Cùng dự có: Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng; đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công Thương và Văn phòng Chính phủ.
Báo cáo đánh giá của Văn phòng Chính phủ về tình hình, kết quả công tác kiểm soát thủ tục hành chính và bảo đảm thông tin phục vụ chỉ đạo điều hành của Bộ Công Thương từ năm 2021 đến nay, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ cho biết một số kết quả, cũng như hạn chế, yếu kém trong công tác này tại Bộ Công Thương. Theo số liệu trên Cổng Dịch vụ quốc gia, Bộ Công Thương đã cập nhật 15 quyết định công bố, ban hành mới 14 thủ tục hành chính, sửa đổi, bổ sung 63 thủ tục hành chính, bãi bỏ 6 thủ tục hành chính. Như vậy, số lượng thủ tục hành chính của Bộ Công Thương công bố trên Cơ sở dữ liệu quốc gia trong giai đoạn từ 2021 đến nay tăng lên 8 thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, một số Quyết định công bố thủ tục hành chính của Bộ chưa công khai kịp thời trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính. Ông Ngô Hải Phan lấy ví dụ: Quyết định số 2544/QĐ-BCT ký ngày 28/11/2022 lĩnh vực hóa chất, đến ngày 23/2/2023 mới công khai; Quyết định số 3025/QĐ-BCT ký ngày 30/12/2023 lĩnh vực xuất nhập khẩu, đến ngày 18/4/2023 mới công khai; Quyết định số 3030/QĐ-BCT ký ngày 30/12/2022 lĩnh vực năng lượng, đến ngày 14/4/2023 mới công khai… Bên cạnh đó, nội dung thủ tục hành chính được công khai chưa đầy đủ, chính xác; có 42 thủ tục hành chính công khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia chưa bảo đảm đúng theo các văn bản hiện hành.
Số lượng quyết định công bố và thủ tục hành chính được công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính còn chưa khớp với số liệu trong báo cáo kiểm soát thủ tục hành chính quý I/2023 của Bộ. Theo báo cáo, Bộ đã ban hành 3 quyết định công bố, công khai 29 thủ tục hành chính, tuy nhiên trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, Bộ mới cập nhật 2 quyết định công bố, công khai 22 thủ tục hành chính.
Về rà soát, đánh giá và cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, năm 2021, Bộ thông qua phương án đơn giản hóa 48 thủ tục hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh khí, kinh doanh xăng dầu, hóa chất, quản lý cạnh tranh; năm 2022, thông qua phương án đơn giản hóa 19 thủ tục hành chính trong lĩnh vực dịch vụ thương mại, thương mại quốc tế, quản lý cạnh tranh); năm 2023, đang thực hiện rà soát theo Kế hoạch số 3027/QĐ-BCT ngày 30/12/2022, trong đó, dự kiến rà soát 24 thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, Bộ còn chậm triển khai các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính đã được Bộ thông qua; chưa hoàn thành thực thi các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Công Thương tại Nghị quyết 100/NQ-CP ngày 6/10/2017. Hiện Bộ mới thực thi 36/67 thủ tục hành chính, đạt 53,73%, còn 31 thủ tục hành chính chưa được thực thi, trên các lĩnh vực: Vật liệu nổ công nghiệp, thương mại quốc tế….
Về kết quả triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính và thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, ông Ngô Hải Phan cho biết, Bộ Công Thương đã ban hành đầy đủ các văn bản chỉ đạo, kế hoạch triển khai các nhiệm vụ được giao tại Đề án đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo Quyết định 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó, tổ chức bộ phận một cửa tập trung, chuyên nghiệp tại Văn phòng Bộ; tiến hành hợp nhất Cổng dịch vụ công, Hệ thống một cửa điện tử của Bộ Công Thương thành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Bộ Công Thương. Đến nay, đã có 129 dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Tuy nhiên, ông Ngô Hải Phan nêu rõ, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia còn thấp, mới đạt 42,6%, tương đương 129/303 dịch vụ thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ.
Bộ cũng chưa thực hiện rà soát, chuẩn hóa, điện tử hóa mẫu đơn tờ khai theo hướng cắt giảm tối thiểu 20% thông tin phải khai báo trên cơ sở tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 131/NQ-CP ngày 6/10/2022. Bên cạnh đó, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ dichvucong.moit.gov.vn) chưa hoàn thành chức năng số hóa, Kho quản lý dữ liệu điện tử, chưa công khai kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo thời gian thực để đáp ứng yêu cầu tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP, Nghị định số 107/2021/ND-CP.
Về kết quả triển khai cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, Bộ Công Thương đã cập nhật, công khai 1.443 quy định kinh doanh trên cơ sở dữ liệu của Cổng Tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh, trong đó có 449 thủ tục hành chính, 48 tiêu chuẩn, quy chuẩn, 206 yêu cầu, điều kiện, 179 chế độ báo cáo, 561 mặt hàng kiểm tra chuyên ngành.
Báo cáo đánh giá Chỉ số chi phí tuân thủ thủ tục hành chính – APCI 2022 do Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ thực hiện với sự hỗ trợ của Dự án hỗ trợ kỹ thuật Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME/USAID) cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn nộp hồ sơ bằng phương thức trực tuyến của thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực công thương đã tăng gần gấp đôi (9%) so với tỷ lệ tương ứng của APCI 2021 (5,4%). Kết quả này thể hiện được phần nào sự nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước về giấy phép, chứng chỉ hành nghề, điều kiện kinh doanh trong việc điện tử hóa thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, Báo cáo cũng chỉ ra, doanh nghiệp mất nhiều chi phí để tiến hành đào tạo, tập huấn, khám sức khỏe cho người lao động (chi phí được tính theo số người lao động). Thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm do Sở Công Thương thực hiện có ghi nhận trường hợp doanh nghiệp đã tổ chức khám sức khỏe cho 30 người lao động (đã được tự tập huấn tại cơ sở) với phí khám sức khoẻ 1,5 triệu đồng/người.
Về tình hình, kết quả triển khai việc đảm bảo thông tin phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ, qua Hệ thống phần mềm theo dõi nhiệm vụ, Bộ Công Thương chưa áp dụng chữ ký số cá nhân trong gửi, nhận văn bản điện tử và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng. Bộ cũng chưa triển khai Hệ thống thông tin báo cáo để cung cấp các thông tin, dữ liệu điện tử đối với 3 chế độ báo cáo theo quy định phải định kỳ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.
Tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng và đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ đã giải trình một số nội dung trong công tác kiểm soát thủ tục hành chính và bảo đảm thông tin phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đồng thời đề xuất một số giải pháp khắc phục hạn chế thời gian tới. Theo đó, Bộ Công Thương đã đề xuất tới Văn phòng Chính phủ và 3 Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông trong đó, nhấn mạnh đến một số nội dung cụ thể trong đó có nhu cầu khai thác, chia sẻ thông tin, dữ liệu với hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các đơn vị trên.
Kết luận cuộc làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn ghi nhận những nỗ lực của Bộ Công Thương thời gian qua; đề nghị thời gian tới, Bộ cần đẩy mạnh cải cách, kiểm soát thủ tục hành chính; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; hoàn thành thực thi các phương án cải cách đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt bảo đảm tiến độ, chất lượng đề ra; tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa mạnh các thủ tục hành chính nội bộ để nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong hoạt động của ngành Công Thương theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 493/TTg-KSTT ngày 1/6/2023.
Đồng thời, tích cực thực hiện tham vấn các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về quy định kinh doanh; cập nhật đầy đủ, chính xác, kịp thời các quy định trên Cổng Tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, Bộ trưởng Trần Văn Sơn yêu cầu Bộ tập trung thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; nâng cao tỷ lệ, chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo hướng lấy người dùng làm trung tâm, tránh hình thức, không thực chất, không hiệu quả; tập trung rà soát, tái cấu trúc quy trình, tăng cường phân cấp, ủy quyền, gắn với phân bổ nguồn lực hợp lý trong thực hiện thủ tục hành chính.
Bộ trưởng cũng đề nghị Bộ Công Thương đổi mới mạnh mẽ phương thức chỉ đạo, điều hành; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định, yêu cầu về gửi, nhận văn bản điện tử và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử; khẩn trương triển khai việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao đảm bảo hiệu quả, đúng tiến độ.
Đồng thời, thực hiện đánh giá, giám sát chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23/6/2023 (đánh giá dựa trên dữ liệu theo thời gian thực); nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; định kỳ hàng tháng công khai danh sách cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức chậm muộn, nhũng nhiễu, tiêu cực và thực hiện báo cáo giải trình của người đứng đầu, xin lỗi cá nhân, tổ chức khi để xảy ra chậm muộn, nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết thủ tục hành chính theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 131/NQ-CP ngày 6/10/2022.
Bộ trưởng Trần Văn Sơn cũng đề nghị Bộ Công Thương cùng các đơn vị đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, huy động và tạo đồng thuận xã hội tham gia vào quá trình cải cách và chuyển đổi số ngành Công Thương.