Thảo luận dự án Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình làm việc của phiên họp thứ 36, chiều 12/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi).


Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Ngọc phát biểu ý kiến. Ảnh: An Đăng – TTXVN


Tờ trình về dự án Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) đã nêu bật sự cần thiết ban hành Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi); khẳng định các quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 đã thể chế hóa một bước các quan điểm, định hướng của Đảng về cải cách tư pháp, cần tiếp tục được cụ thể hóa trong các luật tố tụng, trong đó có Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi).

Dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) có tổng số 447 điều, được bố cục thành 8 phần, 37 chương. So với Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành, dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) giữ nguyên 226 điều, sửa đổi 184 điều, bổ sung 37 điều, bãi bỏ 10 điều; trong đó bỏ phần về thủ tục thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án, bỏ chương về tương trợ tư pháp trong tố tụng dân sự và bổ sung chương về thủ tục rút gọn, thủ tục công nhận quyết định hòa giải ngoài Tòa án.

Nhiều ý kiến trong Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự thảo Bộ luật đã cụ thể hóa được nhiều quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, cơ bản bảo đảm sự thống nhất đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác. Các ý kiến cũng cho rằng, dự thảo Bộ luật cũng cần phải làm rõ các điều kiện bảo đảm tranh tụng, trình tự, thủ tục tranh tụng trong các giai đoạn xét xử.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá đây là Bộ luật được chuẩn bị khá công phu. Tuy nhiên, trong quá trình chuẩn bị, đề nghị Ban soạn thảo phải tổng kết, đánh giá sâu sắc hơn, đầy đủ hơn một số chế định ở trong Bộ Luật Tố tụng dân sự hiện hành để đưa ra được các căn cứ xác đáng khi sửa đổi bổ sung lần này.

Các ý kiến cho rằng việc sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự cần tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp, đặc biệt là các Nghị quyết số 48, 49, Kết luận số 79, 92 của Bộ Chính trị và Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI. Trong đó, xác định yêu cầu đổi mới tổ chức phiên tòa xét xử, xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng. Đẩy mạnh và coi việc nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa là khâu đột phá của hoạt động xét xử; tạo điều kiện cho các đương sự chủ động thu thập chứng cứ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Về nội dung bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự, một số ý kiến cho rằng cần phải cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 và quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014: “Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm”. Đồng thời, cần đổi mới việc tổ chức phiên tòa xét xử..., nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tố tụng dân sự. Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử bảo đảm cho các bên đương sự được tự do đưa ra các chứng cứ, lập luận, lý lẽ nhằm chứng minh cho các yêu cầu của họ hoặc để bào chữa. Nguyên tắc này đòi hỏi mỗi bên đương sự phải được biết về tài liệu, chứng cứ của bên kia và được tự do tranh luận tại phiên tòa. Tất cả quyết định của Tòa án đều phải chủ yếu dựa trên những chứng cứ đã được đưa ra tranh luận công khai tại phiên tòa.

Vì vậy, dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) cần thể hiện rõ các điều kiện bảo đảm tranh tụng, tranh tụng cụ thể về việc gì, trình tự, thủ tục tranh tụng... trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, phúc thẩm. Tuy nhiên, trong dự thảo vấn đề này chủ yếu mới được thể hiện tại Điều 25 và Điều 238. Đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát lại để thể hiện rõ hơn nguyên tắc này trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm của dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cần phải làm rõ hơn nguyên tắc tranh tụng không chỉ ở giai đoạn sơ thẩm mà kể cả các giai đoạn tố tụng khác như phúc thẩm, tái thẩm...

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý đánh giá, một trong những bổ sung rất quan trọng của Hiến pháp 2013 là trong hoạt động xét xử, nguyên tắc tranh tụng được bảo đảm nhưng dự thảo chưa thể hiện rõ. Dự thảo mới chỉ quy định rõ về tranh tụng ở giai đoạn xét xử sơ thẩm. Trong xét xử sơ thẩm thì dùng khái niệm “tranh tụng” nhưng ở giai đoạn phúc thẩm lại không dùng khái niệm "tranh tụng" mà chỉ quy định cung cấp thông tin, có tranh luận, có giải thích, có hỏi đáp. Vậy ở giai đoạn phúc thẩm có dùng khái niệm “tranh tụng” không? Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Ban soạn thảo cần làm rõ vấn đề này. Nếu không thể hiện rõ hoặc không dùng khái niệm “tranh tụng” thì có phù hợp với Hiến pháp không…

Tại phiên thảo luận chiều 12/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về nhiều nội dung khác như thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự; công nhận kết quả hòa giải ngoài Tòa án; thẩm quyền của Tòa án trong thi hành án dân sự…


Quỳnh Hoa (TTXVN)

Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật tố tụng hành chính
Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật tố tụng hành chính

Dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật tố tụng hành chính (sửa đổi).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN