Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp ông Simon Cooper, Tổng Giám đốc phụ trách Khối khách hàng doanh nghiệp và định chế tài chính thị trường châu Âu và châu Mỹ, cùng ông Patrick Lee, Tổng Giám đốc khu vực, phụ trách Singapore và các thị trường ASEAN của Ngân hàng Standard Chartered.
Standard Chartered là tập đoàn đa quốc gia của Anh, hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư và dịch vụ tài chính. Tập đoàn có mạng lưới 1.200 chi nhánh và đại lý tại hơn 70 quốc gia với 87.000 nhân viên. Năm 2020, doanh thu của Standard Chartered đạt 14,75 tỷ USD và tổng tài sản ngân hàng này ước tính gần 800 tỷ USD.
Tại Việt Nam, Standard Chartered cung cấp đầy đủ các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng cho khách hàng là các doanh nghiệp, các định chế tài chính, doanh nghiệp vừa và nhỏ và khách hàng cá nhân.
Tại cuộc tiếp, ông Simon Cooper chúc mừng những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam năm 2022 và những năm qua; đánh giá cao những cam kết trong ứng phó biến đổi khí hậu của Việt Nam tại các hội nghị về biến đổi khí hậu; bày tỏ mong muốn hợp tác với Việt Nam thực hiện thành công thỏa thuận Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), phối hợp với Liên minh Tài chính Glasgow để thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0…
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết trong giai đoạn tới, Việt Nam ưu tiên và khuyến khích phát triển tài chính xanh và bền vững, đặc biệt là thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu xanh nhằm hỗ trợ thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 của Việt Nam và thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26). Việt Nam cũng đã đạt được thỏa thuận JETP với các quốc gia đối tác phát triển - một thỏa thuận rất quan trọng với nỗ lực của các bên.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển năng lượng Mặt Trời, năng lượng gió, tuy nhiên vấn đề điện cần xem xét tổng thể 5 nội dung gồm nguồn điện, tải điện, phân phối, sử dụng và giá điện phù hợp. Để chuyển đổi năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu, Việt Nam đang tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách; hoàn thiện quy hoạch điện; phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tiếp nhận và phát triển, làm chủ công nghệ; từ đó giảm giá thành điện tái tạo để có thể cạnh tranh với các nguồn điện khác.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh và đánh giá cao đề xuất hỗ trợ của Standard Chartered trong việc kết nối, hỗ trợ thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; đề nghị ngân hàng này và các đối tác tiếp tục nghiên cứu giải pháp huy động, thúc đẩy và cung cấp các sản phẩm tài chính cho các dự án xanh, năng lượng tái tạo tại Việt Nam trong thời gian tới, đóng góp vào quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi năng lượng hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững của Việt Nam. Trong đó, cung cấp lãi suất ưu đãi cho các nhà đầu tư vào Việt Nam, phù hợp với điều kiện Việt Nam là một nước đang phát triển, còn nhiều khó khăn, nền kinh tế đang chuyển đổi nhưng phải gánh vác các nhiệm vụ ứng phó biến đổi khí hậu như các nước phát triển.
Thủ tướng mong muốn các bên thực hiện các thỏa thuận theo tinh thần “đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện và thực hiện có hiệu quả”, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ cùng đồng hành với Standard Chartered để hỗ trợ và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư, kinh doanh có hiệu quả, thành công tại Việt Nam.
* Chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Triển lãm quy hoạch quốc gia thông minh Singapore (Singapore City Gallery). Triển lãm ghi lại những nỗ lực trong công tác quy hoạch của Singapore, đặc biệt là mô hình kiến trúc toàn cảnh Singapore.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tìm hiểu về triết lý quy hoạch của Singapore; quy hoạch tổng thể các khu vực hành chính, tài chính, công nghiệp, dân cư, giao thông.... và quá trình xây dựng Singapore thành thành phố xanh. Đặc biệt, những bước đi của Singapore để xây dựng thành phố thông minh với Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.
Theo Thủ tướng, quy hoạch phải có tư duy đổi mới, khoa học, tầm nhìn chiến lược, dài hạn, song phải linh hoạt, phù hợp với tình hình. Việc xây dựng thành phố thông tin phải mang lại tiện ích, cải thiện đời sống cho người dân; mọi hoạt động trong đời sống xã hội phải được số hóa và tính liên thông, kết nối dữ liệu phải đạt ở mức cao. Điều này cũng đòi hỏi sự chung tay của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, các tổ chức, nhất là giới khoa học, các doanh nghiệp công nghệ...