Theo dõi phiên làm việc sáng 1/11, ông Đinh Ngọc Thái, Bí thư, Tổ trưởng tổ 9, đại biểu HĐND phường Quang Trung, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum nhận định, kinh tế vĩ mô của nước ta được duy trì và ổn định; lạm phát được kiểm soát. Bằng chứng là tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn nằm trong nhóm cao của khu vực và thế giới. Tuy nhiên, ông Thái cho rằng, kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Do vậy, Chính phủ cần có các giải pháp đồng bộ, quyết liệt, kịp thời, hiệu quả để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng trong những tháng cuối năm và thời gian tới, nhất là trong năm 2024.
Thông qua ý kiến của các đại biểu và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, ông Thái nhấn mạnh cần tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp nhằm thúc đẩy mạnh mẽ thị trường trong nước và mở rộng xuất khẩu; cần xem xét chính sách tiền tệ để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp; thực hiện tốt công tác truyền thông về chính sách tài khóa; xây dựng được chính sách ưu đãi đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp và các nhà đầu tư nước ngoài, mang tính minh bạch, rõ ràng để vực dậy lĩnh vực đất đai, bất động sản.
Ông Thái tâm đắc với ý kiến của các đại biểu Quốc hội đi thẳng vào vấn đề, công bằng và mang tính xây dựng cao. Ý kiến của đại biểu Chamaléa Thị Thủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận cho rằng muốn phát triển kinh tế - xã hội bền vững phải phát huy sức mạnh nguồn lực con người, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp được ông Thái đặc biệt chú ý.
Thực tế cho thấy, không chỉ tại tỉnh Kon Tum, mà nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước, nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế mũi nhọn. Riêng tại Kon Tum, với hơn 230.000 ha cây trồng các loại, trên 271.000 con gia súc, hàng nghìn ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, ngành Nông nghiệp đang đóng góp tỷ trọng lớn cho kinh tế tỉnh, chiếm trên 20% GRDP hàng năm.
“Nâng cao chất lượng là phải xây dựng được chuỗi giá trị, liên kết được bốn nhà, liên kết theo tỉnh, theo khu vực trong nước, ngoài nước. Hiện nay, khi các thị trường tiêu thụ “khó tính” hơn, việc nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp là điều cần thiết. Kon Tum đang đẩy mạnh nâng cao chất lượng nông sản, xây dựng thương hiệu và cấp mã số cho 20 vùng trồng và hai cơ sở đóng gói. Đây sẽ là những điều kiện để nền nông nghiệp của Kon Tum phát triển”, ông Đinh Ngọc Thái nhấn mạnh.
Ông Văn Tất Thắng, Trưởng Phòng Quản lý thu - sổ, thẻ, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Kon Tum đánh giá cao ý kiến của các đại biểu. Đặc biệt đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đăk Lăk nêu lên vấn đề nan giải hiện nay là tình trạng nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của các đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động.
“Nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum có dấu hiệu gia tăng khi số doanh nghiệp nợ dài từ 6 tháng trở lên là 205 đơn vị với số tiền chậm đóng trên 34 tỷ đồng. Bảo hiểm Xã hội tỉnh đã xử lý theo quy định đối với các đơn vị nợ đọng bảo hiểm nhưng các đơn vị vẫn không chấp hành. Vì vậy, cần thiết có các biện pháp ngăn chặn, xử lý đối với các doanh nghiệp, người sử dụng lao động có hành vi vi phạm để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động; tạo niềm tin về chính sách bảo hiểm cho người lao động”, ông Văn Tất Thắng phân tích.
Ông Huỳnh Văn Bến, ở phường An Phú, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam đánh giá, qua thảo luận công khai, khoa học và hơn hết là vì quyền lợi của nhân dân, các đại biểu Quốc hội, đã khiến cư tri hiểu rõ hơn các thành quả phát triển vượt bậc của kinh tế - xã hội và nguyên nhân của các hạn chế.
Cử tri Nguyễn Tấn Lê, phường Phước Hòa, thành phố Tam Kỳ cho rằng, nâng lương cho đội ngũ giáo viên là cần thiết, bởi khi ổn định được đời sống, giáo viên sẽ yên tâm cống hiến. Bên cạnh đó, Chính phủ và các cấp chính quyền cần quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc cũng như trình độ của đội ngũ y, bác sỹ để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Các địa phương cần chấn chỉnh, quy định chặt chẽ về phòng cháy, chữa cháy tại các khu chung cư, tại những nơi tập trung đông dân cư để bảo vệ tính mạng và tài sản cho nhân dân, tránh xảy ra cháy như vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Ông Lê Văn Bằng, xã Tiên Châu, huyện Tiên Phước đánh giá cao công tác điều hành của Chính phủ. Ông mong muốn Chính phủ cũng như các bộ, ngành, địa phương quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lực lượng lao động trẻ.