Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt ra đối với toàn ngành ngân hàng và đặc biệt là với Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) tại Lễ kỷ niệm 30 năm xây dựng và phát triển của ngân hàng này, diễn ra sáng 11/11 tại Hà Nội.
Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, tính đến ngày 30/9/2018, VietinBank đạt hơn 1,17 triệu tỷ đồng, tương đương trên 20% GDP của nền kinh tế. Quy mô vốn hóa thị trường hiện đạt hơn 84.000 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế tăng trưởng cao liên tục với tốc độ tăng trưởng bình quân năm đạt 22%, trong đó tổng lợi nhuận trước thuế giai đoạn 2013 - 2017 đạt hơn 40.000 tỷ đồng.
Nhìn lại chặng đường phát triển của VietinBank, Thủ tướng cho rằng những thành quả của Việt Nam qua 30 năm đổi mới có dấu ấn của ngành ngân hàng nói chung và VietinBank nói riêng. VietinBank mang tên mình tên gọi cũng chính là sứ mệnh từ khi sinh ra, đó là thúc đẩy công cuộc chuyển đổi và sự phát triển của nền công thương Việt Nam.
Điểm lại những thành công không chỉ để tự hào, Thủ tướng nhấn mạnh phải coi đây là động lực để quyết tâm hơn trong giai đoạn sắp tới còn nhiều khó khăn. Trong đó, VietinBank phải đóng góp vào thực hiện nhiệm vụ để đưa một nền kinh tế có quy mô tăng gấp hơn 17 lần trong 30 năm tới như 30 năm qua, tức là đạt hơn 2.500 tỷ USD với thu nhập bình quân đầu người hơn 18.000 USD vào năm 2045, thời điểm chúng ta kỷ niệm 100 năm ngày Quốc khánh.
Cho rằng trong các “tế bào” của nền kinh tế, ngân hàng được xem là “tế bào” có chứa bộ gen hết sức năng động và sáng tạo, Thủ tướng đặt vấn đề liệu VietinBank có khát vọng cháy bỏng để làm một trong những “tế bào” hạt nhân tiên phong trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của ngành ngân hàng Việt Nam hay không? Bởi theo Thủ tướng Chính phủ, cuộc cách mạng này sẽ làm thay đổi nhiều khía cạnh rất cơ bản của hoạt động tài chính ngân hàng với vô vàn ứng dụng mới, các công nghệ mới, hứa hẹn làm thay đổi căn bản mô hình hoạt động, phương thức quản trị và dịch vụ ngân hàng. Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ trong khu vực và trên toàn cầu, nếu các ngân hàng Việt Nam không nhạy bén, chuyển mình và bị lỡ nhịp trong tiến trình đổi mới, toàn bộ nền kinh tế Việt Nam cũng sẽ bị chậm bước trên hành trình phát triển.
Với tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao mục tiêu mà VietinBank đang phấn đấu, đó là nằm trong tốp 10 ngân hàng thương mại lớn nhất ASEAN, một trong hai ngân hàng thương mại Việt Nam đứng trong tốp 100 ngân hàng lớn nhất khu vực châu Á và là một trong những ngân hàng thương mại Việt Nam đầu tiên niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng tầm nhìn đến năm 2045 của VietinBank cần phải lớn hơn nữa, khát vọng cao hơn nữa.
Để có thể hiện thực hóa tầm nhìn mới này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, ngay từ bây giờ, VietinBank phải tiếp tục nỗ lực hoàn thiện và nâng cấp mình. Tiếp tục lành mạnh hóa và nâng cao tiềm lực tài chính, năng lực quản trị ngân hàng phù hợp với chuẩn mực quốc tế. VietinBank cần tích cực tham gia tư vấn, hỗ trợ việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu, lành mạnh hóa bảng cân đối tài sản và tài chính của toàn hệ thống. Đồng thời, cần tăng cường đầu tư mạnh cho nghiên cứu và phát triển. Bên cạnh công nghệ thì yếu tố con người vẫn là quyết định. VietinBank cần đầu tư và vun đắp đội ngũ nhân lực có chất lượng với trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kỹ thuật cao, đặc biệt chú trọng khía cạnh đạo đức, luôn nuôi dưỡng khát vọng vượt lên chính mình của đội ngũ nhân viên, xem đó là bản sắc văn hóa và lợi thế cạnh tranh của VietinBank. Không ngừng mở rộng, nâng cấp chất lượng, đa dạng hóa dịch vụ tài chính ngân hàng, phù hợp với nhu cầu và xu hướng của khách hàng. Mở rộng độ bao phủ, tăng khả năng kết nối và tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng cho người dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, các đối tượng khách hàng lâu nay chúng ta chưa chạm tới. Ngoài ra, VietinBank cần chú trọng bảo đảm an toàn thông tin và bảo mật dữ liệu khách hàng.
Thủ tướng cũng cho rằng, thực hiện chức năng kinh doanh, VietinBank cũng không quên thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp như một tiêu chuẩn không thể thiếu của bất kỳ doanh nghiệp hiện đại nào ngày nay bằng những đóng góp và chia sẻ với cộng đồng, môi trường và xã hội, hướng đến những giá trị nhân văn cao cả, phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành ngân hàng và cả VietinBank.
Bên cạnh đó, với tư cách là ngân hàng sở hữu nhà nước, VietinBank cần ưu tiên bảo đảm khả năng cân đối vốn cho các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như nông nghiệp, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo thuận lợi hơn nữa cho các loại hình doanh nghiệp tiếp cận vốn và phát triển kinh doanh. Đó là nhiệm vụ của mọi ngân hàng trong đó có VietinBank.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, từ nay đến năm 2020, nhiệm vụ của ngành ngân hàng nói chung và của VietinBank nói riêng là rất nặng nề, không chỉ thực hiện đề án cơ cấu lại đến năm 2020 mà cần phải có tầm nhìn và định hướng chiến lược đến năm 2045. Trong bối cảnh đó, mục tiêu quan trọng nhất đối với VietinBank là phấn đấu đến 2020 trở thành ngân hàng có quy mô lớn và hiệu quả hoạt động tốt nhất hệ thống ngân hàng Việt Nam, đủ sức cạnh tranh với các ngân hàng lớn trong khu vực.
Để đạt được điều đó, theo ông Lê Minh Hưng, VietinBank cần phát huy vai trò chủ đạo của ngân hàng có vốn nhà nước, đi đầu trong thực hiện các chủ trương, chính sách, đảm bảo sự ổn định của thị trường tiền tệ, an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng, tập trung vốn cho vay các lĩnh vực ưu tiên với lãi suất hợp lý...; đơn giản hóa các thủ tục hoạt động, tiết giảm chi phí để giúp doanh nghiệp và người dân tiếp cận tốt hơn với nguồn vốn tín dụng, dịch vụ ngân hàng với lãi suất và chi phí hợp lý...
Bên cạnh đó, Thống đốc Lê Minh Hưng cũng chỉ đạo VietinBank cần tập trung nguồn lực để triển khai đúng lộ trình phương án cơ cấu lại cho giai đoạn 2018-2020; xây dựng và triển khai lộ trình tăng vốn và cải thiện nguồn vốn tự có, đảm bảo đến cuối năm 2020 có mức vốn tự có đáp ứng các chuẩn mực vốn và đáp ứng đầy đủ các tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định của pháp luật và chuẩn mực, thông lệ quốc tế; kiểm soát và nâng cao chất lượng tài sản, đặc biệt là chất lượng tín dụng, phấn đấu đến cuối 2020 đưa tỉ lệ nợ xấu xuống dưới 3%, ưu tiên cấp tín dụng cho các ngành then chốt....
Trong thông điệp của mình, ông Lê Đức Thọ, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank chia sẻ: "Trong bối cảnh ngành ngân hàng Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới, hoạt động của các ngân hàng thương mại có nhiều biến đổi, đòi hỏi VietinBank phải nỗ lực triển khai thành công chiến lược phát triển kinh doanh với các mục tiêu và giải pháp đột phá".
"Toàn hệ thống VietinBank sẽ tiếp tục cơ cấu lại để phát triển mạnh mẽ, đa dạng hóa cơ cấu kinh doanh, tăng trưởng có chọn lọc, tăng trưởng gắn với hiệu quả, nâng cao năng lực tài chính, củng cố, nâng cao năng lực cạnh tranh lên tầm khu vực, quốc tế; đẩy mạnh phát triển các sản phẩm, dịch vụ ứng dụng công nghệ cao; xây dựng, hoàn thiện cơ cấu tổ chức, cơ chế quản trị và điều hành theo mô hình ngân hàng hiện đại; tiếp tục hoàn thiện và phát huy những giá trị cốt lõi của văn hóa VietinBank, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, xây dựng và phát triển VietinBank thực sự hiệu quả, an toàn, bền vững", ông Thọ khẳng định.
Năm 1988, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Nghị định số 53/1988/NĐ-HĐBT mở đường cho việc tổ chức lại hệ thống ngân hàng. Ngày 8/7/1988, Ngân hàng Công Thương Việt Nam (nay là Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam/VietinBank) chính thức khai trương, đi vào hoạt động trên cơ sở nhân sự và chức năng, nhiệm vụ của Vụ Tín dụng Công nghiệp, Vụ Tín dụng Thương nghiệp - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Phòng Tín dụng Công nghiệp và Thương nghiệp thuộc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố, thị xã.
Từ một đơn vị phải đi thuê trụ sở, hệ thống mạng lưới nhỏ, đến nay, VietinBank đã có hệ thống gồm Trụ sở chính, 7 công ty con, 155 chi nhánh và gần 1.000 phòng giao dịch trên toàn quốc. Trên thị trường quốc tế, VietinBank hội nhập mạnh mẽ với sự hiện diện của 2 chi nhánh ở Cộng hòa Liên bang Đức, 1 ngân hàng con 100% vốn tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và 1 văn phòng đại diện ở Myanmar.
Từ quy mô tài sản chỉ 718 tỷ đồng những ngày đầu thành lập, đến hết năm 2017, tổng tài sản của VietinBank đã đạt mốc 1,1 triệu tỷ đồng, tăng gấp 1.500 lần và khẳng định vị trí hàng đầu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Dư nợ tín dụng của VietinBank đến hết năm 2017 đạt 840.000 tỷ đồng, gấp 1.400 lần so với ngày mới thành lập. Lợi nhuận trước thuế tăng trưởng cao liên tục với tốc độ tăng trưởng bình quân năm đạt 22%, trong đó tổng lợi nhuận trước thuế giai đoạn 2013 - 2017 đạt hơn 40.000 tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với giai đoạn 5 năm trước đó (2008 - 2012).
Trong 30 năm hoạt động, với tổng số nộp Ngân sách Nhà nước đạt gần 37.000 tỷ đồng và hơn 7.000 tỷ đồng dành cho từ thiện, an sinh xã hội, VietinBank là ngân hàng nhiều năm liền nằm trong Top 10 Doanh nghiệp đóng góp Ngân sách Nhà nước cao nhất, góp phần cùng Đảng, Nhà nước thực hiện xóa đói, giảm nghèo nhanh, bền vững trên phạm vi cả nước.
Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng đã trao Huân chương lao động Hạng Nhất, Cờ thi đua của Chính phủ cho VietinBank.