Sau gần 3 năm thực hiện chương trình phát triển KKTNS & các KCN giai đoạn 2021 – 2025, đến nay, giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ, thương mại đã đạt 546.143 tỷ đồng, bằng 37,3% kế hoạch 5 năm (2021-2025).
Trong đó, Khu kinh tế Nghi Sơn thực hiện 491.770 tỷ đồng, bằng 40,3%; Các khu công nghiệp thực hiện 54.573 tỷ đồng, bằng 22,2%; Giá trị xuất khẩu đạt 9.505 triệu USD, bằng 37,4% kế hoạch; Thu ngân sách thực hiện 52.747 tỷ đồng, bằng 40,1%; Giải quyết việc làm ước đạt 97.970 người, bằng 81,6%; Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 54.137 tỷ đồng; Thu hút đầu tư mới đạt 168 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài; Hoàn thành giải phóng mặt bằng 1.150,5 ha bằng 46% kế hoạch; Tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp trong khu kinh tế Nghi Sơn bình quân là 31,1%...
Những thành quả trên là kết quả của quá trình cải cách thủ tục hành chính, đổi mới phương thức kêu gọi đầu tư… Đồng thời, Ban quản lý KKTNS & các KCN cũng duy trì và thiết lập được các mối liên hệ với các đối tác nước ngoài thông qua việc ký kết các biên bản ghi nhớ giữa tỉnh Thanh Hóa với các địa phương ở nước ngoài, thường xuyên trao đổi để triển khai thực hiện các thỏa thuận hợp tác, biên bản ghi nhớ với các địa phương, tập đoàn kinh tế nước ngoài và tạo điều kiện tốt nhất để đón tiếp các nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào KKTNS & các KCN trong tỉnh.
Để sớm trở thành trung tâm công nghiệp – đô thị, dịch vụ ven biển trọng điểm cả nước, Ban quản lý KKTNS & các KCN cùng địa phương và các ngành liên quan tập trung việc giải phóng mặt bằng tại các khu công nghiệp trong KKTNS, nhằm tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư. Trong đó, Khu công nghiệp số 20 có tổng diện tích 604 ha, Khu công nghiệp số 21 có tổng diện tích 395 ha, đây là các khu công nghiệp tập trung đa ngành gồm: Công nghiệp nhẹ, công nghiệp phụ trợ, tổng kho đông lạnh … Khu Công nghiệp số 6 có tổng diện tích 549 ha, có tính chất quan trọng, phù hợp với định hướng phát triển, thu hút tại KKTNS theo điều chính quy hoạch.
Cùng với đó, Ban quản lý KKTNS & các KCN tiếp tục huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ngân sách Nhà nước để đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng KKTNS & các KCN, phấn đấu hoàn thành các dự án kết nối với Cảng biển Nghi Sơn như: Tuyến đường bộ ven biển, đường vào cảng contener Long Sơn, tuyến giao thông trục chính phía tây … Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án mới như: Đường nối cao tốc Bắc – Nam, QL1A đi cảng Nghi Sơn, dự án đầu tư hệ thống thoát nước đường 513 – KKTNS, hoàn thiện mặt đường vào Nhà máy xi măng Đại Dương, hoàn thiện hệ thống điện chiếu sáng đường BL2; lắp đặt hệ thống camera giám sát các tuyến đường trong KKTNS; đẩy nhanh tiến độ các dự án sớm đưa vào hoạt động như: Nhà máy Xi măng Đại Dương 1 và 2, Nhà máy xăm lôp ô tô Radial, Nhà máy sản xuất găn tay Nitrile Intco, Nhà máy thép VAS số 2, Nhà máy khung tranh Inteco, Nhà máy hóa chất Đức Giang …; cùng các dự án đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Lam Sơn – Sao Vàng, Khu công nghiệp số 3, Khu công nghiệp Đồng Vàng, Khu công nghiệp số 1 luyện kim…
Ông Nguyễn Tiến Hiệu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy – Trưởng Ban quản lý KKTNS & các KCN Thanh Hóa cho biết, KKTNS đang đứng trược vận hội lớn để tiến nhanh phía trước, chuyển mình vươn lên để tỉnh Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới ở Khu vực phía Bắc.
Để hiện thực hóa khát vọng trên, ngoài sự nỗ lực của Ban quản lý KKTNS & các KCN, cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, các Bộ ngành Cơ quan trung ương, cùng chính quyền và nhân dân các địa phương trong tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp tạo dựng môi trường kinh doanh hấp dẫn thu hút đầu tư.
Tư duy mới cần đi kèm với cách làm mới với phương châm: “Trung ương mở đường, địa phương thúc đẩy, doanh nghiệp đồng hành, người dân tham gia", tăng cường sự hỗ trợ, chia sẻ lẫn nhau, dần dần tạo nên thương hiệu mạnh, một địa chỉ đỏ thu hút các nhà đầu tư lớn, các tập đoàn đa quốc gia từ các nước có công nghệ cao, công nghệ sạch, góp phần phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững hơn.