Tây Ninh nỗ lực thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI

Ngày 19/9, Tỉnh ủy Tây Ninh tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ để đánh giá kết quả tiến độ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và đề ra các giải pháp trọng tâm thực hiện đến cuối nhiệm kỳ.

Chú thích ảnh
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Tâm phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. 

Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong 24 chỉ tiêu chủ yếu được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra, các chỉ tiêu về lĩnh vực xã hội, môi trường, xây dựng Đảng đạt được tỷ lệ thực hiện trên 50% nhiệm vụ, khả năng cuối nhiệm kỳ sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, nhiều chỉ tiêu về phát triển kinh tế đến nay còn nhiều khó khăn, khả năng hoàn thành là một thách thức rất lớn, như: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 4,72% (Nghị quyết 7,5%); thu nhập bình quân đầu người đạt 33,1% so mục tiêu Nghị quyết; chỉ số sản xuất công nghiệp đạt khoảng 9% (mục tiêu 15,5% của Nghị quyết); chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2021 tăng 2,37%, năm 2022 tăng 15,46%, 6 tháng năm 2023 tăng 4,3% (Nghị quyết tăng 15,5%/năm trở lên).

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu các ngành dịch vụ tăng bình quân 9,8%/năm (Nghị quyết tăng 10%/năm trở lên); trong đó, ngành bán lẻ chiếm tỷ trọng bình quân trên 80%. Các loại hình thương mại điện tử, mua bán trên nền tảng số được khai thác tốt, góp phần quan trọng trong việc chuyển đổi số và mở rộng loại hình cung cấp tiêu thụ hàng hóa.

Kim ngạch xuất khẩu nửa nhiệm kỳ đạt 14.057 triệu USD, tăng bình quân 14,2%/năm (Nghị quyết trên 8%/năm), trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 94,9%.

Tuy nhiên, tình hình xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2023 đang gặp khó khăn, kim ngạch xuất nhập khẩu giảm 15,6% so cùng kỳ.

Trong nửa nhiệm kỳ, tổng thu ngân sách nhà nước là 28.416 tỷ đồng, đạt 43,6% so với kế hoạch Nghị quyết, tăng bình quân 7,2%/năm (Nghị quyết tăng 10%/năm trở lên).

Cải cách hành chính và các chỉ số đánh giá năng lực cấp tỉnh, nhất là chỉ số PCI, PAPI sụt giảm đáng kể (3 năm từ 2020 - 2022 chỉ số PCI của tỉnh giảm 40 bậc; chỉ số PAPI năm 2022 giảm 29 bậc; chỉ số Cải cách hành chính 2 năm 2021, 2022 giảm 17 bậc), ảnh hưởng rất lớn đến môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đề ra 4 chỉ tiêu về công tác xây dựng Đảng, kết quả: Tỷ lệ tổ chức cơ sở Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt 96,9% (Nghị quyết 85%). Tỷ lệ Đảng bộ xã biên giới hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt 98,33% (Nghị quyết 90%). Tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt 97,24% (Nghị quyết 90%). Kết nạp đảng 3.105/4.830 chỉ tiêu đề ra, đạt 64,29%.

Tại Hội nghị, các ngành đã báo cáo, đánh giá, phân tích sâu hơn tình hình thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ ở một số ngành, lĩnh vực cơ bản và đề xuất các giải pháp cần tập trung thực hiện thời gian tới.

Tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Tâm nhận định, qua kết quả sơ kết giữa nhiệm kỳ có thể thấy việc hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết đề ra là một thử thách lớn đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tây Ninh, nhất là các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội.

Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh đề nghị, đối với các chỉ tiêu được đánh giá khó hoàn thành, các ngành, cấp cần tập trung rà soát, đề ra các giải pháp sát với tình hình thực tế để triển khai thực hiện ngay; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tế; trường hợp cần cơ chế, chính sách hoặc chủ trương thì khẩn trương tham mưu Tỉnh ủy xem xét, chỉ đạo thực hiện.

Các đơn vị cần tập trung triển khai các dự án đầu tư trọng điểm của tỉnh, sớm hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng; chủ động chuẩn bị các điều  kiện cần thiết để triển khai các dự án lớn về giao thông; theo dõi nắm chắc tiến độ các dự án đầu tư tư nhân đã có quy hoạch, chủ trương đầu tư, nhất là các dự án trọng điểm, nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy nhà đầu tư thực hiện dự án… Các đơn vị tăng cường, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; tinh thần nêu gương của người đứng đầu.

Tỉnh đẩy mạnh hợp tác, kết nối liên kết vùng với Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 7/10/2023 của Bộ Chính trị về “phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó, tập trung đẩy mạnh kết nối giao thông, liên kết phát triển kinh tế nhằm khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Tin, ảnh: Thanh Tân (TTXVN)
Phát triển các sản phẩm trọng điểm, đánh thức tiềm năng du lịch Tây Ninh
Phát triển các sản phẩm trọng điểm, đánh thức tiềm năng du lịch Tây Ninh

Tây Ninh có đường biên giới dài 240 km, giáp Vương quốc Campuchia, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với nhiều điều kiện về vị trí địa lý đặc thù, tài nguyên thiên nhiên ưu đãi, văn hóa đa dạng, độc đáo. Tận dụng tiềm năng lợi thế này, Tây Ninh đã và đang dần phát triển nhiều sản du lịch hấp dẫn như: Du lịch về nguồn, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN