Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: An Đăng/TTXVN |
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, nguyên nhân của việc thực hiện quy chế dân chủ tại các cơ sở đào tạo còn hạn chế, phần nhiều do người đứng đầu đơn vị chưa thực sự quan tâm, chưa có nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của việc này.
Việc thành lập Hội đồng trường học là cần thiết để việc thực hiện quy chế dân chủ đạt hiệu quả. Hiện mới chỉ có 16/38 trường Đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý thành lập Hội đồng trường học nhưng chưa thực sự hợp lý về cơ cấu, thành phần, hoạt động còn mang tính hình thức.
Chức năng, nhiệm vụ của Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường học và Hiệu trưởng chưa phân định rõ ràng. Nhiều trường hợp có sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ của những vị trí chủ chốt này cũng là lý do khiến việc thực hiện quy chế dân chủ còn hạn chế.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, những năm qua, ngành Giáo dục Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu nhưng kết quả chưa thực sự như mong muốn. Tương lai của đất nước phụ thuộc vào giáo dục.
Việc thực hiện quy chế dân chủ trong các trường học, cơ sở đào tạo giáo dục có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Phó Thủ tướng cho rằng, ngoài trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước, lãnh đạo các cấp trong hệ thống giáo dục cần được phát huy mạnh mẽ trong việc thực hiện quy chế dân chủ trong trường học.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường cơ chế giám sát, đánh giá quá trình thực hiện cơ chế dân chủ trong hệ thống giáo dục.
Việc giám sát không được thực hiện chung chung mà phải báo cáo rõ ràng, có con số cụ thể. Giáo viên có quyền đánh giá cơ cấu, chức danh lãnh đạo cấp trên một cách dân chủ bằng cách bỏ phiếu kín. Học sinh được phép đánh giá chất lượng giáo viên thông qua các buổi học…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành văn bản yêu cầu các trường học, cơ sở đào tạo trực thuộc hệ thống giáo dục phải công khai, báo cáo minh bạch thông tin về quy chế hoạt động của trường cho các cơ quan quản lý nhà nước.
Những quy chế hoạt động đó phải được xây dựng dựa trên ý kiến của toàn bộ tập thể cán bộ, giáo viên của trường, ban hành công khai, chi tiết, được Hội đồng trường học thông qua; phối hợp với các doanh nghiệp giỏi về lĩnh vực thông tin xây dựng bộ công cụ đánh giá, đưa vào sử dụng trong chương trình quản lý giáo dục, đảm bảo tính khách quan, trung thực trong quá trình thực hiện quy chế dân chủ ngành Giáo dục.
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước hiện có gần 1,4 triệu giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, gần 22 triệu học sinh, sinh viên với 44.968 cơ sở giáo dục từ cấp mầm non đến đại học.
Việc thực hiện quy chế dân chủ trong hệ thống giáo dục ở Việt Nam còn hạn chế. Công tác tuyên truyền, quán triệt các văn bản về quy chế dân chủ ở một số đơn vị vẫn chưa thật sự hiệu quả.