Sáng 22/3, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phối hợp với Tổ chức lao động quốc tế ILO tổ chức Hội thảo lấy ý kiến Dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động.
Đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã giới thiệu những nội dung cơ bản của Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động. Nghị định gồm 7 chương, 198 điều, quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động.
Lĩnh vực lao động quy định tại Nghị định này bao gồm: Lao động, Bảo hiểm xã hội (BHXH), đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và công đoàn.
Nhiều ý kiến tham gia góp ý về: vi phạm các quy định về việc làm; vi phạm các quy định về hợp đồng lao động; hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực công đoàn...
Các ý kiến góp ý đề nghị Dự thảo Nghị định cần bổ sung việc xử lý vi phạm của các tổ chức công đoàn hoặc người được bầu làm đại diện tổ chức công đoàn, đại diện người lao động về việc không thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của mình trong việc thực thi pháp luật lao động.
Nhiều ý kiến cho rằng, Dự thảo Nghị định đã quy định Chương IV với 15 điều xử phạt hành vi vi phạm pháp luật về Công đoàn. Tuy nhiên, các hành vi vi phạm và mức phạt vẫn chưa thuyết phục. Cụ thể, quy định mức phạt hành vi vi phạm pháp luật lao động là 75.000 đồng là quá thấp. Do vậy, Dự thảo Nghị định cần nâng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động.
Dự thảo Nghị định cần bổ sung hành vi người sử dụng lao động can thiệp vào công tác thu chi tài chính của Công đoàn cơ sở vì hiện nay các doanh nghiệp trích kinh phí công đoàn nhưng lại quản lý và giám sát hoạt động tài chính của công đoàn cơ sở. Hành vi người sử dụng lao động không cung cấp thông tin về kết quả sản xuất kinh doanh, tình hình sử dụng lao động, giao kết hợp đồng lao động, mức đóng và số người đóng BHXH…
K.T