Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước phát triển tốt đẹp. Hai bên đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào đúng dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao năm 2022. Chuyến thăm cũng thể hiện sự coi trọng của Chính phủ Hàn Quốc và cá nhân Tổng thống Yoon Suk Yeol đối với quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc.
Không ngừng mở rộng, nâng tầm hợp tác
Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc ngày 22/12/1992. Ngày 20/4/1992, hai bên ký thỏa thuận trao đổi Văn phòng liên lạc giữa hai nước. Ngày 22/12/1992, hai nước ký Tuyên bố chung thiết lập quan hệ ngoại giao cấp Đại sứ; Hàn Quốc mở Đại sứ quán tại Hà Nội. Tháng 3/1993, Việt Nam mở Đại sứ quán tại Seoul; tháng 11 cùng năm 1993, Hàn Quốc mở Tổng Lãnh sự quán tại TP Hồ Chí Minh.
Với mối quan hệ ngoại giao, hợp tác kinh tế sâu rộng trong 30 năm qua, Hàn Quốc là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam.
Tháng 8/2001, hai nước ra Tuyên bố chung về “Quan hệ đối tác toàn diện thế kỷ XXI” trong chuyến thăm Hàn Quốc của Chủ tịch nước Trần Đức Lương; tháng 10/2009, quan hệ hai nước được nâng cấp lên thành “Đối tác hợp tác chiến lược” trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myeong Bak. Tháng 12/2022, hai nước ra tuyên bố chung nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược toàn diện” trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Hàn Quốc của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.
Thời gian qua, hai nước duy trì thường xuyên các hoạt động trao đổi đoàn, tiếp xúc song phương, tăng cường hiểu biết và tin cậy chính trị. Lãnh đạo cấp cao hai nước cũng tiếp xúc, trao đổi thông qua nhiều hình thức: Điện đàm và hội đàm trực tuyến...
Có thể kể tới như: Điện đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In (15/7/2021), giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nội các Hàn Quốc Kim Boo Kyum (22/7/2021); hội đàm trực tuyến giữa Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Park Byeong Seug (23/6/2021).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm chính thức Hàn Quốc (12 - 15/12/2021). Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Tổng thống Moon Jae In bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York (21/9/2021).
Đặc biệt, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Hàn Quốc của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (4-6/12/2022), hai nhà Lãnh đạo đã nhất trí ra Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc lên mức Đối tác chiến lược toàn diện.
Trong năm 2023, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin Pyo thăm chính thức Việt Nam (12-18/1); cùng nhiều trao đổi, tiếp xúc quan trọng khác giữa lãnh đạo các cấp hai nước.
Hai bên đang duy trì cơ chế “Đối thoại chiến lược Ngoại giao - An ninh - Quốc phòng cấp Thứ trưởng”, “Đối thoại an ninh Việt - Hàn cấp Thứ trưởng” và “Đối thoại Quốc phòng Việt - Hàn cấp Thứ trưởng”; ký Biên bản thỏa thuận về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, Tuyên bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng đến năm 2030...
Chỉ trong hơn 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao- quãng thời gian không dài nhưng đến nay, hai nước đã đạt tới cấp độ quan hệ quốc tế cao nhất. Đây là nền tảng vững chắc để hai nước không ngừng mở rộng, nâng tầm hợp tác trong nhiều lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục-đào tạo, văn hóa, du lịch..., thúc đẩy giao lưu hữu nghị nhân dân, cũng như tăng cường phối hợp tại các diễn đàn quốc tế, khu vực và trong các vấn đề hai nước cùng quan tâm.
Phát triển hợp tác trên nhiều lĩnh vực
Trả lời phỏng vấn báo chí Việt Nam trước thềm chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Yoon Suk Yeol, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Đại Hàn Dân Quốc tại Việt Nam Oh Young Ju nhấn mạnh: trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc, lĩnh vực đóng vai trò quan trọng nhất là hợp tác về kinh tế. Hai nước đã hợp tác trên lĩnh vực này theo những phương hướng, hình thức hiệu quả nhất để hai nền kinh tế cùng hỗ trợ phát triển, bổ sung lẫn nhau.
Hàn Quốc là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đứng thứ nhất về đầu tư. Theo đó, tính lũy kế đến tháng 4/2023, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với gần 82 tỷ USD tổng vốn đăng ký, hơn 9.559 dự án còn hiệu lực. Tính trong quý I/2023, Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam 474 triệu USD với 76 dự án cấp mới.
Hàn Quốc cũng là nước cấp viện trợ không hoàn lại (ODA) lớn thứ 2 cho Việt Nam (sau Nhật Bản). Hàn Quốc hỗ trợ 1,2 tỷ USD vốn vay ưu đãi từ Quỹ hợp tác phát triển kinh tế (EDCF) giai đoạn 2012-2015; hai bên đã gia hạn Hiệp định tín dụng khung Việt Nam – Hàn Quốc giai đoạn 2016 - 2020 quy mô 1,5 tỷ USD (ký năm 2017).
Là đối tác thương mại đứng thứ ba (sau Trung Quốc và Hoa Kỳ), tổng kim ngạch thương mại song phương năm 2022 đạt 87 tỷ USD, tăng 11,4% so với năm 2021, trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt 24,2 tỷ USD, tăng 10,2%; nhập khẩu đạt 62,5 tỷ USD, tăng 11%. Việt Nam nhập siêu từ Hàn Quốc đạt 38,3 tỷ USD.
Các cơ chế hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực tiếp tục được duy trì như Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế và khoa học kỹ thuật Việt Nam - Hàn Quốc; Ủy ban hỗn hợp cấp Bộ trưởng về hợp tác trong lĩnh vực điện hạt nhân, năng lượng và công nghiệp; Đối thoại về kinh tế cấp Phó Thủ tướng Việt Nam - Hàn Quốc.
Hàn Quốc là thị trường tiếp nhận lao động lớn thứ hai của Việt Nam, sau Đài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam là nước phái cử lao động lớn thứ hai (sau Trung Quốc). Hiện Việt Nam có khoảng 48.000 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc. Hai bên đã ký lại Bản ghi nhớ thông thường về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS) (tháng 1/2021), Hiệp định bảo hiểm xã hội (tháng 12/2021); thí điểm mô hình lao động thời vụ.
Những năm gần đây, Hàn Quốc nổi lên là một trong những thị trường cung cấp khách du lịch trọng điểm của Việt Nam (lớn thứ 2 sau Trung Quốc). Trung bình mỗi tháng có hơn 1.000 chuyến bay thẳng Việt Nam - Hàn Quốc. Năm 2019, khách du lịch Hàn Quốc đến Việt Nam đạt 4,2 triệu lượt, tăng 23,1% so với năm 2018; khách Việt Nam đến Hàn Quốc đạt 550 nghìn lượt người, tăng 21,9%. Lượng khách Hàn Quốc tới Việt Nam giai đoạn 2020 - 2021 giảm do tác động của dịch COVID-19 song đang tăng trở lại từ đầu năm 2022.
Trong lĩnh vực văn hóa - giáo dục, hai nước đã ký các hiệp định, bản ghi nhớ hợp tác văn hóa nghệ thuật, thể thao, giao lưu thanh niên, giáo dục. Hàn Quốc đã thành lập Trung tâm văn hóa Hàn Quốc tại Hà Nội (2006); ký Thỏa thuận dạy thí điểm tiếng Hàn ở cấp trung học (2016); chuyển giao tàu huấn luyện hàng hải Hannara cho Trường Đại học Hàng hải Việt Nam (2020). Việt Nam đã áp dụng chương trình giáo dục phổ thông tiếng Hàn – ngoại ngữ 1, hệ 10 năm thí điểm (từ tháng 2/2021).
Bên cạnh những lĩnh vực trên, Việt Nam và Hàn Quốc còn có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, sâu rộng trên các lĩnh vực nông nghiệp, tư pháp, khoa học kỹ thuật, giao lưu nhân dân và hợp tác địa phương.
Tất cả những hoạt động hợp tác sôi động đa dạng trên tất cả các lĩnh vực đã góp phần tạo nên một "bức tranh rực rỡ" của quan hệ hữu nghị hợp tác Việt Nam-Hàn Quốc trong 3 thập kỷ qua.
Đánh giá về bước phát triển thần kỳ trong quan hệ hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc, Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Nguyễn Vũ Tùng cho rằng, trạng thái hợp tác giữa hai nước đã chuyển từ “song trùng lợi ích” sang một mức cao hơn, đó là “lợi ích đan xen”; cộng với việc các khuôn khổ, thể chế hợp tác song phương, đa phương liên tục được củng cố, lòng tin ngày càng sâu sắc; quan hệ nhân dân ngày càng sâu đậm, quan hệ hợp tác Việt-Hàn ngày càng có cơ hội phát triển.
Diễn ra ở thời điểm có ý nghĩa hết sức to lớn, năm đầu tiên hai nước triển khai mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, nhằm phát triển hơn nữa mối quan hệ tốt đẹp đã trải qua 3 thập kỷ giữa hai nước, chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tổng thống Yoon Suk Yeol được kỳ vọng sẽ là dấu mốc quan trọng, tạo xung lực mới cho hợp tác giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực trọng yếu.