Tại buổi họp báo về chương trình kỷ niệm 45 năm thành lập Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam ngày 11/10, Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội cho biết: Sau một quá trình kiên trì vận động, Quỹ Phát triển sử học Việt Nam được cấp phép hoạt động, tạo thêm một kênh góp phần vào việc khuyến khích học sinh học sử.
Quỹ là tổ chức phi lợi nhuận, là quỹ quốc gia đầu tiên do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam sáng lập. Thông qua các giải thưởng, chương trình hỗ trợ tài chính, Quỹ khuyến khích các tài năng trẻ trong học tập, nghiên cứu lịch sử, động viên các nhà sử học nghiên cứu, công bố những đề tài lịch sử có giá trị khoa học và thực tiễn cao, góp phần tích cực vào sự nghiệp giáo dục, đào tạo, xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Hằng năm, dự kiến Quỹ sẽ tổ chức Diễn đàn Sử học Việt Nam cùng các sự kiện văn hóa, lịch sử nhằm thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân đến các vấn đề nóng bỏng của xã hội liên quan đến lịch sử.
Mở đầu cho các hoạt động thường niên này là ý tưởng của một nhóm các nhà sử học tạo nên chương trình "Sóng vọng Biển Đông". Đây là chương trình nghệ thuật đặc biệt được tổ chức nhằm khơi dậy niềm tự hào đa chiều và ý thức trách nhiệm của mỗi người Việt ở mọi lứa tuổi khác nhau với lịch sử dân tộc. Chương trình gồm nhiều ca khúc được dàn dựng theo chủ đề: Xây dựng và bảo vệ biển đảo; Vọng phu; Câu chuyện của người mẹ; Một ngày bình thường... sẽ mang đến một cuộc đối thoại giữa những con người thời bình khi cùng nhìn lại một giai đoạn hào hùng về Biển và Lịch sử.
Nhận xét về việc học lịch sử hiện nay, Gs Phan Huy Lê cho rằng: Gần đây, chất lượng cũng như việc học lịch sử sa sút. Sử học Việt Nam không phải là không hấp dẫn mà vấn đề cần quan tâm là đổi mới giáo trình và cách học. Mục đích cao nhất trong việc học sử phải là khắc sâu vào trong lòng mỗi học sinh sự kiện đáng nhớ nhất chứ không cần quá nặng nề vào diễn biến sự việc.
Lễ công bố thành lập Quỹ và chương trình "Sóng vọng Biển Đông" sẽ diễn ra vào tối 22/10 tại Nhà Hát Lớn - Hà Nội.
Hoàng Thị Minh Nguyệt