Dự án Luật được xây dựng với quan điểm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân nhưng vẫn đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; đồng thời tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong việc cấp, quản lý, kiểm soát giấy tờ xuất nhập cảnh gắn với cải cách thủ tục hành chính.
Xin ý kiến một số vấn đề trước khi thông qua tại Kỳ họp thứ 8
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì, các bộ, ngành liên quan phối hợp xây dựng dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, đảm bảo tiến độ, có chất lượng, lắng nghe, tiếp thu ý kiến tham gia của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV. Tiếp đó, tại Phiên họp lần thứ 35, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật.
Dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 lần này gồm 8 chương, 52 điều (tăng 2 chương, 12 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7), trong đó xin xin ý kiến 6 chương, 40 điều. Dự thảo Luật quy định về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về xuất nhập cảnh và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Một số vấn đề tiếp tục được xin ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, bao gồm: Về đối tượng cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ; về các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh; về thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn, hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh; quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam bảo đảm tính kết nối, liên thông, tránh trùng lặp; về trách nhiệm quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
Ban hành luật để tạo điều kiện cho người dân, gắn với cải cách hành chính
Qua tổng kết 10 năm thực hiện công tác quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam cho thấy, các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh của Chính phủ cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu thực tế, tạo điều kiện cho công dân ra nước ngoài công tác, học tập, lao động, du lịch, khám chữa bệnh, thăm thân...
Tuy nhiên, công tác quản lý hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và thủ tục cấp giấy tờ xuất nhập cảnh vẫn được thực hiện theo nghị định và các thông tư.
Đồng thời, việc ban hành luật để phù hợp với xu thế hiện nay, nhất là áp dụng sự tiến bộ của khoa học, công nghệ trong việc cấp giấy tờ, kiểm soát xuất nhập cảnh công dân ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và giảm thiểu các văn bản dưới luật để hướng dẫn thi hành; bên cạnh đó phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc tham gia.
Việc xây dựng luật còn xuất phát từ yêu cầu cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Theo báo cáo của Bộ Công an, số lượt công dân Việt Nam xuất cảnh ra nước ngoài với nhiều mục đích khác nhau ngày càng tăng (2007: 1,9 triệu; 2008: 2,6 triệu; 2010: 3,2 triệu; 2013: 6,1 triệu; 2016: 7,7 triệu; 2017: 9,2 triệu; 2018: 9,6 triệu). Để đáp ứng nhu cầu xuất cảnh của công dân, công tác quản lý xuất nhập cảnh đã liên tục được cải tiến, đơn giản hóa thủ tục.
Để đảm bảo thời hạn cấp giấy tờ xuất nhập cảnh và công dân không phải mất thời gian chờ đợi khi làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến của thế giới trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh như: máy đọc hộ chiếu tại các cửa khẩu quốc tế, khai tờ khai điện tử đề nghị cấp hộ chiếu, dán mã vạch vào giấy thông hành, cửa kiểm soát tự động…
Xuất phát từ yêu cầu áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý xuất nhập cảnh, Chính phủ đã phê duyệt Đề án sản xuất và phát hành hộ chiếu điện tử (hộ chiếu có gắn chíp điện tử). Tuy nhiên, hiện chưa có văn bản luật điều chỉnh về loại hộ chiếu này. Do đó, việc xây dựng Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam là cần thiết để tạo cơ sở pháp lý trong việc thu thập thông tin, dữ liệu, cấp, quản lý và sử dụng hộ chiếu điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong việc xuất cảnh, nhập cảnh, đặc biệt là việc áp dụng hệ thống kiểm soát xuất nhập cảnh tự động, các nước có chính sách ưu tiên trong việc cấp thị thực đối với người sử dụng hộ chiếu điện tử.
Theo quy định mới của dự Luật, người đề nghị cấp hộ chiếu có thể khai thông tin qua mạng internet. Đối với người có căn cước công dân, nếu đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông lần đầu ở trong nước thực hiện tại cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố nơi thuận tiện (quy định hiện hành, phải nộp hồ sơ tại cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố nơi thường trú hoặc tạm trú dài hạn).
Bên cạnh đó, người dân có thể trực tiếp nhận hộ chiếu hoặc lựa chọn nơi nhận hộ chiếu phù hợp, là sự thể hiện tạo thuận lợi cho công dân. Quy định rõ về trình tự, thủ tục khôi phục giá trị sử dụng của hộ chiếu phổ thông để tạo thuận lợi cho người dân, nhất là các trường hợp có thị thực của nước ngoài còn thời hạn, hộ chiếu đã được sử dụng trong các giao dịch dân sự (mở tài khoản ngân hàng; chuyển nhượng quyền sử dụng đất, ô tô...).