Tránh tình trạng khen thưởng đại trà
Hiện nay các tổ chức trong hệ thống chính trị đều tổ chức các phong trào thi đua, khen thưởng, qua đó, động viên sự tham gia của cán bộ, hội viên, tình nguyện viên và nhân dân.
Điểm mới của dự thảo Luật trình Quốc hội lần này là cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu, thống nhất đề nghị bổ sung “xã tiêu biểu”, “phường, thị trấn tiêu biểu” là những danh hiệu tổng hợp kết quả phong trào thi đua ở cấp xã và đổi tên, điều chỉnh một số tiêu chuẩn danh hiệu “thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố văn hóa”, “gia đình văn hóa” thành danh hiệu “thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố tiêu biểu”, “gia đình tiêu biểu” để thống nhất hệ thống danh hiệu thi đua ở cơ sở và cho gia đình.
Nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, danh hiệu “gia đình văn hóa”, “thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố văn hóa” đã gắn bó và gắn liền với niềm tự hào của rất nhiều gia đình, thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố trên khắp mọi miền cả nước trong hàng chục năm qua. Việc đổi tên danh hiệu thi đua đối với gia đình, thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố cần được nghiên cứu sâu sắc, đầy đủ; làm rõ cơ sở của việc đổi tên, nội hàm, phạm vi, tính chất và cấp độ của danh hiệu “tiêu biểu”.
Đặc biệt, cần làm rõ mối quan hệ giữa danh hiệu thi đua “gia đình tiêu biểu” và “gia đình gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có đóng góp lớn về công sức, đất đai và tài sản cho địa phương, xã hội” - đối tượng được bổ sung hình thức khen thưởng “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” trong dự thảo Luật, nhằm bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống danh hiệu thi đua, khen thưởng ở cơ sở.
ĐBQH Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) cho rằng, việc đổi tên và điều chỉnh một số tiêu chuẩn danh hiệu thi đua ở cơ sở có giá trị nhất định trong việc ghi nhận các kết quả phấn đấu, thi đua của các gia đình, thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố… Song thực tế cho thấy, việc trao tặng danh hiệu “gia đình văn hóa”, “thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố văn hóa” thời gian qua diễn ra quá phổ biến, đại trà.
Chính vì vậy, trên cơ sở tán thành với việc đổi tên danh hiệu này, đại biểu Ngô Trung Thành đề nghị cần “siết” lại các tiêu chuẩn của danh hiệu thi đua này, để “khen thực sự là khen” và đối tượng được khen tặng danh hiệu này thực sự cảm thấy trân trọng danh hiệu thi đua, khen thưởng.
ĐBQH Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) cho rằng, một số quy định về thẩm quyền xét tặng danh hiệu thi đua và khen thưởng còn bất cập, phát sinh các hình thức khen thưởng của nhiều ngành, nhiều cấp khiến cho phong trào thi đua, khen thưởng vừa mang tính hình thức, gây tốn kém và phát sinh tiêu cực, thậm chí có hiện tượng “chạy” danh hiệu thi đua từ thấp lên cao trong một số cơ quan, đơn vị…
Theo các ĐBQH, để khắc phục những hạn chế này, ngoài quy định về thẩm quyền, dự thảo Luật cần quy định rõ thẩm quyền của các bộ, ban, ngành cũng như các tổ chức, đoàn thể trong thực hiện các hình thức khen thưởng đối với các hoạt động, vận động phong trào thi đua. Đồng thời, quy định cụ thể hơn các điều kiện, tiêu chuẩn để khen thưởng, bảo đảm có tính định lượng, khen thưởng trúng thành tích, khen thưởng kịp thời.
ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng, không phải do quy định của Luật mà chủ yếu do khâu tổ chức thực hiện, liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, bộ, ngành, địa phương. Do đó, cần tiếp tục rà soát, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu để tạo chuyển biến tích cực hơn trong công tác thi đua, khen thưởng.
Thực tế cũng cho thấy, nhiều trường hợp được khen thưởng nhưng chưa thực sự tiêu biểu, nhiều trường hợp thực sự tiêu biểu thì lại chưa được khen thưởng. Công tác phát hiện và khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân lập được thành tích đột xuất chưa kịp thời. Luật hiện hành quy định các hình thức khen thưởng cấp nhà nước và các hình thức khác thuộc thẩm quyền của các cấp, các ngành. Tuy nhiên, trên thực tế việc quy định thẩm quyền khen thưởng, phân cấp, phân quyền trong khen thưởng chưa đầy đủ, chưa tạo sự chủ động cho các cấp, các ngành nên chưa bao quát được hết các khu vực, đối tượng…
Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng
ĐBQH Thái Quỳnh Mai Dung (Vĩnh Phúc) đề xuất, dự thảo Luật nên có sự đổi mới để khen thưởng đúng người, tránh tình trạng cuối năm có đơn vị hành chính "luân phiên nhau" nhận giấy khen, bằng khen nên không khuyến khích được cá nhân tích cực, cống hiến cho công việc.
Với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt là phải bảo đảm mối quan hệ giữa thi đua và khen thưởng, vừa thể hiện kết quả của thi đua là cơ sở để khen thưởng và ngược lại, khen thưởng để thúc đẩy phong trào thi đua, các ĐBQH nhấn mạnh, dự thảo Luật cần khắc phục cơ bản những hạn chế, vướng mắc của Luật hiện hành. Đồng thời, tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng theo hướng thực chất, thực sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của từng bộ, ngành, địa phương và của đất nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Việc bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” là nội dung được các đại biểu quan tâm. ĐBQH Nguyễn Hải Hưng (Hải Dương), cho rằng việc trao tặng cho lực lượng này danh hiệu là cần thiết bởi những đóng góp của lực lượng thanh niên xung phong rất quan trọng.
“Trước đây, chúng ta huy động lực lượng này để đảm bảo các nhiệm vụ trên chiến trường trong tình hình khó khăn, gian khổ. Họ luôn cố gắng, thậm chí hy sinh để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, đại biểu Nguyễn Hải Hưng nêu rõ. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước quan tâm đến vấn đề này và có chính sách cụ thể.
Theo một số ĐBQH, lực lượng thanh niên xung phong đã được nhân rộng như hiện nay chính là đội ngũ thanh niên tình nguyện. Đại biểu đồng tình cao với Bộ Nội vụ khi có sự đánh giá tác động kỹ lưỡng, nhiều mặt, trong đó liên quan đến nguồn ngân sách thực hiện vấn đề này.
Về các tập thể, cá nhân có cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc như anh hùng có công, đại biểu Nguyễn Hải Hưng đề nghị rà soát, bổ sung vào các văn bản luật…, cần bao phủ phần lớn các đối tượng được tôn vinh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Đa số ý kiến đề nghị không quy định “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” trong dự thảo Luật vì đã có những hình thức khen thưởng chung đối với những người tham gia kháng chiến (Bằng khen, Huy chương kháng chiến, Huân chương kháng chiến…) trong đó bao gồm cả lực lượng thanh niên xung phong nếu đáp ứng đủ các điều kiện tiêu chuẩn của từng hình thức khen thưởng theo quy định của pháp luật.
Một số ĐBQH đề nghị việc bổ sung một hình thức khen thưởng riêng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” như dự thảo Luật cần cân nhắc vì: Chưa bảo đảm nguyên tắc không tặng thưởng nhiều hình thức cho một thành tích đạt được, tính công bằng trong việc khen thưởng các lực lượng khác tham gia kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; công bằng với các hình thức khen thưởng huy chương khác và các lực lượng khác đã đóng góp trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nhưng chưa có hình thức khen thưởng tương tự. Vấn đề này còn nhiều ý kiến khác nhau, bao gồm cả tính khả thi khi thực hiện chính sách.
Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng đã sửa đổi khá toàn diện so với Luật hiện hành, với 94 điều nhằm khắc phục những bất cập của các quy định hiện hành và đổi mới công tác thi đua, khen thưởng.