Thể chế hóa định hướng của Đảng về xây dựng pháp luật

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, sau 5 năm thực hiện Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) năm 2008 và 9 năm thực hiện Luật ban hành VBQPPL của hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân năm 2004, nước ta đã ban hành được một lượng lớn VBQPPL điều chỉnh tương đối đầy đủ các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Báo cáo của các Bộ, ngành cho thấy, tính đến ngày 31/3/2013, số lượng VBQPPL do các cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành là hơn 5.200 văn bản. Ở địa phương, tính đến ngày 31/7/2013 đã ban hành gần 7.500 nghị quyết của HĐND. Nhiều địa phương đã ban hành một số lượng VBQPPL lớn là Kiên Giang, Thái Bình, Hà Giang, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội...

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN


Tính ổn định của hệ thống pháp luật còn thấp


Đánh giá về kết quả đạt được, Bộ Tư pháp cho biết, Luật năm 2008 và Luật năm 2004 là cơ sở pháp lý quan trọng cho hoạt động lập pháp nước ta. Sự ra đời của 2 đạo Luật này đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành ở Trung ương và địa phương về ý nghĩa, vai trò của công tác xây dựng pháp luật, về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong hoạt động xây dựng pháp luật; tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho hoạt động xây dựng pháp luật, góp phần đưa công tác xây dựng pháp luật ngày càng đi vào nề nếp, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng VBQPPL. Từ đó, bước đầu khắc phục được tình trạng hệ thống VBQPPL phức tạp, góp phần xây dựng hệ thống pháp luật từng bước có tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai và minh bạch, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển đất nước.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng cho biết, việc thực hiện 2 đạo luật đã bộc lộ một số hạn chế như: tính thống nhất của hệ thống pháp luật chưa cao; tính minh bạch còn hạn chế; tính khả thi còn nhiều bất cập; còn có sự “cắt khúc”, thiếu liên kết hữu cơ giữa việc ban hành pháp luật và thi hành pháp luật và đặc biệt tính ổn định của hệ thống pháp luật còn thấp.

Cụ thể, nhiều văn bản pháp luật, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng thường xuyên thay đổi. Nguyên nhân khách quan là do thực trạng nền kinh tế nước ta đang biến chuyển khá năng động, những biến động do khủng hoảng kinh tế toàn cầu và khu vực tác động khó lường, dẫn đến việc dự báo không theo sát với thực tiễn. Tuy nhiên, phần lớn là do khả năng hoạch định chính sách còn hạn chế, thiếu tầm nhìn và quan điểm chiến lược cho sự phát triển một số lĩnh vực kinh tế - xã hội. Do không tính hết được những nhu cầu và sự vận động của các quan hệ xã hội trong lĩnh vực cần điều chỉnh nên cơ quan soạn thảo có xu hướng ban hành các VBQPPL với những quy định mang tính tuyên ngôn chung chung hơn là QPPL. Ngược lại, một số lĩnh vực pháp luật cần có sự khái quát cao thì các đạo luật lại quy định khá chi tiết. Cả hai xu hướng này đều dẫn đến tình trạng nhiều VBQPPL liên tục bị sửa đổi, bổ sung, thậm chí mới ban hành đã phải hoãn thực hiện.

Hoàn thiện cơ sở pháp lý

Phân tích nguyên nhân của những hạn chế trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đó là do nhận thức chưa đầy đủ, toàn diện của lãnh đạo một số bộ, ngành và địa phương về vai trò, vị trí của công tác xây dựng và thi hành pháp luật; chưa dành đủ nguồn lực về con người, thời gian và kinh phí cho công tác này; đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác xây dựng pháp luật còn thiếu về số lượng và một bộ phận còn yếu về trình độ, năng lực, thiếu khả năng phân tích dự báo; chưa có cơ chế đảm bảo sự tham gia giám sát của người dân và xã hội đối với công tác xây dựng và thi hành pháp luật.

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng đề nghị, cần tiếp tục thể chế hoá định hướng chiến lược của Đảng về xây dựng và thực thi pháp luật, đặc biệt, sớm cụ thể hoá các quy định mới của Hiến pháp (sửa đổi) liên quan đến việc ban hành VBQPPL. Tập trung hoàn thiện thể chế gắn với nâng cao hiệu quả thi hành thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, phát huy vai trò và hiệu lực của pháp luật để ổn định chính trị, phát triển kinh tế, chủ động hội nhập quốc tế, bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân.

Ngành Tư pháp cần phát huy vai trò của hoạch định chính sách trong việc thể chế hoá đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Hiến pháp mới thông qua đã quy định Chính phủ thực hiện quyền hành pháp, có nhiệm vụ “đề xuất, xây dựng chính sách trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền” và Thủ tướng chịu trách nhiệm “lãnh đạo việc xây dựng chính sách và tổ chức thực thi pháp luật”. Do đó, việc ban hành VBQPPL là công cụ pháp lý bảo đảm cho quy trình đề xuất, xây dựng, trình và thông qua chính sách trở thành khâu trung tâm của toàn bộ quy trình xây dựng pháp luật.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, ngành cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý để xây dựng hệ thống pháp luật minh bạch, thi hành pháp luật nghiêm minh, công bằng, thống nhất. Thực trạng đời sống pháp luật hiện nay đòi hỏi phải quan tâm đầy đủ, toàn diện đến các hoạt động xây dựng pháp luật, thi hành pháp luật, giám sát thi hành pháp luật. Mục đích của pháp luật là bảo đảm trật tự kỷ cương xã hội, hướng xã hội phát triển trong sự ổn định, bảo đảm hài hòa lợi ích của các thể chế. Điều đó thể hiện giá trị nhân văn, nhân đạo của pháp luật. Ngoài ra, cần chú trọng tăng cường củng cố, kiện toàn các cơ quan, đơn vị làm công tác xây dựng pháp luật theo hướng chuyên nghiệp, đồng thời phát huy dân chủ, huy động sự tham gia của nhân dân vào quá trình thảo luận, phản biện chính sách. Trên cơ sở những kinh nghiệm về sự tham gia phản biện của các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội,.. cần đúc kết để xây dựng thành cơ chế pháp lý phù hợp.


Thu Phương




Thủ tướng công bố Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11

Tối 8/11, tại Thủ đô Hà Nội, Bộ Tư pháp và Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương đã tổ chức Lễ Công bố Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam 9-11.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN