Việc tái lập trật tự lòng lề đường, vỉa hè giúp đảm bảo an toàn giao thông. Ảnh: Anh Đức |
“Người dân mong muốn các đường phố phải có vỉa hè đúng nghĩa, đó là vỉa hè dành cho người đi bộ và đó là không gian chung do nhà nước quản lý. Nếu cứ để hiện tượng chiếm lòng lề đường, và có lợi ích nhóm ở đó thì vỉa hè sẽ bị chiếm dụng cho việc giữ xe, kinh doanh… Vì vậy, việc giải tỏa vỉa hè là cần thiết”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu quan điểm.
Thực tế, chính quyền các địa phương đã thường xuyên ra quân xử phạt, dẹp hiện tượng lấn chiếm vỉa hè cũng như thường xuyên tuyên truyền mà vẫn không có kết quả bền lâu. Trước thực tế này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề xuất: “Nếu nói việc giành lại vỉa hè phải tuân thủ các quy trình, từ thông báo, xử phạt cá nhân, tổ chức vi phạm rồi chờ đủ ngày, đủ tháng mới tổ chức cưỡng chế thi hành thì rất đúng sách, nhưng với thực tế cuộc sống, việc giải phóng vỉa hè phải được triển khai quyết liệt”.
TP Hồ Chí Minh đã từng quyết liệt làm việc này từ năm 2011 nhưng làm xong thì khi lực lượng chức năng rút lại có hiện tượng tái lấn chiếm vỉa hè nội đô. Tuy nhiên, ở lần ra quân này, Chủ tịch thành phố tới lãnh đạo các quận, huyện đều ủng hộ việc làm của quận 1, cùng thống nhất quyết liệt ra quân để giải quyết vấn đề. Theo đó, lãnh đạo thành phố còn chỉ đạo, nếu trong phạm vi tuyến đường tuyến phố của mình mà cán bộ quản lý không làm được sẽ bị xử lý.
Người phát ngôn Chính phủ coi đây là bài học đối với nhiều địa phương. “Nếu không có động thái mạnh, không có biện pháp cứng rắn thì việc lấn chiếm vỉa hè sẽ còn tiếp tục xảy ra. Sau động thái của TP Hồ Chí Minh, các tỉnh thành khác như Long An và nhiều địa phương cũng đang đẩy mạnh việc này, quyết tâm lấy lập lại trật đô thị”, ông Dũng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết thêm, trong ngày, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cũng có công điện gửi cho Sở Công an các tỉnh, thành yêu cầu cùng với các địa phương ra quân xử lý hành vi xâm phạm vỉa hè, lòng đường của các loại phương tiện.