Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng với diện tích tự nhiên gần 5,5 triệu ha và dân số hơn 6 triệu người. Bên cạnh vị trí địa lý có ý nghĩa chiến lược về an ninh – quốc phòng thì Tây Nguyên còn có những vấn đề nhạy cảm đặc thù trong lĩnh vực văn hóa – xã hội cần được quan tâm.
Đặc điểm dễ nhận thấy nhất là tình hình dân số và cơ cấu dân cư ở Tây Nguyên đã biến động rất lớn trong gần nửa thế kỷ qua – từ hơn 1,2 triệu người với 18 dân tộc vào năm 1976, đến hơn 6 triệu người với 54 dân tộc vào thời điểm năm 2023.
Tốc độ phát triển và nhập cư tăng nhanh sẽ có những mặt trái nảy sinh. Chúng ta vẫn nói “mênh mông đất trời Tây Nguyên” với hàm ý nơi đây giàu tài nguyên đất, rừng. Điều này đúng khi dân số ở mức hơn 1 triệu người. Còn với số dân hơn 6 triệu người như hiện nay thì mỗi cư dân Tây Nguyên chỉ còn sống trong một không gian rừng rộng chưa tới 1 ha, chưa kể chất lượng rừng đã giảm sút.
Trong mấy chục năm qua, tài nguyên đất và nước ở Tây Nguyên là nguồn lực chính cho sự tăng trưởng và được khai thác với quy mô lớn, gây ra các loại xung đột: xung đột giữa tăng trưởng kinh tế với đảm bảo phát triển xã hội và bảo vệ môi trường; xung đột giữa lợi ích của các nhóm xã hội khác nhau; xung đột lợi ích trước mắt với việc bảo tồn lợi ích lâu bền cho các thế hệ sau; xung đột giữa không gian kinh tế, thị trường và không gian sinh tồn truyền thống…
Nóng nhất là xung đột về đất đai. Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tại Tây Nguyên hiện có gần 53.000 hộ gia đình thiếu khoảng 24.000 ha đất sản xuất. Số vụ khiếu kiện về đất đai, kể cả khiếu kiện đông người trong năm 2023 tăng so với năm 2022.
Các vụ tranh chấp về đất đai tích tụ nhiều năm trở nên gay gắt, có dấu hiệu manh động, cực đoan hóa, gây mất ổn định trật tự xã hội, an ninh-quốc phòng.
Nguyên nhân dẫn tới tranh chấp đất đai cũng phức tạp, đa chiều. Bên cạnh nguyên nhân về ý thức pháp luật của người dân chưa cao còn có sự yếu kém trong quản lý nhà nước, yếu tố trục lợi, lợi ích nhóm, các yếu tố kích động, chống phá từ các thế lực thù địch.
Giải quyết một cách căn cơ vấn đề đất đai, xử lý triệt để các tranh chấp, đưa đất đai trở thành nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như của Tây Nguyên đang là mối quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan và chính quyền địa phương.
Bên cạnh đó, công tác giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên cũng cần được coi trọng, như lời của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Quyết tâm xóa nhà tạm, nhà dột nát không để ai bị bỏ lại phía sau, giải quyết vấn đề di cư tự do, tạo sinh kế, hỗ trợ việc làm, chuyển đổi nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số; phải có giải pháp cụ thể bảo đảm đời sống của người dân năm sau cao hơn năm trước.
Trên thực tế, trong hơn 10 năm, từ năm 2011 đến năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo ở Tây Nguyên đã giảm mạnh nhưng vẫn ở mức cao so với mặt bằng chung. Năm 2023, số hộ nghèo chiếm 6,4% tổng dân số ở đây, cao thứ hai trong cả nước, chỉ xếp sau vùng Trung du và miền núi phía Bắc (11,29%). Trong khi đó tỷ lệ hộ nghèo chung cả nước là 2,93%.
Các tỉnh ở Tây Nguyên cũng đang nỗ lực vươn lên: Năm 2023 tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Kon Tum đạt 7,32%, đứng thứ 22 cả nước và đứng đầu vùng Tây Nguyên; Đắk Nông - 5,74%, đứng thứ 2; Lâm Đồng - 5,63%; Đắk Lắk - 4,39% và Gia Lai - 3,02%.
Các cụ xưa có câu: “Quốc dĩ dân vi bản, dân dĩ thực vi tiên”, có nghĩa là: Nước lấy dân làm gốc, dân lấy ăn làm đầu. Nói quan tâm đến người dân thì điều trước tiên, điều dễ nhận thấy nhất và cấp thiết nhất là chăm lo cho đời sống vật chất của đồng bào.
Còn ở tầm vĩ mô và dài hạn, để bảo đảm trật tự, an ninh ở Tây Nguyên thì cần phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững và gìn giữ môi trường tự nhiên.
Tại Hội nghị về bảo đảm an ninh, trật tự phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Tây Nguyên diễn ra mới đây, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó lấy phát triển là nguồn lực, cảm hứng để giữ vững an ninh, trật tự ở Tây Nguyên. Ở chiều ngược lại, phải giữ vững an ninh, trật tự ở Tây Nguyên để phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng cũng như của cả nước.
Trước đó, ngày 6/10/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu phát triển vùng Tây Nguyên nhanh và bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn, giàu bản sắc. Nhằm cụ thể hóa chủ trương này, tại Nghị quyết số 152/NQ-CP ngày 15/11/2022, Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng Dự thảo báo cáo rà soát cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng Tây Nguyên.
Đà phát triển của Tây Nguyên hiện nay đang chứng tỏ những chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước đang đi vào đời sống. Bởi vậy, sự đoàn kết đồng lòng giữ vững an ninh, đảm bảo trật tự để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội là vấn đề hết sức quan trọng và phát triển hài hòa, bền vững sẽ vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp.