Đánh giá của Bộ Nội vụ cho thấy, Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức được ban hành từ năm 2008, đến nay đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện, vẫn còn nhiều vướng mắc trong thực tiễn đặt ra.
Nghị quyết 18-NQ/TW về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập đã đưa ra một số vấn đề cần nghiên cứu, sửa đổi thể chế, quy định về tổ chức, bộ máy, về cán bộ công chức, viên chức cho phù hợp với tình hình hiện nay.
Việc sửa luật nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập; đồng thời thể chế hóa Nghị quyết 18, 19 của Trung ương; định hướng và phát triển lâu dài, xây dựng đội ngũ công chức, viên chức đáp ứng được yêu cầu trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức quy định chặt hơn về chất lượng đầu vào của công chức nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ năng lực thực thi công vụ, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp.
Luật sửa đổi 4 nội dung lớn, trong đó có việc quy định viên chức làm việc theo chế độ hợp đồng có thời hạn; liên thông giữa công chức cấp xã, cấp huyện trở lên và người làm việc trong doanh nghiệp nhà nước, những người hoạt động trong các đơn vị sự nghiệp; quy định xử lý kỷ luật đối với cả cán bộ đã nghỉ hưu, nghỉ việc; tách bạch giữa công chức và viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Tại kỳ họp thứ 7, Chính phủ trình Quốc hội hai phương án. Phương án 1, tất cả các trường hợp viên chức được tuyển dụng mới sau khi Luật này có hiệu lực sẽ thực hiện ký kết hợp đồng làm việc xác định thời hạn, không ký hợp đồng không xác định thời hạn (kể cả đối với trường hợp sau khi kết thúc hợp đồng xác định thời hạn lần 2). Chính phủ ưu tiên lựa chọn phương án này.
Phương án 2, viên chức được tuyển dụng mới sau khi ký kết hợp đồng xác định thời hạn (tối đa 2 lần) sẽ ký hợp đồng không xác định thời hạn, trừ trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì khi tuyển dụng mới viên chức được ký ngay hợp đồng không xác định thời hạn.
Qua thảo luận, ý kiến của đại biểu Quốc hội cho thấy, đối với viên chức được tuyển dụng mới sau ngày Luật có hiệu lực, mỗi phương án có những ưu điểm, hạn chế riêng. Nếu đối chiếu với Nghị quyết 19-NQ/TW: Thực hiện chế độ hợp đồng viên chức có thời hạn đối với những trường hợp tuyển dụng mới (trừ các đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn), cả hai phương án này đều phù hợp với nghị quyết Trung ương, tùy theo cách hiểu khác nhau.
Phương án 1 thể chế hóa yêu cầu của nghị quyết Trung ương theo hướng viên chức tuyển dụng mới chỉ ký hợp đồng có thời hạn, có ưu điểm góp phần tạo thuận lợi để các đơn vị sự nghiệp công lập lựa chọn viên chức phù hợp với vị trí việc làm; đồng thời bảo đảm được cơ chế cạnh tranh, thúc đẩy viên chức đã được tuyển dụng phải liên tục phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Tuy nhiên, phương án này sẽ tạo ra sự không tương thích với quy định của Bộ luật Lao động hiện hành; cũng không bảo đảm tính thống nhất trong việc áp dụng chế độ, chính sách đối với viên chức được tuyển dụng trước và sau ngày Luật có hiệu lực.
Đồng thời, trong quá trình triển khai dễ phát sinh “cơ chế xin - cho” khi hết hạn của hợp đồng có thời hạn, tạo tâm lý không yên tâm cho số viên chức được tuyển dụng mới; làm giảm khả năng thu hút lao động có trình độ cao, chuyên môn nghiệp vụ giỏi vào làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập so với khối ngoài công lập.
Phương án 2 thể chế hóa nghị quyết Trung ương theo hướng thời điểm tuyển dụng ban đầu phải ký hợp đồng có thời hạn. Sau khi kết thúc hợp đồng có thời hạn, người đó đã trở thành viên chức cũ, nếu đủ điều kiện sẽ thực hiện việc ký hợp đồng phù hợp với Bộ luật Lao động.
Phương án này hoàn toàn tương thích với quy định của Bộ luật Lao động; không gây ra những xáo trộn trong triển khai thực hiện, tạo tâm lý yên tâm cho đội ngũ viên chức; tăng khả năng thu hút lao động; bảo đảm sự ổn định, thống nhất trong áp dụng chế độ đối với viên chức tuyển dụng trước và sau ngày Luật có hiệu lực.
Phương án này cũng không trái với Nghị quyết Trung ương vì Nghị quyết Trung ương không có quy định về việc bỏ chế độ hợp đồng không xác định thời hạn. Tuy nhiên, theo Phương án này, cần có giải pháp khắc phục những bất cập trong khâu đánh giá viên chức, đề cao vai trò của người lãnh đạo trong việc lựa chọn viên chức phù hợp với vị trí công việc, nếu không đáp ứng yêu cầu sẽ không được tiếp tục làm việc.
Thực tế cho thấy, với quy định về chế độ hợp đồng lao động như hiện nay, khối khu vực tư (bệnh viện tư, trường học dân lập, tư thục...) vẫn đang thực hiện có hiệu quả. Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nghiêng về Phương án 2.
Theo Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân, dự luật lần này đặt vấn đề tách bạch giữa công chức và viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập và cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập từ cấp tỉnh trở lên hoặc các đơn vị trực thuộc bộ, ngành Trung ương sẽ là viên chức. Người được cử đại diện tham gia quản lý trong các doanh nghiệp nhà nước sẽ được tách biệt giữa quản lý nhà nước với quản trị kinh doanh. Với đơn vị sự nghiệp cơ bản phục vụ cho nhiệm vụ chính trị và quản lý nhà nước, lãnh đạo đơn vị này vẫn là công chức.
Đặc biệt, dự thảo Luật quy định liên thông giữa công chức cấp xã, cấp huyện trở lên và người làm việc trong doanh nghiệp nhà nước, những người hoạt động trong các đơn vị sự nghiệp, nếu đủ điều kiện là công chức thì khi chuyển đổi công tác từ đơn vị sự nghiệp công lập, các doanh nghiệp nhà nước về cơ quan hành chính nhà nước không phải thi vào công chức. Người trước đây đã là công chức, được biệt phái hoặc chuyển công tác, khi quay trở lại vẫn là công chức, không cần phải thi tuyển lại.
Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, theo quy định của pháp luật hiện hành, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã có nhiệm vụ, yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ cũng như chế độ tuyển dụng, quản lý, sử dụng khác với đội ngũ cán bộ, công chức cấp huyện trở lên và hiện có khoảng 22 vạn người, trong đó có khoảng 9,5 vạn chưa có trình độ đại học.
Từ trước đến nay, cán bộ, công chức cấp xã luôn được điều chỉnh bằng các quy định tách bạch với đội ngũ cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên. Trong Luật Cán bộ, công chức hiện hành, tại Điều 4 cùng với khái niệm “công chức” (khoản 2), cũng đã làm rõ khái niệm “cán bộ, công chức cấp xã” (khoản 3) và quy định cụ thể về cán bộ, công chức cấp xã tại Chương V.
Việc liên thông vẫn thực hiện được bằng quy định cho phép “tiếp nhận” đối với “cán bộ, công chức cấp xã” vào làm việc ở bộ máy cơ quan nhà nước cấp huyện trở lên trong dự thảo Luật (khoản 5 Điều 1 của dự thảo Luật - sửa đổi Điều 37 của Luật Cán bộ, công chức).
Việc quy định thống nhất đội ngũ cán bộ, công chức từ cấp xã đến Trung ương là vấn đề rất lớn, để thực hiện được cần phải đánh giá tác động kỹ lưỡng và có lộ trình phù hợp. Nếu thống nhất quy định về cán bộ, công chức các cấp sẽ đặt ra rất nhiều vấn đề chưa giải quyết ngay được.
Do đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện các quy định của văn bản dưới luật về chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã; đồng thời, nghiên cứu ý kiến của đại biểu Quốc hội và có đề xuất cụ thể về việc thống nhất quản lý công chức các cấp khi sửa đổi toàn diện Luật này.