Thạc sỹ Hoàng Quang Nam, đại diện đơn vị tư vấn, cho biết, đề án thăm dò khoáng sản đá vôi làm nguyên liệu xi măng tại khu vực T12, T14, T17, T18 xã Thanh Thủy và khu vực T21, T22 xã Thanh Tân, xã Thanh Thủy (huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) sẽ tiến tới khai thác nhằm phục vụ nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất xi măng. Các phương pháp và khối lượng công tác thăm dò thiết kế tại đề án là phù hợp, việc triển khai thi công thăm dò theo thiết kế tại đề án đưa ra đảm bảo đủ cơ sở để đánh giá đặc điểm chất lượng của nguyên liệu và đảm bảo tính trữ lượng đến cấp 121 và 122 trong diện tích thăm dò.
Báo cáo tổng hợp kết quả thẩm định đề án trên, Thư ký Hội đồng, ông Nguyễn Tiến Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Khoáng sản thuộc Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, cho biết: Văn bản số 1566/UBND-NN&TNMT ngày 4/6/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam đã xác nhận khu vực đề nghị thăm dò khoáng sản không thuộc khu vực cấm hoạt động khoáng sản, không thuộc Quy hoạch đất lâm nghiệp, không có di tích lịch sử và các Dự án, công trình văn hóa, thể thao và không chồng lấn lên các Quy hoạch khác. Đối với một phần diện tích phía Bắc (8,65 ha) liên quan đến thế trận quân sự phòng thủ, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã hướng dẫn đơn vị khai thác điều chỉnh, loại bỏ ra ngoài một phần diện tích thăm dò theo đề nghị của UBND tỉnh Hà Nam.
Cũng tại cuộc họp, Hội đồng đã thẩm định đề án thăm dò khoáng sản quặng chì - kẽm khu vực Sơn Đô, xã Xuân Vân (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang). Mục tiêu của đề án là thăm dò, đánh giá chất lượng, trữ lượng quặng chì - kẽm cấp 122 dự kiến đạt được 6.280 tấn chì - kẽm kim loại.
Theo Thạc sỹ Đỗ Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty Cổ phần Khảo sát địa chất và môi trường, cơ sở các tài liệu thu thập cho thấy việc hoàn thành mục tiêu của đề án là có cơ sở tin cậy. Kết quả của công tác thăm dò sẽ làm rõ cấu túc địa chất khu thăm dò, yếu tố khống chế quặng, chính xác hóa cấu trúc thân quặng về hình dạng, kích thước, chiều dày, hàm lượng để đánh giá chất lượng và trữ lượng chì-kẽm, nghiên cứu tính chất công nghệ, khả năng thu hồi và làm giàu quặng làm cơ sở thiết kế khai thác mỏ.
Đề án thứ 3 được thẩm định là đề án thăm dò đá quarzit làm nguyên liệu sản xuất đá ốp lát tại xã Pô Kô (huyện Đắk Tô) và xã Rờ Kơi (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum). Mục đích của việc thăm dò là đánh giá chất lượng và tính trữ lượng đá quarzit sản xuất đá ốp lát, bột mịn để làm đá nhân tạo sử dụng trong các lĩnh vực công nghiệp khác nhau và xuất khẩu.
Qua báo cáo của đơn vị tư vấn và ý kiến của các thành viên Hội đồng, Thứ trưởng Trần Quý Kiên, Chủ tịch Hội đồng thẩm định đề án thăm dò khoáng sản, nhất trí thông qua 3 đề án. Tuy nhiên Thứ trưởng cũng chỉ đạo đơn vị tư vấn cần có ý kiến toàn diện, tính toán đưa ra con số trữ lượng đã làm vật liệu xây dựng để đảm bảo đánh giá toàn diện và đồng bộ.
Ngoài ra, Thứ trưởng còn yêu cầu Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam rà soát, bố trí đủ khối lượng công trình nhằm có cơ cở chắc chắn để xem xét khi thăm dò.