Thông cáo chung được lãnh đạo nghị viện các nước thành viên ASEAN ký nêu rõ chủ đề “Phát triển quan hệ hợp tác nghị viện trong lĩnh vực kỹ thuật số bao trùm hướng tới cộng đồng ASEAN năm 2025” của Đại hội đồng AIPA-42 mang tính bao quát, thúc đẩy và tạo điều kiện cho kỹ thuật số bao trùm để tiếp tục phát triển hợp tác nghị viện trong bối cảnh đại dịch, nhấn mạnh vai trò của các nghị sỹ trong việc hỗ trợ tầm nhìn ASEAN năm 2025 hướng tới một cộng đồng gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế và chia sẻ trách nhiệm xã hội.
Đánh giá về kết quả Đại hội đồng AIPA-42, Chủ tịch Đại hội đồng AIPA-42, Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Brunei, nước đang đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN, ông Abdul Rahman Taib Pehin Orang Kaya Seri Lela, nhấn mạnh việc các nghị viện thành viên AIPA đã tham gia tích cực, đóng góp hiệu quả đối với nghị trình của AIPA-42 và đây là thành công chung của AIPA. Ông Abdul Rahman Taib Pehin Orang Kaya Seri Lela nhấn mạnh Đại hội đồng AIPA-42 được tổ chức trên tinh thần đoàn kết, hữu nghị và tinh thần chung của ASEAN. Lãnh đạo quốc hội các nước thành viên ASEAN đã thể hiện sự đồng thuận, đồng hành cùng ASEAN trong nỗ lực khống chế đại dịch COVID-19, vượt qua "sóng gió" hiện nay để phục hồi kinh tế, củng cố đoàn kết trong khối, thể hiện hình ảnh một ASEAN trách nhiệm, sẵn sàng phối hợp ứng phó các vấn đề nảy sinh.
Hàng loạt nghị quyết đã được thông qua tại Đại hội đồng AIPA-42, khẳng định quyết tâm và cam kết của AIPA trong xây dựng Cộng đồng ASEAN, đặc biệt là việc hiện thực hóa tầm nhìn trong Tuyên bố Putrajaya “ASEAN: Một cộng đồng kết nối kỹ thuật số”, được thông qua tháng 1 vừa qua với mục tiêu đưa ASEAN trở thành cộng đồng số hàng đầu. Trong đó, Ủy ban Chính trị đã thông qua Nghị quyết về "Tăng cường an ninh con người trong lĩnh vực kỹ thuật số bao trùm vì ASEAN"; Nghị quyết về "Tăng cường an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu hướng tới một không gian mạng tự cường trong ASEAN". Ủy ban Kinh tế thông qua Nghị quyết về "Thúc đẩy ASEAN số có tính bao trùm nhằm nâng cao năng lực cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ, vừa và tăng cường hội nhập kinh tế ASEAN" và Nghị quyết về "Phục hồi kinh tế sau đại dịch: Hợp tác du lịch trong ASEAN". Ủy ban Xã hội thông qua Nghị quyết về "Tăng cường hợp tác và đẩy mạnh kỹ thuật số bao trùm để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu"; Nghị quyết về "Đưa các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu để thực hiện hiệu quả ở cấp quốc gia"; Nghị quyết về vai trò của công nghệ tạo thuận lợi cho người tham gia bầu cử nhiều hơn...
Các nghị quyết trên đều hướng tới mục tiêu thực hiện Kế hoạch tổng thể kỹ thuật số ASEAN 2025, được đưa ra đầu năm nay nhằm thống nhất tầm nhìn về tương lai kỹ thuật số của khối. Phát biểu tại các phiên họp, lãnh đạo quốc hội các nước ASEAN đều nhấn mạnh vai trò của kỹ thuật số trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã mang đến những thách thức chưa từng có đối với ASEAN. Nói đúng hơn, chính đại dịch COVID-19 vừa là thách thức, vừa là động lực buộc ASEAN phải thúc đẩy cộng đồng kỹ thuật số khi mà khu vực này hiện có khoảng 400 triệu người dùng Internet, riêng trong năm 2020, đã có thêm 40 triệu người dùng mới. Việc nắm bắt các cơ hội phát triển từ kỹ thuật số có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy phục hồi tăng trưởng, tăng cường kết nối, nâng cao vị thế của ASEAN trong tương lai.
Trong bối cảnh đó, việc thúc đẩy hiện thực hóa Tuyên bố Putrajaya “ASEAN: Một cộng đồng kết nối kỹ thuật số” và Kế hoạch tổng thể kỹ thuật số ASEAN 2025 không chỉ cho phép các nước trong khu vực phục hồi sau đại dịch nhanh hơn, mà còn đảm bảo sự phục hồi bền vững và bao trùm hơn trước.
Tuy nhiên, khi vấn đề bất bình đẳng về tiếp cận công nghệ và kỹ thuật số vẫn tồn tại trong ASEAN, vai trò của các nghị viện như một trung tâm liên kết mà qua đó các chiến lược, chính sách, kế hoạch và lộ trình thực hiện chung trong ASEAN có thể được điều phối, càng trở nên quan trọng. Tại Đại hội đồng AIPA-42, lãnh đạo quốc hội các nước đã thảo luận vấn đề hài hòa hóa pháp luật trong lĩnh vực chuyển đổi số nhằm điều kiện thực hiện chuyển đổi số một cách hiệu quả.
Ngoài tập trung vào các biện pháp thúc đẩy xây dựng cộng đồng kỹ thuật số ASEAN, đối phó với đại dịch COVID-19 và khôi phục kinh tế sau đại dịch, tại Đại hội đồng AIPA-42, tầm quan trọng của việc củng cố hòa bình, an ninh và hợp tác ở khu vực cũng được nêu bật. Trong phát biểu bế mạc, Chủ tịch AIPA-42, Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Brunei đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác nghị viện, đặc biệt là những cam kết của AIPA trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN để tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định, thịnh vượng chung cho khu vực. Các ý kiến cũng nhất trí về các ưu tiên của AIPA cũng như ASEAN là lấy người dân làm trung tâm, lắng nghe ý kiến người dân, tập trung giải quyết các khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra đối với người dân.
Trong 3 ngày hội nghị, đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tiếp tục thể hiện là thành viên tích cực, sáng tạo, trách nhiệm. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chuyển tới bạn bè khu vực và cộng đồng quốc tế thông điệp về một đất nước Việt Nam không ngừng đổi mới, Quốc hội Việt Nam trách nhiệm, tích cực và chủ động trong hợp tác liên nghị viện đa phương khu vực, chủ động, tích cực, đồng hành cùng chính phủ trong phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống COVID-19.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nêu ra 5 sáng kiến, đề xuất, trong đó bao gồm hoàn thiện khung khổ pháp lý của từng quốc gia về chuyển đổi số bao trùm hướng tới Cộng đồng ASEAN vào năm 2025, hài hòa hóa pháp luật trong khu vực để có hệ thống pháp luật tương đồng; thu hẹp khoảng cách số để mỗi người dân, nhất là nhóm yếu thế, doanh nghiệp được tiếp cận dịch vụ công, cơ sở hạ tầng một cách công bằng, thúc đẩy xây dựng nền kinh tế số và xã hội số, thu hẹp khoảng cách số giữa các quốc gia, khu vực; có hình thức đầu tư phù hợp, như hợp tác công-tư, thiết lập vườn ươm doanh nghiệp và khởi nghiệp số để xây dựng cơ sở hạ tầng số, phát triển hệ sinh thái số; cải thiện các chính sách, khuôn khổ pháp lý và ưu tiên hỗ trợ các sáng kiến trong quan hệ hợp tác nội khối ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác về an ninh mạng, bảo mật thông tin và dữ liệu, xây dựng niềm tin trong không gian số; nghị viện các nước thành viên trao những quyền đặc cách, đặc thù, đặc biệt để chính phủ chủ động, linh hoạt hơn trong phòng, chống dịch COVID-19; phát huy tác dụng của Quỹ phòng, chống COVID-19 trong ASEAN...
Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam cũng tham gia rất tích cực vào các cuộc họp của các ủy ban AIPA, Hội nghị Nữ nghị sĩ AIPA (WAIPA). Các đại biểu Quốc hội Việt Nam đóng góp nhiều sáng kiến, đề xuất rất cụ thể, thiết thực và phù hợp, được tiếp thu thể hiện trong các văn kiện. Chẳng hạn, đoàn Việt Nam đề xuất thiết lập trung tâm dữ liệu khu vực để điều phối việc chia sẻ thông tin giữa các quốc gia thành viên, hướng tới quản lý rủi ro thiên tai; thúc đẩy hợp tác thừa nhận lẫn nhau về du lịch, phục hồi và phát triển du lịch theo nguyên tắc phát triển bền vững và toàn diện; thúc đẩy hợp tác trong sản xuất vaccine phòng COVID-19 góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững…
Có thể nói, kết quả Đại hội đồng AIPA-42 với hàng loạt nghị quyết đề ra những giải pháp triển khai những kế hoạch, chương trình hành động cho việc chuyển đổi số để phục vụ hướng tới Cộng đồng ASEAN năm 2025 đã một lần nữa khẳng định vai trò của AIPA đồng hành cùng với ASEAN trong giai đoạn khó khăn này để cùng nhau xây dựng một Cộng đồng ASEAN đổi mới, sáng tạo, đoàn kết, thịnh vượng và tự cường.