Xây dựng Đại học Cần Thơ thành trường đại học xuất sắc
Phát biểu tại buổi làm việc với trường Đại học Cần Thơ ngày 20/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn nhà trường tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại nhằm xây dựng Đại học Cần Thơ trở thành trường đại học xuất sắc, đại học nghiên cứu, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực nhằm đáp ứng tốt nhất nhiệm vụ đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực cho vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đồng thời là một trung tâm đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ mạnh trong và ngoài nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với lãnh đạo Trường Đại học Cần Thơ. Ảnh: Đức Tám – TTXN |
Đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu cũng như những kết quả mà Đại học Cần Thơ đạt được trong thời gian qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng với vị trí là một trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực và là cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học trọng điểm của Nhà nước, Đại học Cần Thơ đã có những đóng góp thiết thực vào phát triển của các tỉnh ĐBSCL. Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ĐBSCL có nhiều tiềm năng và lợi thế để phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó lợi thế lớn nhất là trồng lúa, cây ăn trái, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản…Tuy nhiên, vùng còn có tồn tại, yếu kém trong đó nổi lên là hạn chế về nguồn nhân lực có chất lượng cao, cơ sở hạ tầng giao thông vận tải yếu kém do tính đặc thù của vùng sông nước, sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chưa cao… Đây là những hạn chế, yếu kém rất lớn làm cản trở sự phát triển của vùng ĐBSCL. Do vậy, Đại học Cần Thơ cần phải thấy rõ, xác định rõ nhiệm vụ chính trị của mình đối với vùng, nhằm góp phần khắc phục những hạn chế, yếu kém, tiếp tục đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL.
Nhấn mạnh phát triển nguồn nhân lực được xác định là một trong ba đột phá chiến lược, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Đại học Cần Thơ cần đặc biệt quan tâm đến xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức nhà giáo cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, phấn đấu tăng nhanh tỷ lệ giảng viên có trình độ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ. Giảng viên của trường phải thực hiện tốt cả nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu, tham gia chuyển giao tiến bộ kỹ thuật tới các địa phương. Đồng thời, nâng cao hiệu quả chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học nhằm phục vụ tốt hơn nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL, góp phần vào tăng trưởng chung của cả nước, nhất là phát triển giải pháp công nghệ, công nghệ GEN về giống cây trồng và vật nuôi ứng phó với biến đổi khí hậu...
Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới tại Vĩnh Long, Hậu Giang
Chiều 20/3, tại trụ sở Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ (Cần Thơ), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Vĩnh Long về tình hình kinh tế - xã hội của địa phương.
Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo tỉnh và ý kiến của các bộ, ngành Trung ương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu cùng những kết quả mà Vĩnh Long đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là những kết quả trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới…
Nhấn mạnh những tiềm năng, lợi thế của địa phương còn rất lớn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Vĩnh Long cần tìm ra cách làm năng động, sáng tạo, huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư để phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trước mắt cần hết sức quan tâm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh nhất là sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản; thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, ổn định thị trường... Tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả các vùng rau màu, cây ăn trái có chất lượng cao, mô hình cánh đồng mẫu lớn và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là khâu bảo quản trước, trong và sau thu hoạch để hạn chế thất thoát sản lượng và giảm chất lượng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Vĩnh Long quan tâm cải thiện môi trường đầu tư, khắc phục những yếu kém, tạo chuyển biến về chất lượng tăng trưởng và hiệu quả đầu tư. Tập trung thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến sử dụng nguồn nguyên liệu tại địa phương... đồng thời huy động và khai thác hiệu quả mọi nguồn lực để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đã đề ra trong năm 2013.
*Chiều 20/3, phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hậu Giang, tại trụ sở Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ (TP Cần Thơ), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị tỉnh cần phấn đấu, nỗ lực nhiều hơn nữa phát huy tiềm năng, lợi thế, ra sức khắc phục những hạn chế, yếu kém để tiếp tục bứt phá vươn lên theo hướng phát triển nhanh và bền vững.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Hậu Giang tập trung huy động mọi nguồn lực để thực hiện có hiệu quả mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đồng thời quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông vận tải, điện, nước sạch, trạm y tế... trong đó chú trọng tới công tác xây dựng và lập quy hoạch. Thủ tướng lưu ý Hậu Giang chăm lo tới lĩnh vực giáo dục - đào tạo từ bậc mẫu giáo đến công nhân kỹ thuật và đại học; thực hiện hiệu quả các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo; tạo việc làm, thu nhập và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Trước mắt, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh sát cánh cùng doanh nghiệp để có những giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, nhất là các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu nông nghiệp và thủy sản...
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã xem xét và cho ý kiến cụ thể đối với các đề nghị của Hậu Giang liên quan đến việc xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang, hỗ trợ thực hiện dự án Nhà máy xử lý và vốn đối với một số công trình giao thông trọng điểm của địa phương.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Đại sứ Vương quốc Hà Lan
Chiều 20/3, tại thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Đại sứ Vương quốc Hà Lan Joop Scheffers nhằm trao đổi các biện pháp thúc đẩy quan hệ hai nước, nhất là trên lĩnh vực ứng phó với biển đổi khí hậu và nước biển dâng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sự hỗ trợ của Hà Lan trong việc giúp Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Hà Lan đang giúp Việt Nam rất nhiều dự án, trong đó có dự án quan trọng là lập kế hoạch phát triển đồng bằng sông Cửu Long trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng với tầm nhìn dài hạn.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn hai nước tiếp tục tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực hai bên có tiềm năng và thế mạnh như: kinh tế biển, cảng biển và dịch vụ hậu cần, hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ xây dựng các công trình trị thủy, đối phó với triều cường và ngập lụt đô thị, quản lý tổng hợp nguồn nước…
Đại sứ Joop Scheffers bày tỏ vinh dự được tham dự Ngày nước Quốc tế được tổ chức tại thành phố Cần Thơ, đồng thời khẳng định, Hà Lan sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam về đối phó với các thách thức từ nguồn nước, nhất là đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Thiện Thuật