Thực hiện chính sách về an toàn thực phẩm chưa hướng tới nền sản xuất sạch

Ngày 15/2, tại Hà Nội, Đoàn giám sát của Quốc hội khóa XIV có cuộc làm việc với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Y tế; Công Thương về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016".

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Trưởng Đoàn giám sát chủ trì cuộc làm việc. 

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016 đánh giá thực trạng đảm bảo an toàn thực phẩm nông sản từng bước được cải thiện trên tất cả các nhóm ngành hàng thuộc phạm vi quản lý của Bộ, điều kiện an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản được cải thiện, diện tích trồng rau an toàn, chăn nuôi quy mô trang trại, tăng dần theo từng năm, ô nhiễm vi sinh vật và hóa chất trong một số sản phẩm thực phẩm tươi sống có chiều hướng giảm... 

Bộ đánh giá hệ thống văn bản về quản lý an toàn thực phẩm đã được ban hành đầy đủ, tuy nhiên một số văn bản triển khai trong thực tiễn còn khó khăn do thiếu nguồn lực. Các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật còn thiếu do quy trình xây dựng kéo dài, cơ sở khoa học và nguồn lực xây dựng hạn chế. Việc xử lý dứt điểm một số tồn tại như lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất nông sản, thủy sản; giết mổ không đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm... còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu của nhân dân. 

Bộ Y tế cho biết, kết quả khảo sát liên tục từ năm 2011 đến 2016, toàn quốc đã ghi nhận hơn 1.000 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 30 nghìn người mắc, trong đó có 164 người chết. Như vậy tính trung bình có gần 170 vụ với hơn 5 nghìn người mắc và gần 30 người chết do ngộ độc thực phẩm mỗi năm. Báo cáo cũng ghi nhận nguy cơ ngộ độc thực phẩm ở các khu công nghiệp, các bếp ăn tập thể vẫn còn rất cao. 

Đánh giá các yếu tố tác động, ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm, đại diện các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế nhận định: Tình hình sử dụng chất cấm, lạm dụng hóa chất, kháng sinh, chất bảo quản, sử dụng phụ gia trong chế biến ngày càng phức tạp; buôn lậu thực phẩm qua biên giới còn diễn biến rất phức tạp; phần lớn thực phẩm tươi sống chưa có nhãn mác, dấu hiệu nhận diện và thông tin về nguồn gốc xuất xứ... 

Theo thống kê của Bộ Công Thương, từ năm 2011 đến tháng 9/2016, ngành Công Thương đã kiểm tra, xử lý 55.580 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Tổng số tiền thu được từ việc xử phạt vi phạm hành chính là 143,445 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tịch thu là hơn 90 tỷ đồng... Một trong những tồn tại được Bộ chỉ ra là công tác hậu kiểm sau khi cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và sau khi xử phạt vi phạm của các đơn vị chức năng rất hạn chế nên chưa kịp thời chấn chỉnh và giải quyết dứt điểm các tồn tại của doanh nghiệp... 

Sau khi nghe ba bộ báo cáo tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm và các ý kiến trao đổi, bàn bạc tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kết luận nêu rõ, qua các cuộc làm việc của Đoàn giám sát với 13 địa phương về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016" cho thấy, các bộ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều nghị định, thông tư và các văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn tổ chức thực hiện Luật an toàn thực phẩm, qua đó đảm bảm chất lượng hàng hóa, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. 

Đoàn giám sát đánh giá các văn bản pháp luật về an toàn thực phẩm khá đầy đủ; qua giám sát chưa phát hiện việc ban hành các văn bản trái quy định của pháp luật. Thực hiện chức năng của mình, các bộ đã có nhiều cố gắng làm tốt vai trò quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; đôn đốc, trực tiếp thực hiện nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra... 

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tuy nhiên, thực tế cho thấy tình trạng mất an toàn thực phẩm đã trở thành vấn đề lớn, nhiều vụ việc gây bức xúc, lo lắng trong xã hội, gây ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng của người dân; hệ thống pháp luật, nhất là quy định trong một số điều của Luật an toàn thực phẩm cần được sửa đổi để phù hợp với thực tế; Luật xử lý vi phạm hành chính cũng cần được bổ sung để đủ căn cứ pháp lý xử lý. 

Đánh giá việc ban hành cũng như tổ chức thực hiện các Chiến lược quốc gia An toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030 có tiến bộ nhưng Phó Chủ tịch Quốc hội nhận xét trong quá trình tổ chức thực hiện vẫn còn hạn chế, nhất là về quy hoạch tổng thể về an toàn thực phẩm. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, trong thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều vấn đề chưa làm được, vẫn chưa hướng tới nền sản xuất sạch. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị báo cáo của các bộ cần đề xuất những giải pháp, kiến nghị cụ thể sát với thực tế tình hình, tránh đưa ra những đánh giá, giải pháp chung chung.

Quỳnh Hoa (TTXVN)
Đoàn giám sát của Quốc hội kiểm tra an toàn thực phẩm tại Thanh Hóa
Đoàn giám sát của Quốc hội kiểm tra an toàn thực phẩm tại Thanh Hóa

Chiều 18/1, Đoàn Giám sát của Quốc hội do đồng chí Phan Xuân Dũng, Ủy viên Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội làm Trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Thanh Hóa về tình hình thực hiện chính sách pháp luật an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN