Tăng mức độ công khai việc kê khai tài sản

Trong chín giải pháp phòng chống tham nhũng, kê khai tài sản nằm trong nhóm giải pháp có hiệu quả thấp nhất. Vì thế, Chính phủ đã giao cho Thanh tra Chính phủ (TTCP) nghiên cứu để tăng cường tính hiệu quả của giải pháp này. Hiện, có ý kiến cho rằng nên thu hẹp đối tượng kê khai đồng thời tăng mức độ công khai.

Thông tin trên được ông Trần Đức Lượng, Phó Tổng TTCP đưa ra tại cuộc họp báo quý III của ngành diễn ra ngày 23/10.

Hai Phó Tổng Thanh tra Chính phủ: Trần Đức Lượng và Ngô Văn Khánh chủ trì cuộc họp báo.


Theo báo cáo của TTCP trước Quốc hội, năm 2013 có gần 1 triệu người đã kê khai tài sản thu nhập. Trong số đó, có năm người thuộc diện kê khai phải xác minh tài sản thu nhập và một người bị xử lý kỷ luật. Đánh giá về con số này, ông Phí Ngọc Tuyển, Phó Cục trưởng Cục phòng chống tham nhũng (TTCP) khẳng định: “Con số này chưa thể coi là trung thực”.

Theo ông Tuyển, vấn đề trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập đã được đặt ra xuyên suốt trong quá trình thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập. Từ năm 2007 đến nay, các quy định về kê khai đã được nhiều lần sửa đổi và câu chuyện giải quyết bài toán làm sao kê khai trung thực, khách quan luôn được TTCP đặt ra để tìm giải pháp thực hiện.

Về hiệu quả của biện pháp kê khai tài sản, thu nhập trong phòng chống tham nhũng, ông Tuyển cho biết, vấn đề này đã được Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo yêu cầu đánh giá. “Hiện nay có chín giải pháp để phòng ngừa tham nhũng. Qua rà soát, chúng tôi chia thành ba nhóm: nhóm có hiệu quả, nhóm có hiệu quả trung bình và nhóm hiệu quả không cao thì giải pháp kê khai tài sản nằm trong nhóm ba", Phó Cục trưởng Cục phòng chống tham nhũng nhấn mạnh.

Phó Tổng TTCP Trần Đức Lượng cho biết thêm, giải pháp kê khai tài sản được nhiều nước áp dụng. Ở Việt Nam, việc kê khai tài sản không phải vấn đề mới đối với cán bộ, công chức. Từ lâu, cán bộ công chức khi kê khai lí lịch có mục hoàn cảnh kinh tế chính là kê khai tài sản. Đến Pháp lệnh Phòng, chống tham nhũng năm 1998 đã xác định rõ đối tượng, chủ thể, nội dung và quản lí kê khai thế nào. Luật Phòng, chống tham nhũng có thêm việc xác minh có điều kiện. Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi năm 2012 tiến thêm một bước nữa là công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai ở cơ quan, tổ chức, cấp ủy, chi bộ mà mình công tác.

“Kinh nghiệm thế giới họ cũng làm từng bước như vậy. Các chuyên gia đánh giá bước đi của Việt Nam là nhanh nhưng vấn đề là tổ chức thực hiện. Vì nhiều người kê khai nên việc tổng hợp, quản lí khó khăn. Do đó đã có ý kiến khuyến nghị thu hẹp đối tượng kê khai và công khai rộng rãi hơn”, Phó Tổng TTCP Nguyễn Đức Lượng phân tích.

Theo lãnh đạo TTCP, vì kê khai tài sản thuộc nhóm có hiệu quả thấp nên Chính phủ đã giao cho cơ quan này tiếp tục nghiên cứu để tăng cường tính hiệu quả của giải pháp này. “Bộ Chính trị đã có chỉ thị 33 tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai tài sản và kiểm soát việc kê khai tài sản. Năm 2014, TTCP chỉ đạo đơn vị chuyên môn kiểm tra đánh giá việc thực hiện chỉ thị của Đảng cũng như pháp lệnh của Nhà nước một cách sát sao hơn để nâng cao hiệu quả”, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho biết.


Thu Phương

Chỉ thị của Bộ Chính trị về kê khai tài sản

Ngày 3/1/2014, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 33- CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN