Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc làm việc với đại diện lãnh đạo 4 tỉnh khu vực miền Trung bị ảnh hưởng bởi hiện tượng cá chết bất thường. |
Dự buổi làm việc có lãnh đạo các bộ, ngành, thành viên Chính phủ; Bộ Chỉ huy Quân khu 4 và đại diện lãnh đạo 5 tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế. Đáng chú ý tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành chức năng đã công bố nhiều thông tin, khẳng định độ an toàn cho các hoạt động du lịch, dịch vụ và sinh hoạt, hành nghề của ngư dân và khách du lịch.
Chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc hải sản ven biển chết bất thường tại 4 tỉnh miền Trung Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế là sự cố môi trường có tính chất phức tạp, lần đầu xảy ra ở nước ta. Do kinh nghiệm xử lý hạn chế nên công tác phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương còn lung túng. Việc xác định nguyên nhân sự cố trên cơ sở căn cứ khoa học còn chậm; công tác khôi phục sản xuất và ổn định đời sống nhân dân chưa đáp ứng yêu cầu, dẫ đến việc một số phần tử xấu lợi dụng, kích động người dân, gây mất ổn định an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trong khu vực.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, và các bộ, ngành liên quan tiếp tục điều tra, làm rõ nguyên nhân thảm họa này.
“Tinh thần của Chính phủ là dù bất cứ cơ quan tổ chức, cá nhân nào vi phạm pháp luật thì đều bị điều tra, làm rõ trên cơ sở căn cứ khoa học, Chính phủ quyết tâm xử lý kiên quyết hành vi vi phạm, tuyệt đối không có sự bao che dung túng”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.
Thủ tướng cũng cho phép nếu cần cần sự hỗ trợ của chuyên gia, tư vấn nước ngoài do điều kiện nghiên cứu trong nước còn chưa đáp ứng thì cũng phải làm ngay. Do đây là sự cố thảm họa môi trường nên việc nghiên cứu, kết luận cần thận trọng và cần có thời gian cần thiết, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến việc tiếp tục xử lý trách nhiệm các cơ quan có liên quan đến vụ việc với hình thức phù hợp, đúng quy định của pháp luật nhưng cần thận trọng, có cơ sở khoa học cụ thể mới được kết luận.
Kiểm soát tốt tình hìnhTheo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện tượng cá chết bất thường vừa qua đã làm tổng số lồng nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại là 67 tấn; ước thiệt hại thành tiền 54 tỷ đồng. Tổng số cá ngoài tự nhiên chết dạt vào bờ thống kê các tỉnh ước khoảng 100 tấn.
Trong đó, tỉnh Hà Tĩnh có hiện tượng cá chết sớm nhất trong số các địa phương trên. Từ ngày 6 đến ngày 14/4/2016, tại khu vực ven biển thuộc thị xã Kỳ Anh đã xảy ra tình trạng các đối tượng thuỷ sản nuôi trồng (cá, tôm, ngao) và thuỷ, hải sản tự nhiên bị chết hàng loạt không rõ nguyên nhân. Hiện tượng cá chết cũng xảy ra tại khu vực vịnh Vũng Áng, đặc biệt vào ngày 24 và 26/4/2016 có xuất hiện dòng triều mầu nâu kèm theo cá chết (còn tươi). Song, từ ngày 28 - 29/4, Hà Tĩnh không còn phát hiện cá chết.
Đại diện các địa phương trong vùng bị ảnh hưởng đều khẳng định đã kiểm soát được tình hình, mặc dù hiện tượng cá chết bất thường đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất và sinh hoạt của ngư dân ven biển; ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội trên địa bàn.
Các địa phương tham dự cuộc làm việc đề nghị các bộ, ngành liên quan sớm công bố chính thức nguyên nhân và thời gian xảy ra hiện tượng thảm họa này; tránh để các đối tượng xấu lợi dụng, kích động nhân dân biểu tình, nhất là trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, sớm có kết luận và thông tin rộng rãi để người dân và chính quyền địa phương biết, nắm bắt được mức độ độc hại trong nước biển, việc thu mua, mức độ an toàn của thủy hải sản trong vùng để đảm bảo ổn định tâm lý cho nhân dân, lập lại an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Các bãi tắm miền Trung an toànTheo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, ngay sau khi sự cố xảy ra từ 6/4, ngày 7/4, Bộ đã cử người vào các địa bàn liên quan để nghiên cứu, tổng hợp, lấy mẫu đánh giá nguyên nhân sự việc và đặt trọng tâm vào những điểm, cơ sở có nguy cơ về môi trường, trong đó có nhà máy thép Formosa, Khu Kinh tế Vũng Áng.
Theo kết quả lấy mẫu, đánh giá của Bộ, đến thời điểm này các mẫu nghiệm từ khu vực Vũng Áng, nhà máy thép Formosa chỉ có một số chỉ số cao hơn cho phép, chưa phát hiện ra các vấn đề bất thường khác.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, đây là sự cố môi trường diễn ra trên diện rộng, mang tính chất thời điểm chứ không thể hiện thực trạng chất lượng môi trường biển của Việt Nam. Đến nay Bộ vẫn liên tục chỉ đạo lấy mẫu hàng ngày và công bố công khai. Cũng theo kết quả xem xét, phân tích và đánh giá của Bộ, chất lượng nước mặt tại các bãi biển khu vực này đều hoàn toàn đáp ứng yêu cầu về môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu rõ.
Liên quan đến việc xác định nguyên nhân sự cố thảm họa môi trường này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cam kết với trách nhiệm của mình sẽ nỗ lực nghiên cứu, lấy mẫu, đánh giá, phối hợp với các nhà khoa học trong và ngoài nước để tìm nguyên nhân và sẽ công bố kết quả trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, công việc này trên thực tế rất phức tạp, không thể có kết quả trong thời gian ngắn nên không nên nóng vội khi kết luận.
Liên quan đến quy trình xả thải của Nhà máy Thép Formosa, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thông tin thêm, nhà máy này đặt bể xả thải trong phạm vi khuôn viên nhà máy, sau đó có đặt thiết bị theo dõi tự động các thông số, nhưng chưa kết nối với các nhà quản lý Nhà nước. Quan điểm của Bộ về vấn đề này là có thể chấp nhận trên góc độ kỹ thuật nhưng không được đặt trong phạm vi Nhà máy sẽ gây khó khăn cho công tác kiểm tra. Bộ đề nghị Nhà máy đưa họng xả thải này ra ngoài để thuận tiện cho cơ quan chức năng và cả người dân có thể dễ dàng tiếp cận, giám sát bất kỳ lúc nào. Qua kiểm tra tại cơ sở này, Bộ chỉ phát hiện một số vấn đề vi phạm về hành chính chứ chưa kết luận có việc xả trộm chất thải hay không. Tuy nhiên, nhưng không loại trừ trường hợp này, Bộ sẽ tiếp tục giám định các nguồn thải và triển khai xây dựng một trạm quan trắc tại đây để kiểm soát thường xuyên. Nếu xác định vi phạm, Bộ sẽ xử lý kiên quyết, đúng quy định của pháp luật, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định.
Cũng tại buổi làm việc Bộ trưởng Trần Hồng Hà kiến nghị các địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ để tiến hành kiểm tra, kiểm toán toàn diện, rà soát đánh giá lại tác động môi trường các cơ sở có khả năng gây ra ô nhiễm; yêu cầu thiết lập hệ thống xả thải dễ tiếp cận, tạo điều kiện cho người dân dễ giám sát kết nối với cơ quan quản lý.
Đánh bắt cá an toàn phạm vi ngoài 20-30 hải lý
Giải đáp thắc mắc của các địa phương liệu ngư dân có thể đánh cá trong thời điểm này hay không, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát khẳng định, ngư dân hoàn toàn có thể ra khơi, đánh bắt cá xa bờ trong phạm vi ngoài 20-30 hải lý.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng cho biết, việc tiến hành lấy nước biển vào nuôi trồng thủy sản hiện không có vấn đề gì nhưng bộ vẫn phải giám sát, tiếp tục theo dõi.
Cũng tại buổi làm việc chiều nay, công bố kết quả xét nghiệm thành phần độc tố có trong thủy, hải sản khu vực xảy ra hiện tượng cá chết bất thường, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, theo kết quả mới nhất, các loại thủy hải sản tươi sống hay nước biển ở các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh đều ở mức an toàn. Riêng đối với hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, Bộ sẽ có kết quả công bố vào ngày mai.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng cho biết, đã trực tiếp điện thoại yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn 4 tỉnh xảy ra sự cố trên nghiên cứu miễn giảm lãi vay, cơ cấu lại khoản vay, đánh giá mức độ thiệt hại từ nguồn vốn vay để có biện pháp hỗ trợ bà con ngư dân bị thiệt hại. Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đề nghị các bộ, ngành chức năng phối hợp với địa phương trong công tác kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm để đảm bảo niềm tin với bạn hàng, phục vụ xuất khẩu.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị trong đánh giá nguyên nhân, cần có sự tham gia của chuyên gia quốc tế để đảm bảo tính độc lập, do kinh nghiệm xử lý sự cố môi trường của chúng ta còn hạn chế. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ động đặt trạm quan trắc ở tất cả các cơ sở sản xuất kinh doanh trong cả nước có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Yêu cầu khởi tố vụ án hình sự
Kết luận hội nghị quan trọng này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đây là sự cố nghiêm trọng về môi trường 4 tỉnh miền Trung, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân ven biển. Đến nay tuy còn một số mặt bất cập, cần tiếp tục xử lý nhưng nhờ sự vào cuộc tích cực, chỉ đạo toàn diện, liên tục nên cơ bản, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Thủ tướng cũng lưu ý một số địa phương cần rút kinh nghiệm do chậm có biện pháp xử lý vụ việc; cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành địa phương chưa tốt, công tác thông tin, tuyên truyền chưa thận trọng nên đã bị các đối tượng xấu lợi dụng, kích động người dân.
Thủ tướng yêu cầu các cơ quan liên quan nhận thức rõ trách nhiệm qua vụ việc này, nhất là trong công tác quản lý Nhà nước về môi trường; chưa kịp thời thường xuyên trong việc quan trắc chất thải các nhà máy, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ chủ trì cùng các bộ, ngành chức năng phối hợp với nhà khoa học nước ngoài sớm có kết luận về nguyên nhân vụ việc trong thời giam sớm nhất. Thủ tướng giao Bộ Công an tiếp tục chủ trì điều tra đặc biệt vụ án vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường tại khu vực ven biển miền trung để điều tra, làm rõ, xử lý theo đúng quy định của pháp luật trên cơ sở kết luận khoa học.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Chủ tịch UBND các địa phương tăng cường kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất ven biển trên địa bàn cả nước; nghiêm cấm hành vi xả thải ra biển vi phạm quy định của Luật Bảo vệ Môi trường.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường có báo cáo kiểm điểm, làm rõ việc cho phép lắp đặt hệ thống xả thải của Formosa, không kết luận vội vàng và làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể có liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; đồng thời đề xuất cụ thể phương hướng xử lý tiếp theo.
Hoan nghênh hình ảnh các bộ trưởng, lãnh đạo các địa phương trực tiếp ăn cá, tắm biển, công bố các chỉ số môi trường trong những ngày qua, Thủ tướng cho rằng, những hành động này đã củng cố niềm tin, động viên người dân, khách du lịch yên tâm sử dụng các sản phẩm thủy hải sản và dịch vụ du lịch.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cơ bản tán thành với các đề xuất hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương. Theo đó, Thủ tướng đồng ý hỗ trợ 15kg gạo/1 nhân khẩu trong vòng 1,5 tháng với tổng khoảng 4500 tấn gạo từ ngân sách Nhà nước đối với các lao động dừng hoạt động khai thác thủy hải sản ven bờ và cả người ăn theo; hỗ trợ 60 tỷ đồng cho các tàu ven bờ bị dừng hoạt động do sự cố này. Chính phủ cũng chỉ đạo hỗ trợ 100% lãi xuất cho các hộ ngư dân; an toàn xã hội, giữ gìn sự bình yên cuộc sống cho nhân dân.