Vấn đề đặt ra là cần có sự đầu tư thỏa đáng để thanh niên có thể khai thác hết tiềm năng của mình. Cấp ủy, chính quyền các cấp cần tin tưởng giao việc cho thanh niên, quan tâm đầu tư cho phát triển thanh niên.
Nhìn lại 10 năm thực hiện Luật Thanh niên, không ít chuyên gia, nhà quản lý cho rằng công tác quản lý nhà nước về thanh niên hiện nay ở địa phương đang rất mờ nhạt. Điều này cũng được Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên (Bộ Nội vụ) Vũ Đăng Minh thừa nhận khi trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam.
Các đại biểu tham dự Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI. Ảnh: TTXVN |
Thưa ông, Việt Nam đang ở trong giai đoạn dân số vàng với 30% dân số là thanh niên trong độ tuổi từ 10 đến 29. Ông có thể cho biết những nỗ lực của Chính phủ để thúc đẩy sự tham gia có ý nghĩa của thanh niên, góp phần vào sự phát triển của đất nước? Chúng tôi ý thức rằng thanh niên và các bạn vị thành niên chiếm một tỷ lệ rất lớn trong cơ cấu dân số ở Việt Nam, mà chúng ta đang ở giai đoạn dân số vàng, có nghĩa là người trong độ tuổi lao động nhiều hơn độ tuổi phụ thuộc. Đây là một cơ hội rất tốt để cho Việt Nam phát triển kinh tế, xã hội.
Chính vì vậy, trong những năm qua, từ khi được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên, Bộ Nội vụ đã chủ động tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như Bộ Chính trị, Ban Bí thư đưa ra nhiều quyết sách để chăm lo, giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng cũng như phát huy thanh niên, coi đây là một nguồn nhân lực trẻ có chất lượng cao. Chúng tôi coi vấn đề đào tạo, bồi dưỡng thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển kinh tế, xã hội.
Hiện nay việc lồng ghép vấn đề thanh niên vào trong các chương trình, kế hoạch của các bộ, ngành vẫn còn hạn chế. Với chức năng quản lý nhà nước về thanh niên, ông có thể cho biết những giải pháp điều phối để các bộ, ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả các vấn đề về phát triển thanh niên? Trong thời gian đầu, khi triển khai Luật Thanh niên năm 2005, chúng ta cũng có lúng túng nhất định. Luật không quy định rõ là cơ quan nào giúp Chính phủ làm đầu mối quản lý nhà nước về thanh niên và chỉ phân công các bộ, ngành thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo phân công của Chính phủ. Chính vì vậy, trong Nghị định 120/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thanh niên cũng không cụ thể hóa được giao cho Bộ nào giúp Chính phủ đôn đốc, triển khai thực hiện Luật Thanh niên.
Từ khi Bộ Chính trị có Kết luận số 327 ngày 16/4/2010, Bộ Nội vụ được Bộ Chính trị giao giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về thanh niên; các bộ, ngành phân công cơ quan kiêm nhiệm thực hiện việc này. Ở địa phương đã hình thành bộ máy thống nhất từ trung ương đến địa phương. Chúng ta đã giao rõ là ở tỉnh thì Sở Nội vụ là cơ quan tham mưu, giúp việc cho UBND tỉnh về chính sách thanh niên. Ở huyện là Phòng Nội vụ, cấp xã là công chức Nội vụ.
Hệ thống tổ chức bộ máy được hình thành và suốt từ năm 2011 đến nay, chúng tôi thường xuyên tổ chức các khóa tập huấn bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý nhà nước về thanh niên cho đội ngũ cán bộ công tác này. Đến giờ, cơ bản đội ngũ đó đã được hình thành và công tác quản lý nhà nước bắt đầu đi vào nề nếp, phát huy tác dụng.
Song song với đó, chúng tôi đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, Nghị định số 78 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 120/2007/NĐ-CP ngày 23/7/2007 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh niên trong đó quy định rất rõ trách nhiệm của các bộ, ngành Trung ương, của các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là trách nhiệm của 14 bộ chuyên ngành trực tiếp liên quan đến vấn đề thanh niên.
HĐND cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành kế hoạch phát triển thanh niên của từng năm và phê duyệt kế hoạch đó; phải bố trí ngân sách để thực hiện nhiệm vụ; đồng thời phải giám sát các cơ quan của chính quyền địa phương có thực hiện những mục tiêu, chỉ tiêu và quyết sách mình đưa ra hay không.
Nghị định phân công rất cụ thể 8 nhiệm vụ cho UBND tỉnh. Bộ Nội vụ có nhiệm vụ gì thì UBND tỉnh cũng có nhiệm vụ tương tự như vậy và cơ quan tham mưu đôn đốc việc này đầu mối là Sở Nội vụ. Nhiệm vụ của cấp huyện, xã cũng được quy định rõ trong Nghị định.
Nghị định cũng quy định trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc phải đối thoại để lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của thanh niên, để có những chính sách trúng và đúng, phù hợp với nhu cầu phát triển của thanh niên trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế. Trong bối cảnh hiện nay, làm chính sách không phải là ngồi trong phòng nghĩ ra cái gì cho thanh niên, mà chúng ta phải tham vấn, lắng nghe ý kiến của thanh niên để trên cơ sở đó đề xuất chính sách.
Đấy là vấn đề trước mắt. Để giải quyết căn cơ vấn đề này, chúng tôi đang trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép sửa đổi Luật Thanh niên 2005, quy định rõ 11 nhóm chính sách cho thanh niên. Tinh thần xây dựng Luật Thanh niên là tạo ra các “xa lộ” về mặt chính sách cho thanh niên, tức là phải có những chính sách cho từng nhóm đối tượng thanh niên. Trong cùng một “xa lộ” như vậy, có nhiều tầng khác nhau, làn đường khác nhau để mọi thanh niên đều có thể đi trên từng phần đường của mình, không ai cản đường ai và tất cả đều được phát triển, kể cả thanh niên có tài năng, thanh niên di cư, cũng như là thanh niên yếu thế.
Bộ Nội vụ là cơ quan đầu mối giúp cho Chính phủ quản lý nhà nước về thanh niên thì phải làm tốt việc tham mưu cho cấp có thẩm quyền xây dựng, ban hành chính sách pháp luật về thanh niên; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc một cách quyết liệt để các bộ, ngành, địa phương cùng triển khai thực hiện chính sách để bảo đảm thanh niên được là người thụ hưởng các chính sách của nhà nước.
Vậy những khuyến nghị của Quỹ Dân số Liên hợp quốc về các vấn đề liên quan đến thanh niên được tiếp thu như thế nào trong sửa đổi Luật Thanh niên?
Tôi rất trân trọng những khuyến nghị của Liên hợp quốc cũng như các tổ chức, đặc biệt là Quỹ Dân số Liên hợp quốc. Quỹ Dân số Liên hợp quốc quan tâm đến vấn đề phát triển và đặt thanh niên vào trong bối cảnh là chúng ta đặt mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Chúng ta coi thanh niên là một nguồn nhân lực quan trọng thì phải coi vấn đề số một là phát triển con người, trong đó thanh niên là một cực rất được quan tâm.
Đây là nguồn nhân lực trẻ và muốn đất nước phát triển được thì phải huy động và phát huy được nguồn nhân lực này. Chính vì vậy những khuyến nghị của Quỹ Dân số Liên hợp quốc chúng tôi rất trân trọng và được truyền tải vào trong từng chính sách cụ thể. Ví dụ như tới đây sửa Luật Thanh niên, chúng tôi đã có một chương riêng quy định về chính sách đối với thanh niên đặc thù.
Ông nghĩ thế nào về khuyến nghị của Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam là tăng quyền cho thanh niên để phát triển thanh niên?
Chúng tôi đi rất nhiều hội nghị của quốc tế về chính sách phát triển thanh niên cũng như tại Diễn đàn thanh niên sinh viên thế giới lần thứ 19 tại Sochi (Liên bang Nga) tháng 10 vừa qua thì thấy Tổng thống Putin cũng ghi nhận, đánh giá rất cao vị trí, vai trò của thanh niên. Tổng thống Putin có nói các bạn có thể là những người làm thay đổi thế giới. Các bạn có thể làm được tất cả những điều đang diễn ra trên thế giới.