Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Phước đánh giá, năm 2020 là năm đại dịch COVID-19 đã tác động, ảnh hưởng lớn đến mọi mặt đời sống xã hội, sản xuất kinh doanh bị đình trệ, nhiều doanh nghiệp giải thể, tạm ngưng hoạt động, bỏ địa chỉ kinh doanh. Trong tình hình khó khăn chung, tỉnh Bình Phước đã nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép” vừa quyết liệt phòng chống dịch bệnh, vừa duy trì và phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, khai thông các nguồn lực để thúc đẩy phát triển mạnh hơn, do đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bình Phước đạt cao hơn mức trung bình chung của cả nước.
Theo đó, với 24 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2020, Bình Phước có 20 chỉ tiêu đạt và vượt mức kế hoạch đề ra, trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,51%, thuộc nhóm cao của cả nước; sản xuất công nghiệp tăng 12,5%, kim ngạch xuất khẩu tăng 7,33% so với năm 2019. Đặc biệt, cải cách hành chính của Bình Phước đứng thứ 3 và đấu thầu qua mạng đứng thứ 2 so với cả nước; công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã thành công bước đầu, toàn tỉnh không có ca mắc COVID-19…
Ông Trần Văn Mi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết, đối với công tác phòng chống dịch COVID-19, tỉnh đã chủ động trong công tác chỉ đạo, điều hành, chuẩn bị tốt các khu cách ly; quản lý, kiểm soát chặt công tác phòng chống dịch bệnh trên tuyến biên giới, nhất là các cửa khẩu, đường mòn, lối mở; các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định đối với phòng chống dịch COVID-19.
“Thành công bước đầu trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn Bình Phước đã tạo được niềm tin trong nhân dân và tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”, ông Trần Văn Mi cho biết.
Bà Huỳnh Thị Hằng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Phước đánh giá, năm 2021, tình hình dịch bệnh còn diễn biến khó lường và phức tạp, phát triển kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị cùng nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong toàn tỉnh, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội cơ bản sẽ thực hiện đạt và vượt.
Trong đó, đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý cao hơn mức trung bình chung của cả nước; phát triển công nghiệp hóa gắn với đô thị hóa là động lực phát triển kinh tế xã hội bền vững; xây dựng chính quyền kiến tạo, đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp.
Cụ thể, tỉnh Bình Phước đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021 đạt 8,5 - 9% so với năm 2019; thu ngân sách 11.170 tỷ đồng, tăng 4%; xuất khẩu 3,1 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người 72,6 triệu đồng, tăng 7,9%...
Bà Huỳnh Thị Hằng cho biết, để đạt các mục tiêu trên, năm 2021, Bình Phước tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh triển khai các dự án hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Tại kỳ họp thứ 14, Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Phước khóa IX đã thông qua 12 nghị quyết quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 trên địa bàn.