Đa số đại biểu tán thành với việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND phường tại thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021- 2026. Các đại biểu đánh giá, nội dung của dự thảo Nghị quyết cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo Nghị quyết với hệ thống pháp luật.
Việc Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm không tổ chức HĐND phường trong năm 2019 sẽ tạo sự chủ động cho Chính phủ, chính quyền thành phố Hà Nội trong việc chuẩn bị nhân sự, tổ chức Đại hội Đảng bộ cấp phường nhiệm kỳ 2020 - 2025, tiến tới bầu cử HĐND các cấp và kiện toàn UBND phường nhiệm kỳ 2021 - 2026 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) ủng hộ chủ trương không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội và cho rằng, đây là bước đột phá quan trọng, thể hiện quyết tâm, đi đầu trong việc tinh giản biên chế của chính quyền Thủ đô. Theo đại biểu, đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị là nhiệm vụ quan trọng, luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo, với nhiều nghị quyết và các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành. Nhờ vậy, chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn đã bước đầu hình thành. Điều này càng thể hiện rõ vai trò là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, kinh tế, khoa học - công nghệ, văn hóa - xã hội của Thủ đô Hà Nội, nơi có quy mô dân số đứng thứ hai cả nước.
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cho biết: Hiến pháp quy định cấp chính quyền địa phương bao gồm cả HĐND và UBND nhưng không đề cập đến việc mỗi cấp chính quyền địa phương phải có hai cơ quan này, vì vậy không vi hiến. Theo đại biểu, chính quyền cấp phường ở Hà Nội có công việc hết sức phong phú, phức tạp, dân số đông, yêu cầu chuyên môn cao. Từ đó, đại biểu Ngọ Duy Hiểu cho rằng, cần phải có 2 phó chủ tịch UBND cấp phường mới có thể đảm bảo được công việc.
Bên cạnh đó, đại biểu đề xuất, khi thực hiện bỏ HĐND cấp phường, phải tiếp tục đề cao hoạt động giám sát, thanh kiểm tra của cấp ủy, cũng như công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể. “Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nên có văn bản hướng dẫn cụ thể đối với công tác giám sát, phản biện ở những nơi không có tổ chức HĐND phường để đáp ứng yêu cầu của nhân dân trong việc giám sát, kiểm sát quyền lực của Nhà nước”, đại biểu Ngọ Duy Hiểu nêu ý kiến.
Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên - Huế) băn khoăn, khi toàn bộ chức năng của HĐND phường được chuyển lên cấp quận sẽ có nhiều vấn đề phát sinh cần phải quan tâm. Đại biểu cũng đề nghị ở những nơi không còn HĐND thì phải tăng số lượng công chức ở phường, nhất là số lượng ủy viên UBND để đảm bảo thực hiện tốt 8 nhiệm vụ, chức năng đã được nêu rõ trong Nghị quyết của thành phố Hà Nội. Theo đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa, UBND là nơi phải giải quyết nhiều việc, vì vậy, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự phường và Trưởng công an phường phải là ủy viên UBND. Bên cạnh đó, đại biểu tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, nếu đã không còn HĐND phường thì phải bổ sung thêm một chức năng nữa cho UBND là nơi đại diện cho tiếng nói của nhân dân thay thế cho HĐND.
Lý giải về chủ trương này, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết: Việc xây dựng hệ thống chính quyền tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả là đáp ứng nhu cầu cho người dân. Trước khi xây dựng đề án, thành phố Hà Nội đã tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị để lấy ý kiến các chuyên gia, nhà luật học và khẳng định, việc thí điểm, cơ bản phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, hiến pháp và pháp luật.
"Đây là nhu cầu thực sự của các địa phương chứ không chỉ riêng thành phố Hà Nội. Phải thí điểm thì mới có đánh giá hiệu quả hay không", Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải khẳng định.
Theo thống kê của thành phố Hà Nội: Tổ chức bộ máy HĐND các cấp của thành phố Hà Nội hiện nay gồm HĐND thành phố hiện có 102 đại biểu, trong đó có 18 đại biểu chuyên trách, chiếm tỉ lệ 17,6%. Tương tự, HĐND mỗi quận, huyện, thị xã của thành phố Hà Nội có từ 30-40 đại biểu, chủ tịch HĐND quận, huyện, thị xã đồng thời kiêm bí thư quận ủy, huyện ủy hoặc thị ủy. Số lượng đại biểu HĐND mỗi phường, xã, thị trấn trong khoảng từ 25-30 đại biểu, trong đó số lượng đại biểu là cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu chiếm tương đối, số còn lại hầu hết là cán bộ, công chức đương chức của phường. Theo các đại biểu, như vậy, nếu xóa bỏ tổ chức Hội đồng nhân dân tại 177 phường trên địa bàn, thành phố Hà Nội sẽ giảm được từ 2.900 - 3.500 cán bộ HĐND cấp phường.