Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Luật BVMT là luật điều chỉnh các đối tượng trong mọi mặt đời sống, mọi nơi mọi chỗ, không chỉ là lãnh thổ, mà còn là mặt nước, biển, dưới lòng đất và không gian.
“Môi trường là thành phần chúng ta sống và ở xung quanh chúng ta. Hiện có nhiều luật khác nhau quy định về môi trường, nên tính thống nhất, đồng bộ quản lý môi trường đúng nghĩa là không biên giới, tổng hợp, tích hợp. Trên thực tế, quản lý môi trường không được chia cắt và việc giải quyết bất cập chính sách pháp luật đảm bảo tính thống nhất”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết.
Người đứng đầu Bộ TNMT khẳng định: "Chúng ta không chấp nhận hy sinh môi trường để phát triển kinh tế và mô hình phát triển dựa trên xu thế thế giới chuyển đổi là kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh... Do đó, chúng ta sẽ hội nhập và mở cửa, nhưng có sàng lọc nguồn vốn đầu tư, dự án chất lượng, đảm bảo công nghệ và môi trường. Việt Nam cần vừa đón đầu dự án, vừa tạo ra bộ sàng lọc tốt để dẫn dắt tạo sự chuyển đổi sang các mô hình kinh tế mới, công nghệ sinh học...”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Bộ TNMT, luật sửa đổi lần này cắt giảm được 40% các trình tự thủ tục hành chính, nhưng không buông lỏng quản lý về môi trường. Những lĩnh vực nào tổng thải lớn, có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao sẽ được phân loại trong 17 nhóm quản lý trong quy định của luật, nhóm còn lại sẽ hậu kiểm thay tiền kiểm. Đó là lý do nước ta cắt giảm được 40% và cắt giảm hàng chục nghìn tỷ đồng do cải cách thủ tục hành chính. Việc cải cách này vừa tạo sự thông thoáng, vừa tập trung nguồn lực quản 5% doanh nghiệp có nguy cơ ô nhiễm hiện nay.
Về phân cấp quản lý, trong Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) sẽ có phân cấp quản lý cụ thể hơn. Lĩnh vực nào thuộc về quản lý của Quốc hội, Chính phủ, dự án lớn, thì Bộ TNMT chịu trách nhiệm. Còn dự án nào liên quan đến an ninh quốc phòng thì do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quản lý. Cùng với đó, sẽ có những quy định chuyển phân cấp cho địa phương.
Liên quan đến nội dung này, đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) cho biết, Hà Tĩnh là một trong những nơi hứng chịu thảm hoạ môi trường trong vụ Fomorsa năm 2016. Vụ việc này đã làm thức tỉnh mọi tổ chức, cá nhân trong vấn đề BVMT, vì nó không chỉ là thảm hoạ môi trường, mà còn tác động đến kinh tế, chính trị và mọi hoạt động khác. Ông Sơn nêu quan điểm, những đối tượng được hưởng lợi từ môi trường phải có nghĩa vụ BVMT và các đối tượng có tác động xấu đến môi trường thì phải có nghĩa vụ đóng góp tài chính để xử lý.
"Không thể chỉ coi trọng hậu kiểm, xem nhẹ khâu tiền kiểm. Khi doanh nghiệp vào đầu tư thì phải lượng hoá đầu tư công nghệ gì, nếu cơ quan chức năng chưa thẩm định về môi trường, thì doanh nghiệp chưa được vào sản xuất. Sau đó nếu doanh nghiệp vi phạm về môi trường thì tiến hành hậu kiểm, doanh nghiệp nào thông qua tiền kiểm, đi vào sản xuất thì hạn chế hoặc có thể không bao giờ vào thanh kiểm tra nữa, nhưng nếu có dấu hiệu gây ô nhiễm, vi phạm pháp luật môi trường thì sẽ kiểm kiểm tra đột xuất nhiều lần để xử lý dứt điểm việc vi phạm", đại biểu Nguyễn Văn Sơn đề nghị.
Đại biểu Đặng Quốc Khánh (Hà Giang) dẫn bài học Formosa ở Hà Tĩnh và cho rằng, có nhiều điều cần phải giải quyết khi xây dựng Luật BVMT sửa đổi. Đặc biệt, Nhà nước cần phải đầu tư, nhất là kinh phí cho công tác BVMT. “Luật đề xuất chi ngân sách 2% cho môi trường là không đủ, theo tôi phải cao hơn nữa, vì còn chi cho cả đầu tư BVMT, chứ không đơn thuần là xử lý ô nhiễm môi trường”, đại biểu Đặng Quốc Khánh cho hay.