Thành phố Thủ Đức có 8 trung tâm đổi mới sáng tạo

Thành phố Thủ Đức khi hình thành sẽ có 8 trung tâm đổi mới sáng tạo, mục tiêu sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh khác biệt, giúp TP Hồ Chí Minh phát triển mạnh mẽ, xứng đáng là đầu tàu kinh tế của cả nước.  

Ngày 16/10, Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 tiếp tục diễn ra với phiên báo cáo tham luận của đại biểu dự đại hội.

Trình bày tham luận về phát triển thành phố Thủ Đức - Khu đô thị sáng tạo tương tác phía Đông TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2035, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP, cho biết, khu vực phía Đông gồm quận 2, quận 9 và Thủ Đức với tổng diện tích tự nhiên khoảng 21.000 ha (khoảng 10% diện tích) và quy mô dân số 1.013.795 người (chiếm 12% tổng dân số thành phố).

Chú thích ảnh
Ngày 16/10, Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ XI bước vào ngày làm việc thứ hai với phiên nghe báo cáo các tham luận của đại biểu. Ảnh: BTC Đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh cung cấp

Hiện nay, khu vực này đang sở hữu nhiều thế mạnh nổi trội của thành phố như: vị trí địa lý trung tâm miền Đông Nam Bộ với hệ thống giao thông được đầu tư phát triển đồng bộ, thuận lợi để kết nối, hợp tác phát triển kinh tế với các tỉnh lân cận như tuyến metro số 1 từ Suối Tiên (quận 9) đến Bến Thành (quận 1) sẽ đi vào hoạt động từ năm 2021; tuyến đường Vành đai 3 (Mỹ Phước - Tân Vạn - Nhơn Trạch); tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Quốc lộ 1A, Quốc lộ 1K, Xa lộ Hà Nội và các tuyến giao thông đường thủy trên sông Sài Gòn - sông Đồng Nai... Đồng thời, khu vực đặc biệt thuận lợi để phát triển ngành hậu cần logistics, phân phối vận chuyển hàng hóa bằng cách kết nối luồng vận chuyển đa phương thức bao gồm hàng hải (cụm cảng Cái Lái - Phú Hữu), đường sắt, đường bộ (cảng ICD Long Bình, bến xe miền Đông mới) và đường thủy nội địa.

Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc cũng cho biết, tại thành phố Thủ Đức sẽ có 8 trung tâm đổi mới sáng tạo: Một là, khu đô thị mới Thủ Thiêm - Trung tâm công nghệ tài chính:. Nơi đây sẽ tiếp tục phát triển các công trình trên Khu đô thị mới Thủ Thiêm và thu hút các hoạt động công nghệ tài chính. Đồng thời, là vị trí lý tưởng cho các hoạt động đổi mới sáng tạo ven mặt nước trong cự ly gần tới trung tâm hiện hữu thành phố.

Hai là, khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc - Trung tâm thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc. Đây là một trong các lợi thế cạnh tranh giúp TP Hồ Chí Minh trở nên khác biệt với các đô thị trong vùng. Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc tiềm năng trở thành một cộng đồng toàn diện, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ba là. khu công nghệ cao - Trung tâm sản xuất tự động hóa và Khu công viên khoa học. Khu công nghệ cao sẽ nâng cấp với các hoạt động nghiên cứu phát triển, tự động hóa sản xuất, thiết kế đổi mới sáng tạo để tạo ra sản phẩm mang tính đột phá.

Bốn là, khu Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh - Trung tâm công nghệ thông tin và công nghệ giáo dục. Đây là nơi tạo ra khu vực Đại học Quốc gia, đô thị đại học với hoạt động giao lưu trao đổi ý tưởng nhằm thu hẹp khoảng cách giữa nghiên cứu và sản xuất, đồng thời hỗ trợ đào tạo kỹ thuật và phương pháp mới.

Năm là, khu Tam Đa, Long Phước - Trung tâm công nghệ sinh thái. Là khu vực sinh thái nhạy cảm nhất, Khu Tam Đa cung cấp một cơ hội cho sự sáng tạo trong thiết kế và vận hành, vừa kết nối với các hạ tầng giao thông quan trọng, bao gồm cả tuyến đường cao tốc và đường sắt nối với sân bay quốc tế mới.

Sáu là, khu Trường Thọ - Đô thị tương lai. Là một địa điểm lý tưởng để tái phát triển khu vực cảng theo mô hình thành phố thông minh, một "phòng thí nghiệm đô thị", tận dụng vị trí nằm gần khu Thảo Điền (quận 2) và các lõi đô thị khác, thuận lợi cho việc  thu hút nhân tài, người thu nhập cao. Những ý tưởng độc đáo và có tính cách mạng nhất về công nghệ sẽ diễn ra tại Khu đô thị Trường Thọ.

Bảy là, trung tâm kết nối giao thông Vùng Đông Nam Bộ, Khu cảng quốc tế Cát Lái. Tiếp tục phát huy thế mạnh của Cảng Cát Lái, chuyển đổi công nghệ Cảng để hoạt động hiệu quả hơn.

Tám là, trung tâm khởi nghiệp lớn nhất Việt Nam: Trên tất cả các khu vực được phép xây dựng công trình tại 3 quận phía Đông, thực hiện quản lý linh hoạt cho phép tạo ra môi trường khởi nghiệp, kinh doanh và kinh tế sáng tạo với chi phí hạ tầng rẻ nhất để khuyến khích các hoạt động kinh tế khởi nghiệp.

Ông Nguyễn Thanh Nhã cho biết, việc hình thành Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TP Hồ Chí Minh với cơ sở hạ tầng thuận lợi, nhiều ưu thế được kỳ vọng thực hiện các đổi mới sáng tạo trong chiến lược phát triển của thành phố. Tuy nhiên, hiện nay khu vực phía Đông Thành phố cũng còn tồn tại nhiều bất cập như: Quy hoạch không đồng bộ, việc lập quy hoạch không gắn với điều kiện thực hiện quy hoạch dẫn đến khó khả thi; giao thông không an toàn do trộn lẫn vận tải nặng và hành khách; tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra, đặc biệt trong giờ cao điểm tại các khu vực đầu mối giao thông...

"Vì vậy, sắp tới TP Hồ Chí Minh cần có những quy hoạch, đầu tư và hợp tác tổng thể đến chi tiết để xây dựng một khu đô thị sáng tạo không chỉ dừng lại ở phát triển kinh tế, tài chính mà còn mang đến cơ hội quy hoạch phát triển đô thị dài hạn bền vững, thích ứng cao, thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội toàn diện của thành phố. Đặc biệt, Thành phố Thủ Đức khi hình hành sẽ nâng cao đời sống và thu nhập cho những người dân sinh sống lâu đời tại các quận 2, 9, và Thủ Đức", ông Nguyễn Thanh Nhã cho biết thêm.

Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
TP Hồ Chí Minh định hướng quy hoạch Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông
TP Hồ Chí Minh định hướng quy hoạch Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo “Định hướng quy hoạch Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông” do UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 23/11, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, phát triển đô thị là phải thuận tự nhiên, giữ tự nhiên và phát triển cùng tự nhiên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN