Thống nhất điều chỉnh quy hoạch xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát

Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh vừa thống nhất phương án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát đến năm 2045, với mục tiêu xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát trở thành một điểm động lực kinh tế năng động, bền vững của tỉnh Tây Ninh, với tổng diện tích quy hoạch là khoảng 34.890 ha, gồm toàn bộ địa giới hành chính hai xã Tân Lập và Tân Bình, huyện Tân Biên.

Chú thích ảnh
Cửa khẩu quốc tế Xa Mát. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Ông Nguyễn Văn Minh, Chuyên viên Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia - Bộ Xây dựng (đơn vị tư vấn xây dựng quy hoạch) cho biết, quá trình triển khai đề án Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát từ năm 2005 (từ khi được lập vào năm 2003 và được phê duyệt quy hoạch vào năm 2005) đến nay đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nên sau gần 20 năm, chưa mang lại được nhiều thành quả về phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát đã phát sinh một số yếu tố mới.

"Tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay đã có những nhân tố mới nằm ngoài dự kiến của quy hoạch cũ, như việc hình thành dự án tuyến đường cao tốc Gò Dầu - Xa Mát; việc thành lập Khu Cửa khẩu quốc tế Tân Nam (xã Tân Bình, huyện Tân Biên); Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có những định hướng mới đến phát triển kinh tế xã hội, tác động đến quy hoạch chung. Do đó, việc xem xét các định hướng phát triển mới cho Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát là thực sự cần thiết", ông Nguyễn Văn Minh nhấn mạnh.

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh, trước đây Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát được thành lập và quy hoạch được kỳ vọng sẽ trở thành cửa ngõ quan trọng về đường bộ ra quốc tế của tỉnh Tây Ninh, kết nối thuận lợi với thành phố Hồ Chí Minh (cách 150 km) thông qua Quốc lộ 22A, Quốc lộ 22B và tuyến cao tốc dự kiến hình thành Mộc Bài - Hồ Chí Minh. Đồng thời, kết nối với vùng động lực thành phố Kampong Cham, thuộc Vương quốc Campuchia thông qua Quốc lộ 7, đây là hướng liên kết ngắn và thuận tiện nhất giữa vùng Đông Nam Bộ (Việt Nam) với vùng phía Nam của Lào, phía Bắc của Campuchia và phía Đông của Thái Lan.

Phó Trưởng Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Tây Ninh Thái Bình An cho biết: Phương án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát đã được lấy ý kiến sở, ngành địa phương nhiều lần. Tỉnh Tây Ninh đặt ra yêu cầu nghiên cứu đánh giá cụ thể những tiềm năng, lợi thế mang tính chất đặc thù của Khu kinh tế để xác định lại tính chất, chức năng.

Theo ông Nguyễn Nam Hưng, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Tây Ninh, việc điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát là hợp lý, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế cửa khẩu Việt Nam, quy hoạch tỉnh và các định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Tây Ninh, của quốc gia và xu thế phát triển đô thị - công nghiệp theo hướng phát triển bền vững, gắn với bảo vệ rừng văn hóa lịch sử Vườn quốc gia, đảm bảo đối ngoại và an ninh quốc phòng…

Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh nhận định, quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát là tầm nhìn dài hạn của tỉnh; nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát từ 2005 đến nay gặp nhiều khó khăn, bất cập cần phải nghiên cứu, rà soát, đánh giá cụ thể điều chỉnh đúng hướng để thay đổi.

Cụ thể, Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát có hơn 2/3 diện tích là đất rừng đặc dụng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh cũng đề nghị đơn vị tư vấn bổ sung thêm việc phát triển du lịch sinh thái gắn với quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát và đánh giá đúng thực trạng về sử dụng đất, trạng thái các loại đất... từ đó xác định tiềm năng, lợi thế và đưa ra những định hướng, quy hoạch khu công nghiệp, khu đô thị, khu thương mại dịch vụ bảo đảm phù hợp, tương thích, đặc biệt là có tính khả thi giữa quy hoạch với khả năng chuyển đổi các loại đất và khả năng chuyển đổi đất rừng, để việc triển khai thực hiện quy hoạch sau này có tính khả thi cao.

Minh Phú (TTXVN)
Đầu tư đồng bộ hạ tầng tại các khu kinh tế, công nghiệp
Đầu tư đồng bộ hạ tầng tại các khu kinh tế, công nghiệp

Năm 2024, tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại khu kinh tế, khu công nghiệp nhằm tạo điều kiện để thu hút các nhà đầu tư đến đặt nhà máy sản xuất, góp phần nâng cao quy mô, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN