Nhờ sự chăm sóc tận tụy của các y bác sỹ, nhân viên trung tâm, đại đa số thương, bệnh binh đã ổn định vết thương, phục hồi một phần sức khỏe và coi trung tâm như mái nhà chung thứ hai của mình.
Ấn tượng đầu tiên khi đến thăm Trung tâm Điều dưỡng Người có công Thanh Hóa là một không gian sống xanh, thoáng đãng, mát mẻ. Với trách nhiệm, tình cảm của mình, các y bác sỹ và cán bộ công tác tại trung tâm đã nỗ lực không ngừng để tạo một môi trường sống thân thiện “như ở nhà” cho các thương bệnh binh đang sống, điều trị tại đây. Sau giờ thăm khám, uống thuốc, phục hồi chức năng… dưới những tán cây rợp bóng mát, các thương, bệnh binh quây quần bên nhau trò chuyện vui vẻ về cuộc sống, sức khỏe… tất cả tạo nên không khí ấm cúng, chân tình trong mái nhà chung.
Đã 34 năm gắn bó, bà Trần Thị Súy, quê xã Nga Trường, Nga Sơn, Thanh Hóa là bệnh binh mất sức 81% luôn coi Trung tâm Điều dưỡng Người có công Thanh Hóa như ngôi nhà thân yêu của mình. Tháng 7/1968, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, bà lên đường nhập ngũ và được phân công về Đoàn 296, Cục Hậu cần, Tổng cục Hậu cần. Vào đơn vị, bà được phân công chịu trách nhiệm nhiên liệu cho máy bay, xe tăng, tàu thủy… Công việc thường xuyên phải tiếp xúc với hóa chất, nên bà Súy bị nhiễm độc chì nặng. Tháng 1/1983, bà Súy xuất ngũ trở về quê hương, do di chứng chiến tranh nên đã mất hoàn toàn khả năng làm mẹ. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ mất sớm, các anh chị, em lập gia đình ở riêng, bản thân không chồng con, sức khỏe yếu, tháng 12/1984, bà Súy chuyển vào sống tại Trung tâm Điều dưỡng Người có công tỉnh Thanh Hóa.
“Ngày mới vào trung tâm, cơ thể tôi ốm yếu lắm, chỉ được hơn 30kg. Được sự chăm sóc, nuôi dưỡng của các y bác sỹ, điều dưỡng, đến nay tôi đã tăng cân, sức khỏe được cải thiện từng ngày. Ở đây, các cán bộ coi chúng tôi như người thân trong gia đình nên chăm sóc rất chu đáo, tận tình. Mỗi lần vết thương tái phát, phải chuyển lên bệnh viện tuyến trên, bản thân tôi không chồng, không con, nhưng luôn có sự đồng hành chăm sóc của các y bác sỹ trong trong trung tâm. Số phận không cho tôi một mái nhà riêng nhưng sống trong mái nhà chung này, tôi không cảm thấy bị cô đơn, lạc lõng vì những hạnh phúc bình dị đó”, bà Súy cho biết.
Tuy mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, nhưng cũng như bà Súy, ông Mai Trọng Bái (84 tuổi, quê xã Hoằng Trạch, huyện Hoằng Hóa) coi nơi này như ngôi nhà, gia đình thứ hai của mình. Trong căn phòng thoáng mát, ngăn nắp, ấm cúng của mình tại trung tâm, ông Bái kể về những ngày tháng chiến đấu ác liệt nhưng cũng rất hào hùng của ông cùng đồng đội. Năm 1959, ông Bái lên đường nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện, năm 1966 ông bắt đầu tham gia chiến đấu ở các chiến trường ác liệt nhất, như: Khe Sanh, Đường 9 Nam Lào... Năm 1971, trong một lần cùng đồng đội chiến đấu, ông bị thương bởi đạn pháo, bị mất 1 chân và mắt trái. Ông được chuyển ra Bắc điều trị. Năm 1984, ông Bái được chuyển vào điều trị, chăm sóc tại trung tâm cho đến nay.
“Gần nửa cuộc đời gắn bó với trung tâm, tôi xem những y, bác sỹ, nhân viên ở đây như những người thân ruột thịt. Mang thương tật nặng, những khi trái gió trở trời, các vết thương trong người tôi lại đau nhức, hành hạ, rồi tuổi cao nên bệnh tật ngày càng nhiều. Tôi đã phải nhiều lần đi điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện 103, 108 ở Hà Nội. Mỗi lần đi bệnh viện như vậy, tôi đều được các nhân viên của trung tâm đi theo để chăm sóc rất tận tình, chu đáo như người thân. Nếu không được chăm sóc tại trung tâm này, tôi cũng như nhiều thương binh, bệnh binh ở đây chắc gì còn sống khỏe mạnh đến ngày hôm nay”, ông Bái xúc động chia sẻ.
Hiện, Trung tâm Điều dưỡng Người có công Thanh Hóa đang quản lý 229 người, trong đó thương binh, bệnh binh tâm thần là 74 người; thương, bệnh binh nặng có thương tật và bệnh lý tổng hợp là 40 người; thân nhân liệt sỹ già cả cô đơn, con liệt sỹ tàn tật, 29 người; bị nhiễm chất độc da cam, 86 người. Tình hình thương tật, bệnh tật của các đối tượng đa dạng, phức tạp; số người thương, bệnh binh bị tâm thần cao. Số thương binh, bệnh binh vết thương và bệnh tật, bệnh lý thường xuyên tái phát luôn có từ 7-10 người phải đi các bệnh viện tuyến tỉnh, trung ương để chữa bệnh, nên thường xuyên có từ 9-13 nhân viên đi theo chăm sóc, phục vụ… Tuy nhiên, những năm qua, các y bác sỹ, điều dưỡng tại Trung tâm đã làm tròn trách nhiệm của mình, được các thương binh, bệnh binh coi như con cháu, ruột thịt trong gia đình…
“Trong ngôi nhà chung này, chúng tôi cũng chỉ mong đem đến cho các thương binh, bệnh binh sự thoải mái, gần gũi, yêu thương để họ thấy như đang ở chính ngôi nhà của mình. Tuy nhiên, thời gian tới, chúng tôi mong ngành chức năng quan tâm hỗ trợ đầu tư để tăng cường thêm cơ sở vật chất cho trung tâm; quan tâm hơn nữa đến các chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng chất độc da cam, thân nhân liệt sĩ già cả cô đơn, con liệt sĩ tật nguyền... để công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị, phục hồi chức năng cho tất cả các đối tượng trong trung tâm ngày càng tốt hơn”, ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng Người có công Thanh Hóa chia sẻ.