Theo báo cáo của lãnh đạo tỉnh Hưng Yên, năm 2019, kinh tế của tỉnh tăng trưởng gần 9,6%, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 74 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,9%. Trong quý I vừa qua, dù bị tác động của dịch COVID-19 nhưng các chỉ tiêu tăng trưởng trên các lĩnh vực đều khá khả quan. Trong đó, kinh tế tăng trưởng gần 6,9%, thu ngân sách đạt trên 3.500 tỷ đồng. Định hướng thời gian tới của tỉnh tập trung phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, Hưng Yên là tỉnh giàu tiềm năng phát triển, nhiều thế mạnh như giàu truyền thống cách mạng, nhân lực chất lượng cao, có khát vọng phát triển. Hưng Yên gần Thủ đô Hà Nội, một trung tâm kinh tế phát triển của cả nước, là điều kiện thuận lợi phát triển cả về công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ.
Thủ tướng đánh giá cao Hưng Yên với kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, nhưng đã nỗ lực vươn lên trở thành những địa phương đóng góp vào ngân sách trung ương. Trong phát triển, Hưng Yên đã làm tốt thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển được 11.000 doanh nghiệp. Phát triển đô thị được chú trọng theo hướng hiện đại và văn minh. Đặc biệt, Hưng Yên phấn đấu 100% số xã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới trong năm nay.
Trước khó khăn do dịch COVID-19, Thủ tướng đánh giá cao Hưng Yên đã cố gắng rất lớn để kinh tế tăng trưởng gần 7%, một điểm sáng trong duy trì tăng trưởng cao và rất ít địa phương đạt được điều này. Ngay trong chống dịch, Hưng Yên có nhà máy thiết bị vật tư y tế đã xuất khẩu được 1,5 triệu khẩu trang kháng khuẩn sang Mỹ vào đầu tháng 4 vừa qua, được Mỹ rất hoan nghênh, góp phần thúc đẩy quan hệ Việt - Mỹ trong lúc tình hình dịch diễn biến phức tạp tại. Đến nay, Hưng Yên đã xuất khẩu được 50 triệu khẩu trang vải kháng khuẩn và con số này tăng lên 180 triệu chiếc vào tháng 5.
Tuy vậy, với quy mô kinh tế chưa đạt 4 tỷ USD, Thủ tướng đánh giá quy mô này chưa tương xứng với các lợi thế của tỉnh, giá trị gia tăng của sản xuất còn thấp. Dù có lợi thế về một số mặt hàng nông sản chất lượng cao nhưng lại chưa sản xuất quy mô lớn gắn với chế biến; các dự án đột phá còn hạn chế. Một số khu, cụm công nghiệp chưa đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thấp; ô nhiễm làng nghề chậm được khắc phục. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của một số dự án chưa đạt yêu cầu.
Về những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, Thủ tướng đề nghị tỉnh tập trung chỉ đạo tổ chức đại hội các cấp, tiến tới đại hội đảng bộ tỉnh thành công tốt đẹp nhằm thực hiện chiến lược, bước đi trong 5, 10 năm tới.
Với định hướng đó, Thủ tướng gợi ý Hưng Yên phải đón bắt thời cơ phát triển và tỉnh hoàn toàn có thể làm được điều này nếu có ý chí, khát vọng và phương pháp tiếp cận vấn đề tốt. Tỉnh cũng cần đặt vấn đề đa dạng hóa đầu tư, chọn dự án có đủ khả năng, tầm cỡ để thúc đẩy phát triển; phấn đấu trở thành một trong những địa phương đi đầu trong vùng, phát huy lợi thế công nghiệp nhẹ, công nghiệp chế biến nông sản, nông nghiệp công nghệ cao, giao thông, vận tải, du lịch, dịch vụ, giáo dục, y tế chất lượng cao.
Thủ tướng đánh giá cao Hưng Yên làm tốt công tác giảm nghèo, chỉ còn 1,9% trong năm ngoái. Cùng với phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới đối với 100% số xã, Thủ tướng đề nghị tỉnh tiến thêm một bước về xóa đói giảm nghèo, đưa tỷ lệ này xuống còn 1%, thậm chí thấp hơn.
Trước mắt, Hưng Yên phải nỗ lực thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phục hồi phát triển kinh tế. Phương châm là “phòng thủ chặt, tiến công nhanh”. Trong đó, phòng thủ với COVID-19, nhưng tiến công nhanh là phát triển kinh tế. "Trạng thái mới" phải được thực hiện ở Hưng Yên, không được để dịch quay trở lại.
Thủ tướng yêu cầu tỉnh phải hoàn thành toàn diện, vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, đóng góp vào bức tranh màu sáng của đất nước năm 2020.
Thủ tướng mong muốn Hưng Yên bắt kịp dòng vốn đầu tư nước ngoài dịch chuyển vào Việt Nam; tranh thủ nguồn lực để phát triển. Cùng với đó là phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tái cơ cấu nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến, xây dựng nông thôn mới.
Để thực hiện định hướng phát triển, phải bổ sung quy hoạch, cơ cấu lại các ngành công nghiệp theo hướng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, có giá trị gia tăng cao, các ngành công nghiệp mới. Sau COVID-19 là một nền tảng phát triển mới. Cùng với đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư, tỉnh cần quan tâm xây dựng nhà ở cho công nhân.