Đánh giá tác động các cam kết liên quan đến lĩnh vực y tế trong CPTPP, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, Hiệp định CPTPP về cơ bản giữ nguyên nội dung của Hiệp định TPP nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn 20 nhóm nghĩa vụ liên quan đến một số nội dung như sở hữu trí tuệ, mua sắm chính phủ, thương mại dịch vụ, minh bạch hóa chính sách... để đảm bảo sự cân bằng về quyền lợi và nghĩa vụ của các nước thành viên trong bối cảnh Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định TPP.
Theo ông Phạm Lê Tuấn, với việc tạm hoãn thi hành các nghĩa vụ này, đặc biệt là việc hoãn thi hành 5 nghĩa vụ quan trọng về bảo hộ sở hữu trí tuệ ở mức cao (TRISP+) liên quan đến dược phẩm (bao gồm: Bảo hộ độc quyền dữ liệu đối với thuốc; bảo hộ độc quyền dữ liệu đối với sinh phẩm; bảo hộ sáng chế dạng sử dụng; kéo dài thời gian bảo hộ sáng chế do chậm trễ của cơ quan cấp bằng sáng chế; kéo dài thời hạn bảo hộ sáng chế dược do chậm trễ trong cấp phép lưu hành thuốc), các tác động bất lợi đối với quyền tiếp cận thuốc giá rẻ của nhân dân và các nghĩa vụ về sửa đổi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành trong lĩnh vực dược và mỹ phẩm để thi hành Hiệp định CPTPP đã được giảm nhẹ đáng kể so với Hiệp định TPP.
Các cam kết về mở cửa một phần thị trường mua sắm chính phủ đối với dược phẩm (theo lộ trình) và cam kết về hàng rào kỹ thuật trong thương mại đối với dược, mỹ phẩm của Hiệp định CPTPP vẫn được giữ nguyên như trong Hiệp định TPP.
Do đó, Bộ Y tế cần sửa đổi, ban hành mới một số văn bản trong lĩnh vực dược và mỹ phẩm để thi hành. Tuy nhiên các yêu cầu sửa đổi này không trái với Luật Dược 2016 và chủ trương, chính sách phát triển ngành dược đã được khẳng định tại Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Theo đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, để phục vụ quá trình phê chuẩn và triển khai Hiệp định CPTPP, đồng thời phục vụ việc chuẩn bị ký kết và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Bộ đã phê duyệt kế hoạch hành động của Tổ công tác và Nhóm kỹ thuật về các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và các đơn vị có liên quan của Bộ trong năm 2018-2020.
Nhiệm vụ của tổ FTA và các đơn vị liên quan là diễn giải, cung cấp thông tin về cam kết lao động của Việt Nam trong CPTPP tới các cơ quan, tổ chức có liên quan, tới cộng đồng doanh nghiệp và người dân; rà soát, đối chiếu cam kết lao động trong hai Hiệp định với pháp luật Việt Nam để phục vụ việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động; tiến hành nghiên cứu và nếu thấy đủ điều kiện trình các cấp có thẩm quyền phê chuẩn các công ước Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), đặc biệt là các công ước cơ bản được nêu trong hai Hiệp định (Công ước 89, 98 và 105 của ILO); tiến hành các công việc chuẩn bị cho việc điều chỉnh, bổ sung kiện toàn cơ quan nhà nước về quan hệ lao động và hình thành các thiết chế, cơ chế cần thiết để thực hiện hai Hiệp định theo cam kết chung; đồng thời đánh giá tác động về kinh tế- xã hội, nhất là tới lao động, việc làm, quan hệ lao động của việc thực hiện hai Hiệp định nói chung và cam kết lao động nói riêng.
Liên quan đến lĩnh vực lao động và công đoàn, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho biết: Chương Lao động của Hiệp định CPTPP là một trong những chương có các cam kết khác so với quy định của pháp luật lao động Việt Nam, trong đó quan trọng nhất là yêu cầu cho phép thành lập tổ chức của người lao động không thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Vì vậy, để thực hiện các cam kết này, kết quả rà soát pháp luật cho thấy cần sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan của Bộ luật Lao động.
Tại phiên họp, Phó Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng thông tin, nhiều cử tri nêu ý kiến nếu không mở được thị trường dược phẩm sẽ dẫn đến độc quyền, tạo thị trường giá cao, ảnh hưởng đến chất lượng và hạn chế quyền thương mại của dược phẩm, do đó ngành y tế cần có những giải pháp để làm rõ vấn đề này.
Ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, trong việc thực hiện các Công ước về lao động và công đoàn, đặc biệt Công ước số 87 (Công ước về Quyền tự do hiệp hội và về việc bảo vệ quyền được tổ chức, 1948) Việt Nam sẽ phải đối mặt với việc nảy sinh ra nhiều tổ chức của người lao động, vấn đề cung cấp tài chính của người sử dụng lao động. Do đó các bộ, ngành cần giải quyết triệt để, thấu đáo vấn đề này.
Kết luận nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, trên cơ sở tờ trình của Chủ tịch nước, dự kiến, trong chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội sẽ bổ sung nội dung của Hiệp định CPTPP để đề nghị xem xét trước khi trình Quốc hội phê chuẩn.
Theo bà Nguyễn Thúy Anh, các thành viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, các bộ, ngành cần tiếp tục quan tâm, trao đổi, thảo luận để làm rõ việc thực hiện các cam kết của Hiệp định CPTPP về lĩnh vực công đoàn.