Đường dẫn vào hầm Thủ Thiêm (nhìn từ phía Quận 2). Ảnh: Quang Nhựt/TTXVN |
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết ý tưởng xây dựng đô thị sáng tạo được Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân khởi xướng từ cuối năm 2017 dựa trên đặc thù và nguồn lực sẵn có của thành phố là Khu đô thị mới Thủ Thiêm giữ vai trò trung tâm tài chính, kinh tế tầm cỡ quốc tế, Khu công nghệ cao và Đại học Quốc gia với nguồn lực dồi dào về đất đai, nhân lực.
Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, việc xây dựng đô thị sáng tạo liên kết quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức không chỉ là mối quan hệ hành chính mà còn mang tính đặc thù của thành phố trong việc xây dựng ý tưởng sáng tạo gắn với phát triển thị trường. Nhất là trong bối cảnh thành phố được Quốc hội cho phép thực hiện cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 54. Thành phố đã hoạch định nhiều mục tiêu; trong đó, mong muốn có được lực lượng chuyên gia đến hiến kế, xây dựng đề án, tư vấn cho thành phố phát triển theo hướng giá trị cao, hàm lượng cao.
Ngoài ra, việc phát triển đô thị thông minh, thành phố khoa học sáng tạo sẽ giúp thành phố không ngừng đổi mới sáng tạo, gắn với khởi nghiệp, điều mà hiện nay thành phố vẫn còn thiếu các trung tâm, cơ sở giúp doanh nghiệp xây dựng ý tưởng sáng tạo, biến nó thành hành động khởi nghiệp.
“Thành phố cam kết sẽ thực hiện đúng vai trò kiến tạo, cầu thị lắng nghe và chuyển ý tưởng, các hiến kế thành hành động cụ thể bằng nguồn lực tổng thể cả về nhân lực và tài lực, tạo điều kiện để các chuyên gia và doanh nghiệp phát triển, trong đó có doanh nghiệp vừa và nhỏ giữ vai trò xương sống của nền kinh tế thành phố”, ông Trần Vĩnh Tuyến nói.
Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, hội thảo được tổ chức nhằm chia sẻ kinh nghiệm các đô thị trên thế giới về xây dựng “đô thị sáng tạo”; nghiên cứu quy hoạch đô thị, kinh tế, xã hội khu Đông, tập trung vào đô thị Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Cùng với đó, nghiên cứu lộ trình, cơ chế, phương thức huy động các nguồn lực hình thành ý tưởng và triển khai mô hình đô thị sáng tạo đồng thời đề xuất các sáng kiến cụ thể áp dụng cho khu đô thị sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh và khu đô thị Đại học Quốc gia thành phố.
Tại hội thảo, ông Peter Girke, Trưởng đại diện Viện KAS cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ là đô thị ngang tầm quốc tế và là điểm sáng chương trình đổi mới, tăng trưởng kinh tế của cả nước. Để phát triển đô thị sáng tạo cần tính toán các giải pháp giải quyết thách thức trước mắt của thành phố, trong đó có kết nối giao thông.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản thành phố cho rằng, khu Đông đang có sức hấp dẫn do tốc độ phát triển hạ tầng và quy hoạch, trong đó nổi bật là quận 9. Muốn xây dựng thành công, bền vững khu đô thị sáng tạo tại khu Đông cần xác định giao thông là “mạch máu” đồng thời quản lý chặt chẽ công tác quy hoạch, tránh tình trạng thổi đất, phân lô bán nền tràn lan như cuối năm 2017 tại quận 9, quận Thủ Đức.
Đồng quan điểm, Giáo sư Phan Văn Trường (chuyên gia về kinh tế đô thị, quy hoạch và đàm phán quốc tế) cho rằng, thành phố phải tổ chức “mạch máu giao thông” làm quyết định, trong đó ưu tiên cho việc đi bộ, xe buýt miễn phí, không cho ôtô, xe máy vào khu đô thị sáng tạo.
“Việc chọn khu Đông đang phát triển mạnh mẽ sẽ là lựa chọn tiềm năng. Tuy nhiên, bên cạnh việc “chăm chút” hình thành khu đô thị sáng tạo mới thì thành phố cũng phải có giải pháp đối với các khu đô thị hiện hữu trở thành những nơi đáng sống, làm việc hiệu quả", Giáo sư Phan Văn Trường nêu quan điểm.