Tham dự sự kiện còn có Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Séc Hồ Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Môi trường Séc Vladislav Smrz, Phó Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Séc Frantisek Chaloupecky, đại diện các đơn vị chức năng của hai bộ và các doanh nghiệp hai nước trong các lĩnh vực liên quan đến xử lý chất thải, nước thải, năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường.
Phát biểu tại sự kiện, hai Bộ trưởng và Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Séc đều đánh giá quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước không ngừng được củng cố và tăng cường trong thời gian qua, nhất là qua các chuyến thăm song phương của lãnh đạo cấp cao hai nước. Đây là cơ sở quan trọng để các bộ ngành hai nước, trong đó có Bộ Tài Nguyên và Môi trường Việt Nam và Bộ Môi trường Cộng hòa Séc thúc đẩy hợp tác.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh việc tổ chức lễ ký kết Kế hoạch hành động giai đoạn 2020-2025, thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác năm 2012 giữa hai bộ và việc tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Séc-Việt trong lĩnh vực môi trường là kết quả của chuyến thăm làm việc tại Việt Nam tháng 11/2019 vừa qua của Bộ trưởng Môi trường Cộng hòa Séc. Đây là cơ sở để các đơn vị tiến hành những hoạt động hợp tác cụ thể và hiệu quả trong các lĩnh vực về môi trường, biến đổi khí hậu, chuyển giao công nghệ nhằm góp phần tăng cường quan hệ hợp tác song phương giữa hai bộ. Đặc biệt, hoạt động diễn đàn doanh nghiệp giữa hai nước đã được đưa vào chương trình hành động nhằm tăng cường trao đổi và chia sẻ cơ hội hợp tác giữa hai bên.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà mong muốn với đội ngũ chuyên gia và doanh nghiệp trong lĩnh vực môi trường, hai nước sẽ có động lực mới để thúc đẩy hợp tác về bảo vệ môi trường và sử dụng tài nguyên thiên nhiên, trong đó tập trung vào công nghệ xử lý rác thải, nước thải; công nghệ sử dụng rác thải để phát điện; năng lực quan trắc và phân tích môi trường.
Về phần mình, Bộ trưởng Richard Brabec cho biết chuyến thăm và làm việc của ông tại Việt Nam tháng 11/2019 vừa qua rất thành công, nhất là việc hai bên phối hợp tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt-Séc tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Richard Brabec cho rằng sự phát triển kinh tế năng động của Việt Nam hiện nay, cũng như kinh nghiệm của Séc trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế, chính là tiềm năng để tăng cường hợp tác giữa hai nước nói chung và hai Bộ nói riêng, nhất là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Bộ trưởng Môi trường Cộng hòa Séc đánh giá việc ký Kế hoạch hành động sẽ giúp cụ thể hóa những nội dung thỏa thuận hợp tác giữa hai bộ, tạo cơ hội để các công ty Séc đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực môi trường.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Séc Hồ Minh Tuấn, việc ký Chương trình hành động sẽ góp phần thiết thực vào việc thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai bộ, đặc biệt trong bối cảnh hai nước đang tích cực chuẩn bị các hoạt động hướng tới kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (2/1950 - 2/2020) và Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã được ký kết và đang trong quá trình phê chuẩn. Hiệp định này được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy thương mại giữa EU với Việt Nam.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Việt Nam Trần Hồng Hà cho biết việc tăng cường hợp tác giữa hai bộ là một trong những hoạt động triển khai thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước trong chuyến thăm chính thức Cộng hòa Séc tháng 4/2019 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Cộng hòa Séc là thành viên của EU, có nền tảng công nghiệp phát triển. Hiện nay, Việt Nam và EU đã ký EVFTA, do đó việc học hỏi kinh nghiệm của Séc trong hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật hài hòa với các tiêu chuẩn của EU có ý nghĩa rất quan trọng đối với Việt Nam. Đặc biệt, hiện nay trong lĩnh vực quản lý nhà nước về môi trường, Séc là một trong những nước đi đầu về xử lý chất thải rắn, nước thải và có nhiều công nghệ phù hợp với Việt Nam trong vấn đề xử lý môi trường.
Trong khi đó, Bộ trưởng Môi trường Cộng hòa Séc Richard Brabec chia sẻ trong quá trình phát triển kinh tế 30 năm qua, Séc cũng phải đối mặt với các vấn đề ô nhiễm và suy thoái môi trường tương tự như Việt Nam hiện nay. Trước đây, ngành công nghiệp sản xuất của Séc chủ yếu sử dụng năng lượng từ than đá, song bây giờ phải chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo và năng lượng sạch. Việt Nam cũng cần chuyển dần sang sử dụng năng lượng tái tạo và Séc sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với Viêt Nam trong lĩnh vực quản lý về bảo vệ môi trường, trong đó có việc xây dựng chính sách luật pháp.
Trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp Séc-Việt, các doanh nghiệp hai nước đã cùng nhau trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực môi trường, nhất là liên quan đến xử lý chất thải, nước thải, năng lượng tái tạo.