Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ, trải qua những năm tháng chiến tranh bảo vệ Tổ quốc vô cùng gian khổ, cả nước có hơn 9 triệu người có công với cách mạng; gần 1,2 triệu người con ưu tú đã anh dũng hy sinh. Ngoài ra, có trên 800 nghìn người đã để lại một phần xương máu nơi chiến trường; hàng trăm nghìn người bị địch bắt tù đày, tra tấn dã man, bị nhiễm chất độc hóa học. Trên cả nước có khoảng 120 nghìn bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” và hàng nghìn người được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong kháng chiến.
"Đảng, Nhà nước, Quốc hội, nhân dân mãi ghi nhớ, đời đời biết ơn sự hy sinh, cống hiến to lớn của các Mẹ Việt Nam anh hùng, các anh hùng liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người có công với các mạng đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước", Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Phó Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao việc các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ không ngừng phát huy truyền thống anh hùng, nỗ lực phấn đấu vươn lên, tiếp tục góp phần to lớn vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bằng ý chí, nghị lực của người lính “Bộ đội Cụ Hồ”, các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ đã vượt qua mọi khó khăn, gương mẫu đi đầu trong công tác, chiến đấu, lao động, học tập, tích cực tham gia xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Nhiều thương binh, bệnh binh đã năng động, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, đi đầu trong các phong trào thi đua, tích cực góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh, được Đảng, Nhà nước phong tặng nhiều danh hiệu cao quý.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến chính sách đền ơn đáp nghĩa, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần đối với gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng cường giám sát việc thực hiện quy định pháp luật đối với người có công với cách mạng; đã đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tập trung rà soát, hoàn thiện các thủ tục không để sót người có công không được hưởng chính sách.
Thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cấp, các ngành thường xuyên quan tâm tuyên truyền, giáo dục truyền thống, đạo đức cách mạng, tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ để luôn đề cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu hy sinh, đánh thắng mọi kẻ thù, bảo vệ lãnh thổ, biên giới, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành đẩy mạnh các hoạt động trong công tác chăm sóc người có công với cách mạng; phát huy toàn xã hội chung tay chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, tri ân các gia đình chính sách; đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ…
Phó Chủ tịch Quốc hội mong muốn các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ, những người có công với cách mạng sẽ luôn là tấm gương sáng để các thế hệ con cháu noi theo trong học tập, lao động, góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cho biết, thời gian qua, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng luôn được bổ sung, điều chỉnh để từng bước hoàn thiện, phù hợp với điều kiện kinh tế đất nước. Ngoài chế độ trợ cấp, người có công với cách mạng, tùy theo đối tượng, còn được hưởng một số chế độ ưu đãi khác như: nhà ở, đất ở, thẻ bảo hiểm y tế, tín dụng, giáo dục đào tạo… Hệ thống cơ sở sự nghiệp nuôi dưỡng, điều dưỡng thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ, người có công với cách mạng thường xuyên được nâng cấp. Công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sỹ được triển khai đồng bộ, có hiệu quả.
Các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”… được phát triển sâu rộng ở tất cả các địa phương nhằm huy động mọi nguồn lực trong xã hội để chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người có công với cách mạng.