Chủ đề của tuần Pháp ngữ năm nay là “Tiếng Pháp tại châu Á” với nhiều hoạt động phong phú trong đó có các cuộc hội thảo, tọa đàm, trưng bày... xoay quanh các vấn đề liên quan tiếng Pháp tại châu Á.
Tại cuộc hội thảo ngày 27/3 với chủ đề "Tiếng Pháp tại Việt Nam: lịch sử, văn học và ký ức" do trường Đại học tổng hợp Paul-Valéry Montpellier 3 và Hội AD@IY (Những người bạn Đà Lạt theo dấu chân Yersin) đồng tổ chức, các tham luận của đông đảo học giả, chuyên gia về ngôn ngữ và văn hóa Pháp đã thảo luận và đề cập đến nhiều góc độ của tiếng Pháp tại Việt Nam, khẳng định Việt Nam ngày càng có vai trò quan trọng trong cộng đồng các quốc gia có sử dụng tiếng Pháp và Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF).
Trong tham luận của mình, bà Imma Tor Faus, đại diện cho Tổng thư ký Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) đã trình bày về vị trí, vai trò của Việt Nam trong OIF và tình hình duy trì và phát triển tiếng Pháp ở Việt Nam. Bà Imma ghi nhận những đóng góp lớn của Việt Nam cho OIF từ khi gia nhập năm 1970, đặc biệt là việc tổ chức thành công Hội nghị cấp cao Pháp ngữ năm 1997. Tiếng Pháp ở Việt Nam góp phần thúc đẩy phát triển quan hệ kinh tế và thương mại, nhất là với châu Phi thời gian gần đây, điển hình như dự án trồng lúa ở Cameroun, xử lý chế biến hạt điều với Benin và Côte d'Ivoire, chế biến gỗ với Gabon... Vai trò ngày càng tăng của tiếng Pháp tại châu Á sẽ góp phần thúc đẩy giao lưu, chia sẻ để cùng hướng đến một thế giới tốt đẹp và nhân văn hơn.
Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn đã phát biểu nêu tổng quan sự tham gia của Việt Nam vào OIF thời gian qua, những đóng góp tích cực của Việt Nam cho khối nhân kỷ niệm 20 năm tổ chức Hội nghị cấp các Francophonie lần thứ 7 tại Hà Nội (1997). Đại sứ cũng nhấn mạnh những bước phát triển quan trọng trong quan hệ giữa việt Nam và OIF trong năm 2016, thể hiện qua chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng Thư ký OIF tháng 9/2016, việc Chủ tịch nước Trần Đại Quang tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Francophonie lần thứ 16 tại Madagascar tháng 11/2016, chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Pháp François Hollande... Đại sứ đánh giá cao những thành tựu của OIF trong nhiều lĩnh vực, nhất là trong ngăn ngừa và giải quyết các cuộc khủng hoảng, củng cố hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, thúc đẩy đa dạng văn hóa, giáo dục, bảo vệ môi trường.
Tuy vậy, khối Pháp ngữ cũng đang phải đối mặt với những thách thức ở Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung như lượng người nói tiếng Pháp còn quá ít, đa số nói tiếng Anh... Vì thế, OIF cần tiếp tục hỗ trợ việc giảng dạy tiếng Pháp, ưu tiên các lớp song ngữ, gia tăng số lượng học bổng bao gồm cả học bổng tại chỗ, hỗ trợ chương trình đào tạo công chức và các nhà ngại giao... Về kinh tế, OIF cần thúc đẩy việc hình thành hệ thống kinh tế tiếng Pháp, hỗ trợ quan hệ đối tác giữa các nước thành viên, thúc đẩy mô hình hợp tác và hợp tác đa phương trong không gian Pháp ngữ.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN, Giáo sư, Tiến sỹ Pierre Journoud, Đại học Đại học tổng hợp Paul-Valéry Montpellier 3, cho biết: "Chúng tôi đã và đang đề cập đến vấn đề tiếng Pháp tại Việt Nam từ những góc độ hết sức bao quát đến các lĩnh vực khác như địa chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, nghệ thuật... Tôi hy vọng các hoạt động của tuần Pháp ngữ sẽ khơi lại và huy động trong dân chúng Montpellier bởi nơi đây đã có sự gắn bó với Việt Nam, với người Việt Nam từ lâu. Và sự hợp tác ấy đương nhiên sẽ nuôi dưỡng những quan hệ trong khối OIF và quan hệ Việt-Pháp".
Bên lề các hoạt động của tuần Pháp ngữ tại Montpellier, sáng 28/3, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn đã có cuộc gặp gỡ, trao đổi với ông Pierre Pouessel, Tỉnh trưởng tỉnh Hérault về mối quan hệ nhiều mặt giữa tỉnh Hérault với các đối tác Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực kinh tế và giáo dục đại học.