Phát biểu khai mạc, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam Nguyễn Văn Nguyên cho biết, 2 nhiệm vụ lập hồ sơ đề án Luật Khoáng sản (sửa đổi) và Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản giai đoạn 2021- 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được hoàn thành sẽ là cơ sở pháp lý chắc chắn để giúp ngành phát triển bền vững, đúng với phạm vi và tầm vóc của ngành. Đó là khơi dậy giá trị tài nguyên không chỉ khoáng sản mà toàn bộ giá trị tài nguyên địa chất đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh đất nước, giúp cho việc quản lý tài nguyên địa chất đa dạng, đầy đủ hơn...
Bên cạnh công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, công tác về quản lý khoáng sản, thanh, kiểm tra cũng đạt được nhiều kết quả nổi bật. Theo đó, công tác quản lý khoáng sản, kinh tế địa chất - khoáng sản từ việc cấp phép thăm dò, khai thác đến công tác thanh tra, kiểm tra có nhiều tiến bộ và đổi mới. Việc này đã góp phần khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế, công nghệ khai thác hiện đại bảo đảm bảo vệ môi trường, giữ vững an ninh quốc phòng, sử dụng hiệu quả hợp lý tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, hài hòa lợi ích của người dân nơi có mỏ, dần loại bỏ cơ chế xin – cho.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam Nguyễn Văn Nguyên, ngày 22/9/2022, Chính phủ đã ký Nghị định số 68/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trước yêu cầu của thực tiễn, trong thời gian tới, ngành địa chất Việt Nam cần tập trung hoàn thành nhiệm vụ lập Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ngành phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành, lĩnh vực có liên quan xây dựng dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản trình Quốc hội xem xét ban hành trong năm 2024. Các đơn vị chức năng tiếp tục xây dựng, đổi mới ngành địa chất có năng lực chuyên môn, công nghệ hiện đại, nhằm điều tra, đánh giá, thăm dò các loại tài nguyên trong lòng đất, lòng biển đạt hiệu quả, chất lượng cao; tăng cường hiệu quả thi công các đề án mỏ tại thực địa và văn phòng...
Công tác đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên môn kỹ thuật có trình độ cao cần được đẩy mạnh; xây dựng chính sách hợp lý nhằm thu hút lực lượng lao động trẻ, tạo một đội ngũ cán bộ kế cận có năng lực, trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của ngành. Toàn ngành đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ tiến bộ khoa học - kỹ thuật tiên tiến, áp dụng sáng tạo vào lĩnh vực điều tra, đánh giá, thăm dò và chế biến, quản lý hoạt động khoáng sản.
Tiến sỹ Hoàng Văn Khoa, Phó Chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt Nam cho rằng, công tác tư vấn phản biện cũng là hoạt động quan trọng. Tổng hội đã tham gia tư vấn phản biện trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản, tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, đào tạo và chính sách quản lý, khai thác, chế biến khoáng sản. Hiện, nhiều chuyên gia của Tổng hội được Hội đồng thẩm định cấp Quốc gia mời là tư vấn phản biện chính cho 2 dự án quan trọng là Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng; dự án Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại, nhóm khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 do Bộ Công thương, Bộ xây dựng chủ trì...