Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh (phải) cùng đại diện 10 nước tham gia lễ ký Hiệp định CPTPP chụp ảnh chung tại hội nghị ở Santiago ngày 8/3. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tham gia lễ ký có đại diện 11 quốc gia gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh đã tham gia lễ ký.
Tổng thống Chile Michelle Bachelet tuyên bố, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình dương (CPTPP) được ký kết là một cam kết về sự hội nhập và là một tín hiệu rõ ràng chống lại chủ nghĩa bảo hộ.
Phát biểu tại lễ ký kết, bà Bachelet bày tỏ vui mừng về sự ra đời của CPTPP sau những nỗ lực không biết mệt mỏi của tất cả các nước tham gia, đồng thời cho rằng hiệp định này cũng là một thông điệp gửi tới tất cả các nước muốn giới hạn thương mại và làm giảm đi những cơ hội phát triển của các nước khác.
Thỏa thuận tự do thương mại đầy tham vọng CPTPP được khởi động cách đây một năm sau khi Mỹ rút lui khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Về cơ bản, CPTPP vẫn giữ nguyên nội dung so với phiên bản gốc với 8.000 trang và chỉ tạm hoãn thực thi 22 điều khoản chủ yếu liên quan tới sở hữu trí tuệ nhằm bảo đảm sự cân bằng giữa 11 nước thành viên.
Việc CPTPP chính thức được ký kết sẽ tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, giảm đói nghèo và nâng cao chất lượng sống của người dân các quốc gia thành viên. CPTPP, với cam kết mở cửa thị trường, là thông điệp mạnh mẽ chống lại xu hướng bảo hộ hiện nay trên thế giới cũng như hứa hẹn sẽ đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho 11 quốc gia. Hiệp định này sẽ tạo ra một trong những khối tự do thương mại lớn nhất thế giới với một thị trường khoảng 499 triệu dân và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào khoảng 10,1 nghìn tỷ USD, chiếm 13,5% GDP thế giới.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh (phải) và Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi tại lễ ký Hiệp định CPTPP ở Santiago sáng 9/3. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong quá trình đàm phán CPTPP, Việt Nam đã có những đóng góp vô cùng quan trọng, đặc biệt là tại Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2017 được tổ chức ở Đà Nẵng hồi tháng 11 vừa qua, cũng như tại các cuộc họp để đi tới hoàn tất việc ký kết. Những nỗ lực và đóng góp này chứng tỏ vai trò của Việt Nam trong việc thúc đẩy thương mại tự do và hội nhập kinh tế, thương mại ở cả châu Á, châu Mỹ và châu Đại Dương.