Thông tấn xã Việt Nam học tập Bác Hồ cách làm báo, viết báo

“Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hoà bình thế giới”.     

Chú thích ảnh
Tại Đại hội lần thứ III những người viết báo Việt Nam (8/9/1962), Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng, cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén. Ảnh tư liệu.

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về báo chí

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ tôn chỉ, mục đích của báo chí cách mạng Việt Nam: “Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hoà bình thế giới”.     

Theo Người, đề tài xuyên suốt và nguồn cảm hứng vô tận để báo chí cách mạng Việt Nam khai thác và tuyên truyền đó là: “chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Do đó, báo chí của ta phải có đường lối chính trị đúng, vì có đường lối chính trị đúng thì các nội dung và hình thức thể hiện của báo chí mới đúng và phục vụ đắc lực cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc được.

Về vai trò, nhiệm vụ của báo chí cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi người hoạt động báo chí là một chiến sĩ cách mạng, vì “nói đến báo chí trước hết phải nói đến những người làm báo chí”. Đối với người làm báo cách mạng, theo Người, “cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”, do đó “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng”. 

Người cho rằng, nhiệm vụ báo chí cách mạng là phải đi tiên phong trong đấu tranh không khoan nhượng với những gì đi ngược lại quy luật của lịch sử, vạch trần tính chất phản động, giả dối, bịp bợm của kẻ thù của dân tộc.  Tính chiến đấu không chỉ nhằm tiến công vào kẻ thù của cách mạng, mà còn biểu dương những tấm gương tiêu biểu trong chiến đấu và lao động để cổ vũ mọi người hăng hái tham gia cách mạng. Người yêu cầu “Các báo chí và văn nghệ phải điều tra tuyên truyền, khen ngợi những ưu điểm và phê bình những khuyết điểm trong việc phổ biến sáng kiến và kinh nghiệm. Đó là một nhiệm vụ vẻ vang của báo chí và văn nghệ thiết thực góp phần vào phong trào thi đua ái quốc”. 

Người đề nghị báo nên có mục “ý kiến bạn đọc”, coi ý kiến bạn đọc là những ý kiến đấu tranh. Cái mới đấu tranh với cái cũ, cái tốt đấu tranh với cái không tốt. Trong biểu dương, phải rút ra được kinh nghiệm có ý nghĩa phổ biến, phê bình phải cụ thể, rõ ràng. Phê bình và tự phê bình là biện pháp tăng cường tính chiến đấu, vì “phê bình và tự phê bình là vũ khí rất cần thiết và rất sắc bén, nó giúp chúng ta sửa chữa sai lầm và phát triển ưu điểm. Vì khéo lợi dụng nó mà Đảng ta và dân ta ngày càng tiến bộ. Đối với báo chí cũng vậy”.

Từ tôn chỉ, mục đích hoạt động của nền báo chí cách mạng Việt Nam, từ vị trí và vai trò của nhà báo và hoạt động báo chí, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu những người làm báo phải thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng, trau dồi tư tưởng, học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động, phải luôn nâng cao trình độ văn hoá, rèn giũa nghiệp vụ, mài sắc ngòi bút của mình; nhất là phải trau dồi lập trường chính trị vững chắc: “Chính vì thế cho nên, tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng”. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc nhở những người làm báo, khi viết phải trả lời rõ: “Thế thì viết cái gì? Trong vấn đề này cũng phải có lập trường vững vàng: ta, bạn, thù thì viết mới đúng”. Những câu hỏi Người đặt ra chính là đòi hỏi báo chí phải xác định rõ đối tượng tiếp nhận thông tin. Việc xác định đó nhằm hình thành phương pháp sáng tạo phù hợp cho nhà báo.

Thông tấn xã Việt Nam luôn ghi nhớ lời Bác dậy cách làm báo, viết báo

Chú thích ảnh
Bác Hồ chụp ảnh với các gia đình cán bộ Việt Nam Thông tấn xã trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp tại Tuyên Quang (1952). Ảnh: TTXVN

Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) vinh dự là cơ quan báo chí được Bác Hồ đặt tên. Trong lịch sử phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam, TTXVN là một trong số những cơ quan báo chí được Bác Hồ đặc biệt quan tâm. Dấu ấn sự phát triển của TTXVN in đậm từ những lời dạy, bản tin in dấu tay Người và sự nỗ lực của cán bộ, nhân viên toàn ngành.

Là cơ quan báo chí có bề dày truyền thống 76 năm đồng hành cùng Tổ quốc. Trong hơn 7 thập kỷ qua, các thế hệ người làm báo của TTXVN đã có nhiều đóng góp cho công cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước. Trong những năm tháng chiến tranh, các nhà báo chiến sĩ của TTXVN không chỉ vững tay máy, tay bút để phản ánh tình hình chiến sự từ các mặt trận mà còn là những người trực tiếp cầm súng bảo vệ Tổ quốc. Các phóng viên TTXVN cũng phản ánh các phong trào thi đua sôi nổi ở hậu phương. Chính những thông tin và hình ảnh của TTXVN lại tiếp tục cổ vũ phong trào thi đua của quân và dân ta để cách mạng sớm đến ngày thắng lợi.

Trong xây dựng và phát triển đất nước, lãnh đạo TTXVN căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ của từng thời kỳ đã có nhiều chủ trương định hướng lớn phát triển ngành. Nhiều phong trào thi đua thiết thực, trong đó có phong trào thi đua “Học tập Bác Hồ cách làm báo, viết báo” nhằm phát huy truyền thống, lòng yêu nghề và trách nhiệm xã hội của những người làm báo TTXVN. Có thể khẳng định, đội ngũ phóng viên, biên tập viên đã luôn nghiêm túc làm nghề để tạo ra các tác phẩm báo chí ghi dấu ấn trong lòng công chúng và khẳng định vai trò của cơ quan báo chí chủ lực quốc gia của TTXVN.

Đặc biệt, sau khi học tập và quán triệt Chỉ thị số 05-CT/TW Ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, của cán bộ, đảng viên, phóng viên, biên tập viên của TTXVN được nâng lên một bước, có tác động tích cực trong việc rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức lối sống, ý thức trách nhiệm đối với công việc được giao.

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và đặc điểm của các khối công tác trong ngành, Đảng ủy TTXVN chỉ đạo mỗi đơn vị theo các khối công tác xác định rõ những nội dung cần học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trước hết, tập trung nâng cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới phong cách công tác, tác phong làm việc của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, với các tiêu chí cụ thể. 

Chú thích ảnh
Phóng viên Quý Trung cùng đồng nghiệp trên đường đi đưa tin lũ lụt ở Lai Châu, tháng 8/2018. Ảnh: TTXVN

Nổi bật là các đơn vị thông tin của TTXVN có tiêu chí “Khách quan, trung thực, nhanh nhạy, chuẩn xác”. Ban biên tập tin Trong nước xây dựng chuẩn mực trong công tác thông tin “Chuẩn xác, đúng sự thật, ngắn gọn, dễ hiểu”. Ban Thư ký biên tập và Quan hệ đối ngoại thực hiện tiêu chí “Không ngừng trau dồi, nâng cao nhận thức chính trị, rèn luyện đức tính cẩn thận trong công việc, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ” và phương châm tôn trọng nhân dân là có trách nhiệm với công việc của mình, tôn trọng đối tượng được cung cấp sản phẩm thông tin.

Ban biên tập tin Đối ngoại với tiêu chí “Nỗ lực xây dựng môi trường biên tập chuyên nghiệp”. Báo Le Courrier du Vietnam với tiêu chí “Thông tin khách quan, trung thực, nhanh nhạy, chuẩn xác” tới độc giả nước ngoài. Báo Tin tức với tiêu chí “Xung kích” phát huy tinh thần tự giác của cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ. Tạp chí Vietnam Law and Legal Forum bổ sung tiêu chí “Chuẩn xác,  kịp thời, thiết thực, hấp dẫn và khách quan”... Việc lựa chọn những nội dung học tập và làm theo Bác có trọng tâm, mang tính thực tiễn cao, được các cấp ủy, tổ chức đảng, đơn vị thực hiện có nền nếp, mang lại hiệu quả thiết thực. 

Trong các tác phẩm báo chí của TTXVN luôn giữ vững định hướng “nhanh, đúng định hướng, bao quát, ngôn từ sâu sắc, hấp dẫn”. Các nhà báo TTXVN luôn kiên trì lắng nghe, không vội vàng, tìm hiểu kỹ bản chất vấn đề thông tin, viết có chủ đích. Khi triển khai đợt thông tin lớn, Ban lãnh đạo TTXVN đều xây dựng kế hoạch thông tin, kịch bản rất tỉ mỉ, chi tiết, từ việc đặt vấn đề, giải quyết vấn đề đến việc đặt ra các tình huống để có phương án thay thế. Các tác phẩm báo chí của TTXVN luôn mang đậm dấu ấn và hơi thở của cuộc sống đời thường mà phóng viên tìm được và biến hơi thở đấy thành nhịp đập của riêng mình và toàn xã hội. Các nhà báo TTXVN luôn hết lòng và sẵn sàng xả thân với nghề, đam mê, trăn trở với từng "góc hình","con chữ", tạo ra một diện mạo mới, một sự bừng khởi mới cho tin, bài, ảnh, truyền hình thông tấn. 

TTXVN luôn tự tin, bản lĩnh trên mặt trận thông tin. Trước mỗi sự kiện trọng đại của đất nước, mọi nguồn lực của thông tấn lại được huy động vào cuộc. Tính chuyên nghiệp, khoa học và chặt chẽ trong tổ chức thông tin ngày càng được củng cố qua từng đợt tuyên truyền trọng điểm. 

Qua mỗi sự kiện lớn như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Năm APEC Việt Nam 2017, Năm Chủ tịch ASEAN 2020… thông tin của TTXVN tiếp tục giữ vững vị thế nguồn thông tin tin cậy của công chúng và các cơ quan báo chí trong và ngoài nước. Tuyến tin bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 cũng như tuyến thông tin về dịch bệnh COVID-19 đang được TTXVN tập trung triển khai một cách chuyên nghiệp, hiệu quả. Những kết quả mà TTXVN đạt được đó chính là sự khẳng định việc học tập nghiêm túc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu trong cách làm báo, viết báo của đội ngũ nhà báo TTXVN.

Đàm Danh Liêm (TTXVN)
Không ngừng đổi mới, khẳng định tính chuyên nghiệp của TTXVN
Không ngừng đổi mới, khẳng định tính chuyên nghiệp của TTXVN

Xây dựng các chuyên trang thông tin đặc biệt nhân các sự kiện quan trọng của đất nước là một trong những bước đổi mới mạnh mẽ, nhằm hiện thực hóa chiến lược phát triển của TTXVN: "Kết hợp thông tin với công nghệ và các ý tưởng sáng tạo", hướng tới mục tiêu phát triển thành cơ quan thông tấn đa phương tiện chủ lực quốc gia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN