Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà ghi nhận nỗ lực, kết quả hoạt động của Ban Tôn giáo Chính phủ và ngành quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao, đảm bảo tình hình tôn giáo ổn định.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà yêu cầu trong thời gian tới, cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo tăng cường đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và kịp thời chấn chỉnh các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật, không để lợi dụng internet, mạng xã hội đưa tin, lôi kéo, kích động tín đồ tôn giáo gây phức tạp về an ninh trật tự. Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý nhà nước về tôn giáo; chủ động có kế hoạch, lựa chọn nhân sự, các tổ chức tôn giáo trước mỗi kỳ Đại hội, kiên quyết không để chức sắc có tư tưởng cực đoan giữ các vị trí lãnh đạo trong Giáo hội; kiên quyết đấu tranh phê phán, xử lý những hành vi vi phạm của các chức sắc. Cùng với đó, xây dựng đội ngũ làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo hướng đến mục tiêu chuyên gia, chuyên sâu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thực tiễn đặt ra.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho biết, địa phương hiện có trên 2 triệu tín đồ các tôn giáo (chiếm trên 70% dân số), 10.000 chức sắc và nhà tu hành. 100/170 xã, phường, thị trấn có trên 30% dân số là tín đồ các tôn giáo. Thời gian qua, thực hiện chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước, Đảng bộ, chính quyền các cấp ở Đồng Nai luôn quan tâm đến nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng của quần chúng nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tôn giáo, chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo hợp pháp hoạt động theo đúng quy định của pháp luật và hiến chương, điều lệ của các tổ chức tôn giáo. Đa số chức sắc, nhà tu hành, chức việc, tín đồ các tôn giáo ở Đồng Nai chấp hành các quy định của pháp luật, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước…
Tuy nhiên, theo ông Cao Tiến Dũng, hoạt động tôn giáo trên địa bàn tỉnh vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường và cần sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, sự phối hợp đồng bộ của nhiều cấp, ngành, địa phương, cũng như cần tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo, hội nghị để tổng kết thực tiễn, đánh giá tình hình và đề ra giải pháp căn cơ, lâu dài.
Tại hội nghị, các đại biểu đến từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã đóng góp ý kiến về tình hình, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo hiện nay.
Theo Ban Tôn giáo Chính phủ, trong 6 tháng đầu năm 2022, ngành Quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo đã luôn bám sát định hướng, quan điểm, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, đoàn kết, thống nhất, kỷ cương, kỷ luật hành chính để chủ động tổ chức triển khai và hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao, bảo đảm tiến độ, chất lượng; tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Bộ Nội vụ nhiều chủ trương công tác lớn trong quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; kịp thời phát hiện và tham mưu xử lý đối với các hoạt động vi phạm pháp luật liên quan đến tôn giáo, tạo sự đồng thuận trong chức sắc, tín đồ và quần chúng nhân dân.
Công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, góp phần ổn định tình hình tín ngưỡng, tôn giáo trong cả nước. Bên cạnh đó, chính quyền các cấp quan tâm hướng dẫn, giúp đỡ các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định của pháp luật; từng bước củng cố tổ chức bộ máy hành chính đạo của Giáo hội, đảm bảo sinh hoạt tôn giáo ổn định, tuân thủ pháp luật, gắn bó với dân tộc. Công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật tín ngưỡng, tôn giáo được triển khai theo đúng quy định của pháp luật; công tác đối ngoại tôn giáo và đấu tranh nhân quyền tiếp tục được duy trì và phát huy; chủ động cung cấp thông tin và phản bác luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch, đóng góp tích cực vào đường lối đối ngoại rộng mở của Đảng, Nhà nước.