Tăng cường quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước thành viên Pháp ngữ

Ngày 16/11, tại Hà Nội, Học viện Ngoại giao và Vụ Tổ chức Quốc tế, Bộ Ngoại giao phối hợp với Văn phòng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ tại Hà Nội tổ chức Hội thảo “Hai mươi năm Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ VII tại Việt Nam (1997-2017): Ký ức và triển vọng”.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc phát biểu khai mạc. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc nhấn mạnh, hai mươi năm đã qua với 84 nhà nước và chính phủ thành viên, chiếm 20% trao đổi thương mại và 13% GDP thế giới, Pháp ngữ đang hướng đến là tổ chức quốc tế có quy mô và tầm ảnh hưởng chỉ sau Liên hợp quốc, tham gia và có nhiều đóng góp đáng kể trong việc thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ, giải quyết các vấn đề của khu vực và thế giới, nhất là trong lĩnh vực xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, mức sống của người dân, bảo vệ môi trường, thúc đẩy bình đẳng giới, bảo vệ, chăm sóc trẻ em…

Trong bối cảnh tình hình chính trị, an ninh trên thế giới và trong không gian Pháp ngữ diễn biến phức tạp, Cộng đồng Pháp ngữ tiếp tục khẳng định vai trò và đóng góp hiệu quả vào các hoạt ngăn ngừa, giải quyết xung đột, khủng hoảng, bất ổn chính trị và chống khủng bố tại các nước thành viên, góp phần duy trì hòa bình và ổn định trong không gian pháp ngữ và trên thế giới.

Thứ trưởng Hà Kim Ngọc cho biết, là thành viên tích cực của Cộng đồng Pháp ngữ, Việt Nam đã chủ động tham gia vào việc triển khai các chiến lược và chương trình hợp tác của Cộng đồng và có nhiều nỗ lực đóng góp thiết thực vào sự phát triển chung của Cộng đồng, tăng cường sự hiện diện của pháp ngữ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Cũng theo Thứ trưởng Hà Kim Ngọc, thông qua hợp tác Pháp ngữ, Việt Nam có thêm cơ hội triển khai chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế, tranh thủ các nguồn lực cho phát triển đất nước. Hợp tác Pháp ngữ đã giúp tạo mẫu số chung, tăng cường quan hệ giữa Việt Nam với các nước thành viên chủ chốt trong Pháp ngữ như: Pháp, Canada, Bỉ và nhiều nước ở khu vực châu phi, châu Á - Thái Bình Dương…

Sự gắn kết Pháp ngữ và Việt Nam chính là sự chia sẻ những giá trị nhân văn chung, cam kết thúc đẩy đối thoại giữa các nền văn hóa, văn minh, mong muốn tạo dựng quan hệ gần gũi giữa các dân tộc thông qua hiểu biết lẫn nhau, tăng cường hợp tác đa phương nhằm tạo điều kiện cho các nền kinh tế phát triển.

Ông Eric-Normand Thibeault, Giám đốc Văn phòng Khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Văn Điệp /TTXVN

Giám đốc văn phòng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ, ông Eric-Normand Thibeault nhấn mạnh, năm 1997 Hội nghị Cấp cao 7 được tổ chức tại Hà Nội là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Pháp ngữ về mặt thể chế với việc thông qua Hiến chương và bầu ra Tổng Thư ký đầu tiên của Pháp ngữ.

Đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy các hoạt động của cộng đồng Pháp ngữ thời gian qua, ông Eric-Normand Thibeault cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục nâng cao đào tạo, giảng dạy tiếng Pháp trong các trường đại học, góp phần tạo công ăn việc làm, thực hiện chính sách khuyến khích mọi người sử dụng ngoại ngữ trong đó có tiếng Pháp. Điều đó góp phần quan trọng trong việc đa dạng hóa ngôn ngữ, văn hóa giữa các dân tộc trên thế giới.


Ông Eric-Normand Thibeault chia sẻ, Nhóm Đại sứ các nước Pháp ngữ đã được thành lập tại một số thủ đô của các nước trong khu vực. Đây chính là cầu nối giữa các nước Pháp ngữ với nước sở tại rất hiệu quả, nhằm thúc đẩy đa dạng ngôn ngữ giữa các nước nói tiếng Pháp. Ông Eric-Normand Thibeault nhấn mạnh, Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ tiếp tục đồng hành cùng với các ngôn ngữ khác trong hệ thống giáo dục của Việt Nam thúc đẩy sự đa dạng về ngôn ngữ và văn hóa, tăng cường hợp tác kinh tế.

Bày tỏ vui mừng được tham dự hội thảo lần này, bà Jehanne Roccas, Đại sứ Vương quốc Bỉ tại Việt Nam, Chủ tịch Nhóm các Đại sứ các nước thành viên Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ tại Hà Nội cho rằng, Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ không chỉ là công cụ để hỗ trợ cộng đồng Pháp ngữ về ngôn ngữ, đa dạng văn hóa mà còn là tác nhân để thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững có sự chia sẻ giữa các nước thành viên và góp phần phát triển hiệu quả trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, hợp tác phát triển, giáo dục…

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận nhiều nội dung liên quan: Pháp ngữ ở châu Á-Thái Bình Dương từ sau Hội nghị Cấp cao Hà Nội 1977 và những thách thức trong tương lai; Pháp ngữ và tương lai của ngoại giao đa phương; nghiên cứu việc giảng dạy tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp tại châu Á...

Nguyễn Hồng Điệp (TTXVN)
Việt Nam tham dự diễn đàn giáo dục đại học và nghiên cứu Pháp ngữ
Việt Nam tham dự diễn đàn giáo dục đại học và nghiên cứu Pháp ngữ

Ngày 4/4, Hội nghị hiệu trưởng các trường đại học khối Pháp ngữ tại Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 12 (CONFRASIE) đã khai mạc tại trường Đại học Rangit ở thủ đô Bangkok, Thái Lan, với chủ đề trọng tâm "Đại học tại Châu Á - Thái Bình Dương: hôm nay và ngày mai".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN