Chương trình thí điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) tại 11 xã trên toàn quốc đã thực hiện được gần 2 năm. Một số xã đã thực sự “thay da đổi thịt” nhờ chương trình này, nhưng để hoàn thành toàn bộ các tiêu chí như mục tiêu đề ra thì vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra. Phóng viên Tin Tức đã có cuộc trao đổi với ông Lê Huy Ngọ - Thành viên Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình NTM, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về chương trình này.
Làm đường giao thông liên ấp 3 trong đề án xây dựng nông thôn mới ở xã Tân Lập (huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước). Ảnh: Đậu Tất Thành - TTXVN |
Xin ông cho biết kết quả của chương trình thí điểm NTM qua hơn hai năm thực hiện?
Ban Bí thư Trung ương đã chọn ra 11 xã, đại diện cho 11 vùng để thí điểm xây dựng chương trình NTM với 5 nội dung và 19 tiêu chí. Công tác thí điểm đã thực hiện được gần 2 năm. Đến nay, mức độ đạt được ở các vùng có khác nhau. Một số xã đồng bằng như ở Nam Định, Hà Nội và TP.HCM, Trà Vinh, mức độ đạt được cao hơn, tới 16 - 17 tiêu chí; nhưng các xã vùng núi chỉ đạt 4 - 5 tiêu chí như ở Thanh Chăn (Điện Biên).
Chúng tôi thực hiện thí điểm chương trình này trong 3 năm với mục tiêu từng bước hình thành một mô hình để cụ thể hóa 19 tiêu chí đề ra. Từ những xã này sẽ hình thành lên mô hình điểm, rút kinh nghiệm để áp dụng cho các xã khác sau này. Dự kiến, tới năm 2015 sẽ phát động đợt đầu cho 20% số xã trên toàn quốc áp dụng chương trình NTM, và 50% số xã vào năm 2020.
Qua hơn hai năm thí điểm, việc xây dựng NTM vấp phải những khó khăn gì, thưa ông?
Khó khăn lớn nhất là công tác quy hoạch NTM theo kiểu sản xuất hàng hóa tập trung dựa trên cơ sở hạ tầng hiện đại. Lâu nay, chúng ta thường làm thiếu quy hoạch, chắp vá, có tiền tới đâu làm tới đó. Lần này, chúng tôi lấy quy hoạch toàn diện làm căn bản, lâu dài để đảm bảo cho sự phát triển nông thôn cả về sản xuất hàng hóa lẫn đời sống văn hóa, vật chất.
Khó khăn thứ hai là vấn đề nguồn lực để xây dựng NTM, người dân băn khoăn là ngoài kinh phí Nhà nước hỗ trợ thì nông dân không có điều kiện để đóng góp. Do đó, chính sách về nguồn lực cũng rất quan trọng.
Khó khăn thứ ba là thay đổi nhận thức của người dân. Trước đây, cách thức sống của người dân có phần tùy tiện. Thông qua chương trình NTM, nông thôn được quy hoạch để thay đổi nhận thức của người dân, hài hòa từng gia đình với cộng đồng, có trật tự, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Bên cạnh đó, có một số tiêu chí “ngặt nghèo” rất khó đạt được như: An toàn xã hội; giảm trọng án, nghiện hút, trộm cắp... Ngoài ra, quá trình xây dựng NTM có thể khiến các xã khá về đích sớm, làm cho khoảng cách giàu nghèo càng chênh lệch hơn.
Theo ông, có nên xây dựng chương trình riêng cho các xã ở vùng sâu, vùng xa và các xã yếu kém không?
Ngoài chương trình xây dựng NTM thì hiện nay cũng đang có các chương trình mục tiêu cho các xã đặc biệt khó khăn, chương trình cho xã nghèo, nhà cửa cho hộ nghèo... Tất cả những chương trình đó đang được triển khai và bây giờ phải kết hợp lại với chương trình NTM để thống nhất trong một chương trình chung.
Ban chỉ đạo đang nghĩ cách quy hoạch tập trung hơn, đơn giản hơn. Các tiêu chí chỉ là cơ sở, không nên quá cứng nhắc. Có xã ở Thái Bình đề nghị tới 21 tiêu chí nhưng có nơi đề nghị chỉ cần 17 tiêu chí, ví dụ xã gần thành phố thì không cần chợ... Do đó, tiêu chí chỉ là chỗ dựa, phải do thực tiễn quyết định và hiệu quả mới là mục tiêu. Xây dựng tiêu chí phải đi kèm hiệu quả sử dụng, nếu chỉ lấy tiêu chí làm thước đo thì sẽ dẫn đến cách làm phong trào, nặng tính hình thức.