Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2025. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Dự phiên họp có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; các Phó Thủ tướng Chính phủ; các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; đại diện các ban, cơ quan của Trung ương Đảng, Quốc hội; lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế lớn.
Mở đầu phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tháng 4/2025 vừa đi qua, cả nước Kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; đồng loạt khởi công, khánh thành 80 công trình, dự án hạ tầng chiến lược. Chính phủ chuẩn bị, phục vụ tốt Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và chuẩn bị hơn 60 tài liệu, văn bản phục vụ, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XV; tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên.
Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, xây dựng chính quyền 2 cấp ở địa phương với nhiều văn bản kèm theo để triển khai; kịp thời triển khai các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về ứng phó với chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ; chuẩn bị và triển khai các hoạt động đối ngoại quan trọng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2025. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Đánh giá cao các bộ, ngành đã khẩn trương xây dựng trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân, Thủ tướng Chính phủ cho biết, Chính phủ đang khẩn trương xây dựng dự thảo trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về tổ chức thực hiện Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị; chuẩn bị khởi công, khánh thành 80 công trình, dự án dịp Kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng 8 thành công và Quốc khánh 2/9, trong đó có khánh thành Trung tâm Triển lãm Quốc gia tại Đông Anh và khởi công cầu Tứ Liên (Hà Nội). Đồng thời tập trung chuẩn bị và đàm phán với Hoa Kỳ về thương mại, đảm bảo lợi ích hài hòa, để người dân, doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất, kinh doanh…
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các thành viên Chính phủ, đại biểu dự phiên họp tập trung thảo luận đánh giá tình hình, nhất là các vấn đề nổi lên; công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, các thành viên Chính phủ; các kết quả cụ thể của cả nước, của Chính phủ, các điểm nhấn của từng bộ, ngành, địa phương; bài học kinh nghiệm trong quản lý, điều hành; nhận định bối cảnh tình hình tháng 5/2025 và những tháng tiếp theo; đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn, đạt mức tăng trưởng từ 8% trở lên và 2 con số trong những năm tiếp theo; các nhiệm vụ trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại cần tập trung, nhất là việc sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp…
Báo cáo về công tác chỉ đạo, điều hành, Văn phòng Chính phủ cho biết, trong tháng 4, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện việc tinh gọn, sắp xếp tổ chức bộ máy; tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và thực hiện các bước để xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; chuẩn bị phục vụ Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV; tiếp tục đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật; tập trung thúc đẩy tăng trưởng với mục tiêu 8% trở lên; đẩy mạnh phát triển hạ tầng chiến lược; triển khai nhiều hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế quan trọng; chur động ứng phó trước việc Hoa Kỳ công bố chính sách thuế quan mới…
Công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn bám sát thực tiễn, quyết liệt, chủ động, kịp thời, sáng tạo, hiệu quả. Trong tháng 4, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 3.047 văn bản chỉ đạo, điều hành; Thủ tướng, các Phó Thủ tướng chủ trì 690 hội nghị, cuộc họp về nhiều vấn đề quan trọng, cấp bách, cũng như xử lý các vấn đề thường xuyên…
Theo Bộ Tài chính, thời gian qua và trong tháng 4, tình hình thế giới tiếp tục có những khó khăn, thách thức ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội, nhờ sự chủ động, tích cực của Trung ương, Chính phủ, Quốc hội, cả hệ thống chính trị và sự vào cuộc của người dân, doanh nghiệp, nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 tiếp tục chuyển biến tích cực; tính chung 4 tháng đầu năm 2024 đạt được kết quả tốt hơn cùng kỳ năm 2024 trên hầu hết các lĩnh vực.
Kinh tế tiếp tục duy trì đà phát triển tích vực ở cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Nông nghiệp phát triển ổn định. Sản xuất công nghiệp tháng 4 tăng 1,4% so với tháng 3 và tăng 8,9% so cùng kỳ; tính chung 4 tháng tăng 8,4%. Khu vực dịch vụ tiếp tục tăng khá cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng gần 10%. Thu hút gần 7,7 triệu lượt khách quốc tế, cao nhất từ trước đến nay và tăng 23,8%.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2025. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Kinh tế vĩ mô ổn định; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân ở mức 3,2%, tạo dư địa cho điều hành linh hoạt, hiệu quả chính sách vĩ mô. Tỷ giá ổn định; mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm. Thu ngân sách Nhà nước 4 tháng trên 944 nghìn tỷ đồng, bằng 48% dự toán năm, tăng 26,3%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt trên 275 tỷ USD, tăng 15%, xuất siêu trên 5 tỷ USD.
Đặc biệt, kết cấu hạ tầng tiếp tục được đẩy nhanh, trong đó đồng loạt khởi công, khánh thành 80 công trình, dự án trọng điểm, hạ tầng chiến lược kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực, giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng cao hơn cùng kỳ 110,5 nghìn tỷ đồng. Vốn FDI thực hiện đạt trên 6,7 tỷ USD, cao nhất giai đoạn 2020 - 2025.
Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị được triển khai mạnh mẽ, trong đó Chính phủ trình Quốc hội 13 dự án luật quan trọng và ưu tiên bố trí nguồn lực để tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Công tác phòng, chống lãng phí được đặc biệt quan tâm. Chính phủ hoàn thành rà soát, đề xuất Bộ Chính trị, Quốc hội tháo gỡ vướng mắc cho trên 2.200 dự án với tổng vốn gần 5,9 triệu tỷ đồng.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân được cải thiện. Phong trào thi đua cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát được lan tỏa mạnh mẽ. Giáo dục, đào tạo tiếp tục được đổi mới. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng lên. Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam năm 2025 xếp hạng 46/143, tăng 8 bậc so với năm 2024.
Chính trị - xã hội được ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; uy tín, vị thế đất nước ngày càng nâng lên. Nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả và triển vọng của kinh tế Việt Nam, trong đó ADB dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng 6,6% trong năm 2025 và đạt 6,5% vào năm 2026; Ngân hàng Standard Chartered đưa ra dự báo GDP Việt Nam năm 2025 có thể đạt mức tăng trưởng 6,7%.
TTXVN tiếp tục cập nhật thông tin về Phiên họp.