Thủ tướng: NHNN cần tiên phong góp phần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng lưu ý “tư duy quản lý điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải có sự thay đổi căn bản theo hướng tăng tính thị trường, giảm tính mệnh lệnh hành chính, nhất quán, công khai và dễ dự báo để doanh nghiệp và người dân chủ động trong kế hoạch sản xuất kinh doanh, đời sống".

Ngày 5/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự hội nghị tổng kết năm 2016, triển khai nhiệm vụ 2017 của Ngân hàng Nhà nước.

Tại hội nghị, Thủ tướng đề nghị ngành ngân hàng chú trọng những ngành, lĩnh vực góp phần cho tăng trưởng, phục vụ xuất khẩu, giải quyết việc làm, nhất là các chủ trương Chính phủ đã công bố như nông nghiệp chất lượng cao, doanh nghiệp vừa và nhỏ…; tăng trưởng tín dụng phải đi đôi với chất lượng tín dụng, điểm đến của tín dụng.

Cùng dự hội nghị này có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Văn Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương; Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Chính phủ và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, các tổ chức tín dụng. 

Kết thúc năm 2016, các chỉ tiêu tiền tệ tăng đúng định hướng Ngân hàng Nhà nước đề ra từ đầu năm. Đến ngày 29/12/2016, tổng phương tiện thanh toán tăng 17,88%, huy động vốn tăng 18,38% so với cuối năm 2015. Lạm phát cơ bản được kiểm soát ổn định và cả năm đạt 1,87%, góp phần quan trọng trong việc thực hiện kiểm soát lạm phát CPI cả năm 4,74%, đạt mục tiêu dưới 5% của Quốc hội đề ra. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự hội nghị tổng kết năm của Ngân hàng Nhà nước sáng 5/1. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Với việc thực hiện linh hoạt các giải pháp của Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất được giữ ổn định, một số tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Thanh khoản của hệ thống được đảm bảo và có dư thừa, thị trường liên ngân hàng hoạt động thông suốt. Mặt bằng lãi suất huy động sau khi tăng 0,2-0,3%/năm trong 3 tháng đầu năm thì từ tháng 4 đã ổn định, đặc biệt giữa tháng 4 và từ cuối tháng 9/2016, một số tổ chức tín dụng đã giảm 0,3-0,5%/năm lãi suất huy động, giảm khoảng 0,5-1%/năm lãi suất cho vay đối với sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Lãi suất cho vay hiện phổ biến khoảng 6 - 9%/năm đối với kỳ hạn ngắn và 9-11%/năm đối với trung và dài hạn; khách hàng tốt, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4-5%/năm. 

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, cùng với cảng biển, hàng không là trái tim của nền kinh tế, ngân hàng có vai trò rất quan trọng là mạch máu của nền kinh tế. Thủ tướng cho rằng, trong những thành tích kinh tế-xã hội của đất nước năm 2016, có sự đóng góp trực tiếp, quan trọng của ngành ngân hàng. Thủ tướng đánh giá chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt, lạm phát được kiểm soát, tạo thuận lợi trong điều hành chính sách tài khóa và giá cả các mặt hàng thiết yếu. 

Có thể thấy, mức lạm phát kiềm chế dưới chỉ số Quốc hội yêu cầu  4,74% có được là nhờ kết quả phối hợp tốt giữa chính sách quản lý giá các mặt hàng Nhà nước quản lý và chính sách quản lý tiền tệ. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng, mặt bằng lãi suất, nợ xấu còn cao; việc xử lý nợ xấu và các ngân hàng yếu kém còn chậm, chưa thực chất, nhất là các ngân hàng thương mại mua lại 0 đồng và ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt. Các chuyên gia ví đây là “khối u ác tính”, là “điểm nghẽn cốt lõi” của nền kinh tế; nếu không xử lý triệt để thì sẽ không thể giảm được mặt bằng lãi suất cũng như ổn định kinh tế vĩ mô bền vững.

Thủ tướng cũng bày tỏ lo ngại trước thực trạng tín dụng đen vẫn đang phát triển mạnh, nhất là ở vùng nông thôn. Do đó, Ngân hàng Nhà nước các địa phương, các ngân hàng thương mại và chính quyền địa phương cần tăng cường giáo dục ý thức tín dụng cho người dân, coi đây là nhiệm vụ cấp thiết.

Nhấn mạnh đến mục tiêu hàng đầu trong năm 2017 là tiếp tục bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước cần đi tiên phong để góp phần thực hiện thành công mục tiêu này. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước phải vừa thực hiện tốt các công cụ chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát (dưới 4%), giữ ổn định kinh tế vĩ mô, vừa phải có đột phá trong xử lý các ngân hàng yếu kém và nợ xấu, đồng thời góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% đã đề ra.

“Đây là trọng trách , Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao cho các đồng chí trong năm 2017. Tăng trưởng cao phải đi đôi với chất lượng tăng trưởng”, Thủ tướng lưu ý. Để đạt được mục tiêu này, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt, thận trọng và sát thị trường hơn; tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn với chính sách tài khóa để vừa hỗ trợ tăng trưởng ở mức cao hơn, vừa đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát. Duy trì ổn định thị trường ngoại tệ, vàng và tăng dự trữ ngoại hối; giữ ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam.

“Tư duy quản lý điều hành của Ngân hàng Nhà nước phải có sự thay đổi căn bản theo hướng tăng tính thị trường, giảm tính mệnh lệnh hành chính, nhất quán, công khai và dễ dự báo để doanh nghiệp và người dân chủ động trong kế hoạch sản xuất kinh doanh, đời sống”, Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý ngay từ đầu năm và hướng tín dụng vào những lĩnh vực ưu tiên, nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát cơ cấu tín dụng, lưu ý các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Đồng thời, cần đánh giá lại hiệu quả của tín dụng chính sách và đổi mới cơ chế triển khai, hạn chế xin - cho, gia tăng sự tham gia của nhiều ngân hàng theo cơ chế cạnh tranh, công khai, minh bạch. Ngành ngân hàng phải phấn đấu quyết liệt tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất, giảm chi phí vay vốn cho doanh nghiệp. Theo đó,  Thủ tướng đề nghị các ngân hàng lớn, những “anh cả đỏ” trong giới ngân hàng có lợi nhuận cao cần chia sẻ với doanh nghiệp, giảm chi phí cho doanh nghiệp. 

Với các ngân hàng thương mại, nên có gói ưu đãi cho nông nghiệp công nghệ cao hoặc 1 loại hình sản xuất kinh doanh nào đó cần ưu đãi như du lịch, hàng không… Thủ tướng cũng đưa ra yêu cầu minh bạch hóa lãi suất, tránh việc doanh nghiệp và người dân đi vay không biết thực tế lãi suất như thế nào. 

Thủ tướng cũng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tiếp tục hoàn thiện các thể chế, quy định pháp lý nhằm hỗ trợ hiệu quả trong quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, nhất là về quy trình, thủ tục xử lý tài sản bảo đảm, tài sản thế chấp, quyền của chủ nợ và trách nhiệm, nghĩa vụ của người vay. Đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng là vô cùng quan trọng vì liên quan đến tiền bạc của người dân.

“Ngành Ngân hàng phải phấn đấu là ngành đi đầu trong việc hưởng ứng thực hiện chủ trương xây dựng Chính phủ và hệ thống chính quyền các cấp liêm chính, kiến tạo phát triển, phục vụ người dân, doanh nghiệp”, Thủ tướng đề nghị.

Chỉ rõ đặc điểm của ngành ngân hàng đó là niềm tin, có vai trò hết sức quan trọng, bản thân nghĩa của từ ‘tín dụng” cũng đã thể hiện điều đó, Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ; nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng.

Lưu ý đến vai trò công tác truyền thông, bên cạnh Vụ Truyền thông mới được Chính phủ cho phép thành lập, Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các cơ quan báo chí để thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền đến người dân, doanh nghiệp về chính sách tiền tệ và kinh tế vĩ mô của Đảng, Nhà nước, sự minh bạch trong ngân hàng, “để sao cho người dân không ngại đi vay đầu tư, nếu đầu tư đó là có hiệu quả”.


Quang Vũ (TTXVN)
Phó Thủ tướng: Xử lý nghiêm cán bộ thừa hành công vụ vòi vĩnh
Phó Thủ tướng: Xử lý nghiêm cán bộ thừa hành công vụ vòi vĩnh

Sáng 4/1, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết Năm an toàn giao thông 2016.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN