Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương; UBND các tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trong toàn quốc; đại diện một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ghi nhận những kết quả ngành lâm nghiệp đạt được trong thời gian qua, nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác bảo vệ và phát triển rừng; chỉ rõ những hạn chế, tồn tại và đề nghị ngành lâm nghiệp cùng các địa phương thực hiện tốt các giải pháp nhằm hoàn thành các chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 – 2020.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh cần tăng cường quản lý quy hoạch rừng và đất lâm nghiệp; thực hiện xã hội hóa, đa dạng hóa trong huy động các nguồn vốn để triển khai thực hiện chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững; hoàn thiện cơ chế chính sách về bảo vệ và phát triển rừng; chú trọng công tác nghiên cứu khoa học công nghệ trên lĩnh vực lâm nghiệp, phát triển nguồn lực, hợp tác và xúc tiến thương mại trong lĩnh vực lâm nghiệp; tuyên truyền về giá trị kinh tế xã hội, môi trường, an ninh quốc phòng của rừng, nâng cao ý thức bảo vệ rừng của người dân…
Mục tiêu chung được xác định là nâng cao năng suất, chất lượng và phát huy giá trị của từng loại rừng, tăng giá trị rừng sản xuất trên đơn vị diện tích; góp phần đáp ứng các yêu cầu về giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; tạo việc làm, thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng gắn với tiến trình xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn 2011 – 2016 giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng trưởng nhanh, đạt bình quân 6,57%/năm; tỷ lệ che phủ rừng tăng từ 39,7% năm 2011 lên 41,19% năm 2016; giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản tăng gấp hơn 2 lần trong vòng 5 năm, từ bình quân 2,8 tỷ USD/năm giai đoạn 2006 – 2010 lên bình quân 6,52 tỷ USD/năm giai đoạn từ 2011 – 2015 (riêng năm 2016 đạt 7,3 tỷ USD); bình quân hàng năm cả nước thu được trên 1.200 tỷ đồng từ dịch vụ môi trường rừng.
Giai đoạn này, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ, phát triển rừng và quản lý lâm sản giảm cả về số vụ và mức độ thiệt hại (số vụ vi phạm giảm từ 39.165 vụ/năm giai đoạn 2006 – 2010 xuống còn 26.205 vụ/năm giai đoạn 2011 – 2016). Đến nay có khoảng 1,2 triệu hộ gia đình với gần 5 triệu lao động tham gia các hoạt động quản lý, bảo vệ rừng, sản xuất kinh doanh lâm nghiệp, đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất lâm nghiệp cho thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm…
Tại hội nghị, các đại biểu đã trình bày nhiều tham luận, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, những kết quả đạt được trong thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng gắn với tái cơ cấu ngành lâm nghiệp.
Theo đó, tồn tại nổi lên vẫn là công tác bảo vệ và phát triển rừng, còn những điểm nóng về phá rừng, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép và chống người thi hành công vụ; kết quả trồng rừng phòng hộ, đặc dụng, trồng rừng thay thế còn thấp, chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch; đóng góp của ngành lâm nghiệp đối với phát triển kinh tế quốc dân chưa tương xứng với tiềm năng, năng suất trồng rừng thấp so với các nước trong khu vực, sản phẩm chủ yếu là gỗ nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu gỗ cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu; việc bố trí hiện trường trồng rừng ven biển gặp nhiều khó khăn.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do nhận thức của một số địa phương chưa đầy đủ; chế tài chưa đủ mạnh để ngăn chặn tình trạng phá rừng trái pháp luật; công tác quy hoạch, sử dụng đất lâm nghiệp tại một số địa phương còn nhiều bất cập, chưa sát với thực tế; công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ còn bất cập, nghiên cứu chưa bám sát với thực tiễn; cơ chế, chính sách trong lĩnh vực lâm nghiệp thiếu đồng bộ, chưa đủ tạo phát triển đột phá.