; kịp thời có giải pháp thực hiện hiệu quả, bảo đảm tính mạng, sức khỏe của nhân dân. Chủ động có các biện pháp thiết thực, hiệu quả để bảo đảm các hoạt động kinh tế - xã hội cần thiết, tạo thuận lợi cho giao thương, vận chuyển hàng hóa và có các chính sách cụ thể hỗ trợ người dân, công nhân, người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn. Kịp thời khen thưởng, động viên những cá nhân, đơn vị làm tốt và kỷ luật nghiêm những trường hợp vi phạm.  

Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2021, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết: Chính phủ thống nhất nhận định, tuy chịu ảnh hưởng nặng nề của đợt dịch lần này nghiêm trọng hơn những lần trước, nhưng tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát, CPI bình quân 5 tháng tăng 1,29%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 5 tháng tăng 9,9%. Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và vốn đăng ký tăng. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường được quan tâm chỉ đạo. An sinh xã hội, đời sống nhân dân cơ bản ổn định. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Hoạt động đối ngoại tiếp tục được đẩy mạnh…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nước ta còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, trong đó nổi lên là: Dịch COVID-19 hết sức phức tạp và nguy hiểm, ảnh hưởng lớn đến các hoạt động kinh tế - xã hội và việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2021. Giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm, chưa phát huy tốt vai trò kích cầu, thúc đẩy tăng trưởng và dẫn dắt đầu tư tư nhân. Giá xăng dầu và một số nguyên vật liệu tiếp tục tăng cao, gây sức ép lớn đối với lạm phát và một số ngành, lĩnh vực. Sản xuất kinh doanh tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khu vực dịch vụ, du lịch, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đời sống một bộ phận người lao động, người dân gặp khó khăn, nhất là công nhân trong các khu công nghiệp tại các địa phương bùng phát dịch…

Từ phân tích, đánh giá và dự báo tình hình, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp, trong đó yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2021 trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

Siết chặt kỷ luật tài chính - Ngân sách Nhà nước; đẩy mạnh tiết kiệm chi thường xuyên, sử dụng dự phòng hợp lý để dành nguồn phòng, chống dịch và thực hiện các nhiệm vụ cấp bách phát sinh. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp về tài khóa để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm và thúc đẩy xuất khẩu nông sản trong bối cảnh giá thế giới tiếp tục xu hướng tăng; đồng thời đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trong nước.

Tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp, năng lượng lớn, trọng điểm; khẩn trương có giải pháp thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ quan trọng, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng.

Chuẩn bị tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 bảo đảm an toàn, phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh. Tăng cường kiểm soát hoạt động xuất, nhập cảnh; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Cương quyết xử lý các trường hợp cư trú bất hợp pháp.

Tổ chức tốt các hoạt động đối ngoại, nhất là các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong bối cảnh dịch bệnh; chú trọng bảo hộ công dân, tài sản và lợi ích kinh tế của Việt Nam tại nước ngoài…

Đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền về phòng chống dịch và thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Kiểm soát chặt chẽ thông tin xấu độc trên mạng, ngăn chặn thông tin sai sự thật, gây hoang mang trong xã hội…

Tin, ảnh, clip: Viết Tôn/Báo Tin tức
Chiều 3/6, Việt Nam có thêm 91 ca mắc mới COVID-19, riêng TP Hồ Chí Minh 11 ca
Chiều 3/6, Việt Nam có thêm 91 ca mắc mới COVID-19, riêng TP Hồ Chí Minh 11 ca

Tính từ 12 giờ đến 18 giờ ngày 3/6, Việt Nam có thêm 91 ca mắc mới COVID-19, trong đó 79 ca ghi nhận trong nước tại Bắc Giang (58 ca), Bắc Ninh (10 ca), TP Hồ Chí Minh (11 ca).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN