Tết đang đến với mọi nơi, mọi nhà

Không khí đón Tết đang rộn rã trên khắp mọi nẻo đường, từ thành thị đến nông thôn. Cũng như mọi năm, năm nay nhiều địa phương đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp giúp bình ổn giá thị trường, tổ chức nhiều điểm bán hoa xuân, tặng quà cho người nghèo, hộ gia đình chính sách... cho người dân đón một cái Tết trong không khí vui tươi, đầm ấm, lành mạnh và hạnh phúc.

Rộn rã Tết ở Hà Nội

Cứ mỗi dịp Tết đến, nhất là từ ngày 20 tháng Chạp trở đi, khắp các con phố, điểm công cộng của Hà Nội lại rực rỡ sắc màu của muôn ngàn loài hoa cùng hòa quyện hương sắc và làm thoả mãn mọi nhu cầu của khách hàng. Người Hà Nội vốn gắn bó với chợ hoa Hàng Lược với tuổi đời cả trăm năm hay chợ hoa Quảng Bá - một đầu mối bán buôn hoa, rồi tới chợ hoa đường Hoàng Hoa Thám được ví như con đường hoa của Hà Nội. Ngoài 43 chợ hoa của Hà Nội được tổ chức theo quyết định của thành phố, hàng trăm điểm bán hoa lớn, nhỏ trong khắp nội thành vẫn hình thành theo thói quen mua bán của người dân.

Hoa đào là loài hoa được mệnh danh bà chúa của mùa xuân, gồm cả đào Nhật Tân và đào núi vẫn là tâm điểm thu hút sự quan tâm của người Hà Nội tại những chợ hoa Tết. Nếu đào Nhật Tân thuyết phục khách hàng bởi màu đỏ ấm áp, kiểu dáng đẹp, phù hợp với việc trưng bày trong nhà thì đào núi Sơn La, Lai Châu… hấp dẫn bởi sự tự nhiên, phóng khoáng.

Người dân Hà Nội chuẩn bị đón Tết. Ảnh: Nguyễn Thủy-TTXVN


Từ ngày 14/1, 12 phiên chợ Tết của Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã đồng loạt khai mạc tại các huyện ngoại thành Hà Nội nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của bà con nông thôn. Đây là các điểm bán hàng của Tổng Công ty nhằm đưa hàng Việt, hàng bình ổn về nông thôn, thực hiện Chương trình bán hàng nông thôn, Phiên chợ Hàng Việt, Chương trình dự trữ hàng hóa phục vụ bình ổn giá. Với chủng loại hàng hóa phong phú, chất lượng đảm bảo, giá cả phù hợp, các phiên chợ Tết Hapro mang đến vùng nông thôn những hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết cổ truyền như bánh chưng, thực phẩm, đồ uống, bánh mứt kẹo, hàng may mặc… Tại những phiên chợ này, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội còn phục vụ nhân dân địa phương các mặt hàng thiết yếu trong Chương trình dự trữ, bình ổn giá của thành phố.

Ngoài phiên chợ Tết, trong thời gian này, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội còn phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội tổ chức 6 trung tâm thương mại lưu động bán hàng bình ổn giá tại các huyện ngoại thành. Mỗi trung tâm có 40 gian hàng, trong đó Tổng Công ty Thương mại Hà Nội thực hiện 50% số gian hàng.

TP Hồ Chí Minh:  Khai mạc nhiều chợ hoa Tết

Ngày 16/1 (tức ngày 23 tháng Chạp), TP Hồ Chí Minh và UBND các quận, huyện trên địa bàn thành phố đã đồng loạt khai mạc chợ hoa Tết phục vụ nhu cầu mua sắm cây, cảnh trưng bày, trang trí Tết của người dân thành phố cũng như các tỉnh lân cận.

TP Hồ Chí Minh tổ chức 3 chợ hoa cấp thành phố tại Công viên 23/9, Công viên Lê Văn Tám (quận 1), Công viên Gia Định (quận Gò Vấp) với quy mô hơn 1.200 lô. Ngoài ra, thành phố cũng cho phép các quận, huyện tổ chức 56 chợ hoa Tết.

Chợ hoa Tết năm nay tại TP Hồ Chí Minh, ngoài các loại hoa chủ đạo trong dịp Tết như mai, tắc (quất), hoa cúc, mai chiếu thủy, hoa lan… nhiều nhà vườn, thương lái hoa từ các tỉnh Bến Tre, Long An, Tiền Giang, Lâm Đồng và các tỉnh phía Bắc, miền Trung cũng giới thiệu nhiều loại hoa cảnh khá mới lạ như Môn nhung, Môn đỏ, Môn điểm Thái, Phát tài Nam Mỹ, Thanh tâm, Đại phú gia, Lá cẩm thạch, Ráng tướng quân, Trầu bà da beo, Dương xỉ Đài Loan, Tiên đồng, Ngâu Tàu, Nguyệt quế Thái, Đinh lăng lá lớn, Tử la lan, Hạc đỉnh… Tại chợ hoa Tết Công viên Gia Định, nhiều gian hàng bán loại cây tắc tạo dáng, kết thành hình rồng rất ấn tượng có giá bán từ 8 -10 triệu đồng/cặp. Tại Công viên 23/9, có nhiều chậu lan xen với tiểu cảnh đồi núi, dòng suối giá bán từ 15 - 48 triệu đồng/chậu. Tại các chợ hoa, các loại hoa cảnh xứ lạnh như đào Nhật Tân, Thái Bình; hoa ly Đà Lạt… cũng được bày bán khá nhiều,thu hút nhiều khách hàng. Theo hầu hết các nhà vườn, tiểu thương, giá bán hoa năm nay có tăng hơn so với năm trước từ 5 đến 20 % tùy loại hoa.

Miền cao su Bình Dương vui đón Tết

Với mức thưởng Tết thấp nhất đối với công nhân là 50 triệu đồng và mức lương bình quân hơn 13 triệu đồng/tháng, Tết này, hơn 10 ngàn công nhân của Công ty Cao su Dầu Tiếng sẽ được đón một cái Tết trong không khí đầy đủ và đầm ấm vui tươi.

Về các xóm công nhân ở nông trường Phan Văn Tiến, Bến Súc, Tân Lập… không khí đón xuân nhộn nhịp hẳn lên, nhà nhà sắm tivi màn hình phẳng, tậu xe mới… Huỳnh Tấn Phát, 33 tuổi, công nhân nông trường cao su Bến Súc khoe: Sau khi trừ thuế, tiền thưởng Tết thực lĩnh của em là hơn 45 triệu đồng, cộng thêm tiền lương tháng 13, em thu nhập được gần 60 triệu đồng.

Năm 2011, tuy gặp không ít thách thức, nhưng tổng doanh thu sản xuất – kinh doanh của công ty là hơn 4.200 tỷ đồng, thu về lợi nhuận trước thuế là 1.917 tỷ đồng. Hiện nay, diện tích trồng cao su trên địa bàn Bình Dương là hơn 130.000 ha, trong đó nông dân trồng cao su tiểu điền chiếm 84.000 ha đã và đang khai thác mang lại nguồn thu kinh tế lớn trong ngành nông nghiệp, góp phần xây dựng vùng nông thôn ngày càng khởi sắc.

Đồng bào Khmer hân hoan đón Tết

Tỉnh Kiên Giang hiện có hơn 210.000 người dân tộc Khmer với trên 46.000 hộ dân, chiếm 12,7% dân số toàn tỉnh. Hiện nay, trong đồng bào dân tộc chỉ còn gần 7.500 hộ nghèo, đời sống vật chất, tinh thần không ngừng cải thiện và nâng lên. Đồng bào dân tộc đang chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012 đầm ấm, vui tươi, hạnh phúc.

Những ngày này, nông dân vừa chăm sóc lúa, vừa chuẩn bị mọi thứ để vui Xuân, đón Tết. Cây nhà, lá vườn với những liếp rau màu mơn mởn, con gà, con vịt căng tròn, mập béo được bà con nuôi trồng trong vườn nhà vừa đãi khách ba ngày Tết, vừa đem ra chợ bán để có thêm tiền trang trải Tết. Anh Danh Thạch cho biết thêm, gia đình có hơn 10 ha gieo sạ lúa đông xuân đảm bảo ăn chắc vụ mùa này, năng suất sẽ không dưới mức 6 - 7 tấn/ha vì lúa đang phát triển rất tốt nhưng ít tốn phân bón nhờ phù sa theo nước lũ về bồi bổ ruộng đồng. Lúa được mùa, trúng giá, nông dân ai cũng khá lên. Ngoài ra, anh còn nuôi lợn, nuôi cá, trồng hoa màu phụ thêm trong phát triển kinh tế gia đình cho tổng thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Quảng Nam: Chuẩn bị Tết cho đồng bào vùng cao Đông Giang

Ngược lên vùng cao Đông Giang (Quảng Nam) những ngày này, nơi đâu cũng thấy sự chuẩn bị khẩn trương hướng đến một cái Tết cổ truyền thật trọn vẹn cho nhân dân.

Huyện Đông Giang đang triển khai tích cực việc phân bổ tiền, gạo hỗ trợ Tết cho người nghèo, các đối tượng chính sách lẫn cán bộ cấp thôn trở lên theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam. Lãnh đạo huyện trực tiếp thăm hỏi, chúc Tết 11 gia đình chính sách tiêu biểu trong địa bàn. Dịp này, 571 hộ cận nghèo được hỗ trợ 200.000 đồng/hộ và 171 hộ khó khăn với mức hỗ trợ 100.000 đồng/hộ, từ nguồn ngân sách của huyện để chăm lo Tết cho bà con. Hiện, 50 tấn gạo hỗ trợ đồng bào ăn Tết cũng đã cơ bản đưa đến tay người dân, số tiền gần 1 tỷ đồng hỗ trợ cho các gia đình chính sách, người có công, trẻ em đặc biệt khó khăn từ nguồn hỗ trợ của tỉnh cũng đã được trích xuất, đảm bảo phân bổ kịp thời đến từng đối tượng. Ngoài ra, 108 suất quà cho trẻ em nhiễm chất độc da cam, dioxin và 21 suất quà từ nguồn Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của huyện cũng đã được triển khai cấp phát cho từng xã. Cùng với đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Đông Giang cũng tiến hành phân bổ 165 suất quà trị giá 300 nghìn đồng/ suất do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh cấp. Lần đầu tiên, lực lượng cán bộ công chức cấp xã, thôn được UBND tỉnh Quảng Nam hỗ trợ 300.000 đồng/người.

Lào Cai: Càng giáp Tết, chợ Cốc Lếu càng sôi động

Nằm ở điểm nút cuối cùng của quốc lộ 70 và ga đường sắt Hà Nội - Lào Cai, cách cửa khẩu quốc tế Lào Cai chưa đầy 500 m, từ lâu, chợ Cốc Lếu trở thành chợ đầu mối lớn nhất tỉnh Lào Cai. Từ đây hàng hóa từ các tỉnh dưới xuôi theo đường sắt, đường bộ, đường thủy và từ Hà Khẩu nước bạn Trung Quốc tập kết về đây, để rồi phân ra các chợ huyện, tỉnh Lai Châu, các nhà hàng và chợ trung tâm khác trong tỉnh. Vì vậy, hàng ngày chợ Cốc Lếu thường họp từ rất sớm, khoảng 2 giờ đêm đến 5 giờ sáng. Ở đây phần lớn hàng được bán trực tiếp cho các đại lý, số còn lại được những người làm dịch vụ đóng gói chuyển tiếp theo các xe khách tỏa về các huyện.

Được biết, mỗi đêm chợ đầu mối Cốc Lếu tập kết, phân phối hàng trăm tấn hàng đi các chợ trung tâm trong tỉnh và các tỉnh bạn, cung ứng khoảng 60% số lượng hàng hóa đến các huyện vùng cao, 90% hàng hóa đến các đại lý và chợ trong thành phố và các quán ăn, nhà hàng, khách sạn.

Thừa Thiên – Huế:  Tết đến sớm với những trẻ em không may mắn

Những ngày giáp Tết, dù trời mưa rét nhưng không khí đón xuân đã lan tỏa khắp Trung tâm Bảo trợ Trẻ em Thủy Xuân (thành phố Huế - Thừa Thiên- Huế). Cô Ngô Thị Thu Hồng – Giám đốc Trung tâm cho biết: “Để các em có một cái Tết thật vui tươi và ý nghĩa, trung tâm đã có nhiều hoạt động thiết thực giáo dục về truyền thống đón Tết cổ truyền của dân tộc và tạo không khí ấm cúng của một gia đình”.

Trong ngôi nhà chung lúc nào cũng đầy ắp tiếng nói, tiếng cười. Những tiết mục văn nghệ do các em tự biên, tự diễn để chuẩn bị cho chương trình “Xuân yêu thương” làm không khí đón xuân thêm phần rộn rã. Ở ngoài sân, nhiều em đang hối hả quét lá, dọn dẹp sân vườn. Trong nhà, các bạn nam tranh thủ trang hoàng nhà cửa, các bạn nữ thì giúp các mẹ làm mứt, bánh, dưa góp...

Hàng năm, cứ vào ngày 25 Tết, Trung tâm lại tổ chức cho các em được đón Tết sớm hơn các trẻ em khác, để ngày Tết các em có thể về đoàn tụ cùng với gia đình, bạn bè và người thân. Từ sáng sớm, cả nhà đã chuẩn bị nguyên liệu làm bánh chưng. Các em ríu rít, mỗi người một việc, cắt lá chuối, lấy nếp, làm nhân, gói bánh, buộc lạt... những tiếng cười thích thú vang lên khi các em được các mẹ hướng dẫn và tự tay làm chiếc bánh đầu tiên. Quây quần bên nồi bánh chưng đang đỏ lửa, các em chăm chú nghe các mẹ kể về sự tích bánh chưng, bánh dày, rồi háo hức chờ đợi để nếm thử những chiếc bánh đầu tiên. Khi được hỏi: Tết đến em có mong ước gì? Các em đều trả lời, mong muốn học giỏi để sau này có việc làm ổn định, có một gia đình đầm ấm và cùng nhau đón Tết thật vui vẻ.

Những ngày Tết, các mẹ ở trung tâm Thủy Xuân đều cố gắng hết sức để các em cảm nhận được không khí của một gia đình. Trước Tết cả tháng, các mẹ đã chuẩn bị mua sắm quần áo, giày dép mới cho các em. Ngày Tết, Ban Giám đốc Trung tâm cố gắng tăng khẩu phần ăn cho các em, vận động, hỗ trợ tàu xe để các gia đình đón các em về đoàn tụ. Còn những em "không có nơi để về" ở lại trung tâm ăn Tết thì các mẹ tổ chức đón Tết rất chu đáo và ấm cúng. Đêm Giao thừa, mẹ cùng các con háo hức chuẩn bị hoa quả, mứt, bánh chưng, để trang trí mâm cổ ngày Tết.

Quảng Ninh: Chuyển quà Tết cho các chiến sĩ hải đảo

Trong những ngày giáp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, từ khu vực cảng Cái Rồng, tàu HQ 551 nhổ neo chở đoàn công tác Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải quân đến thăm, tặng quà và chúc Tết các cán bộ, chiến sỹ trên đảo Trần, huyện Cô Tô và đảo Trà Bản, huyện Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) và một số xã ven biển. Chuyến đi này còn có sự tham gia của một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và trường học trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

Vận chuyển hàng hóa phục vụ Tết Nhâm Thìn cho các chiến sĩ trên đảo Trường Sa. Ảnh: Hoàng Hùng - TTXVN


Đại tá Trần Ngọc Quyết, Phó Tư lệnh - Tham mưu Trưởng Vùng 1 Hải quân, Trưởng đoàn cho biết: “Chuyến đi không chỉ với ý nghĩa thăm, tặng quà và chúc tết, động viên tinh thần cán bộ, chiến sỹ trên các đảo mà còn là dịp kiểm tra tinh thần sẵn sàng chiến đấu trong dịp Tết của cán bộ, chiến sỹ nơi đây”.

Không kể thời tiết giá lạnh như cắt da, cắt thịt, các chiến sỹ Trạm 480, đảo Trần đã bơi ra tận nơi để đón những chuyến hàng Tết vào đảo. 53 thùng quà cùng gần 50 triệu đồng tiền mặt là tấm lòng, tình cảm của quân và dân tỉnh Quảng Ninh đã được trao tận tay các chiến sĩ trên các đảo... Thượng úy Phạm Tiến Dương, Phó trạm Trưởng Trạm 480 vui mừng cho biết: “Khi biết tin sắp có đoàn công tác đến thăm, mấy ngày hôm nay các anh em lính đảo rất phấn khởi và mong ngóng. Từ hôm qua các anh em đã lên rừng để tìm quất rừng và hoa đào về trang trí, chỉ chờ quà từ đất liền mang vào là sẽ đón một cái Tết đầy đủ. Bên cạnh việc chuẩn bị đón Tết cho anh em chiến sỹ, chúng tôi cũng không quên duy trì chế độ trực canh, trực chuyên môn, trực ban và trực chỉ huy sẵn sàng chiến đấu”.

Rời đảo Trần, đoàn công tác tiếp tục lên tàu đến với đảo Trà Bản, huyện Vân Đồn thăm và chúc Tết các chiến sỹ Trạm 485. Không khí Tết cũng được chuẩn bị gần như hoàn tất, hoa đào, mâm ngũ quả được các anh bày biện cẩn thận… Chiến sĩ Nguyễn Bình Thường, quê ở Bắc Ninh hồ hởi nói: “Có đoàn công tác từ đất liền vào thăm không khí Tết vui hơn rất nhiều. Nhất là được tăng thêm thực phẩm, chắc chắn Trạm sẽ có một cái Tết thật vui vẻ đầm ấm”.

Thành Hiển (Tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN