Theo ông Trần Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương: Kinh nghiệm trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất được Bình Dương vận dụng và cụ thể hóa bằng nhiều chính sách phù hợp với từng đối tượng và quan tâm lợi ích của dân đầu tiên. Tỉnh xác định công tác này là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, đồng thời thống nhất quan điểm chung “vận động là chính”; việc bồi thường, di dời các hộ dân trong khu vực quy hoạch được giải quyết thỏa đáng trên cơ sở quy định của pháp luật, kết hợp hài hòa giữa lợi ích của người dân, doanh nghiệp, Nhà nước, trong đó lợi ích người dân luôn được đặt lên hàng đầu. Ông Nam cho rằng: Trong mỗi dự án, sau khi có chủ trương thực hiện, chính quyền các cấp trong tỉnh đã bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình tại cơ sở để triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trong vùng dự án trong đó phân công cán bộ có năng lực cùng với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xuống từng hộ dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cán bộ đảng viên và nhân dân vùng dự án; thông báo công khai, đầy đủ chế độ, chính sách cho người dân có đất bị thu hồi. Tỉnh cũng chỉ đạo thanh tra giải quyết kịp thời những kiến nghị khiếu nại tố cáo của công dân, góp phần đẩy mạnh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất giao cho chủ đầu tư.
Điển hình như dự án Khu liên hợp Bình Dương có diện tích gần 4.200 ha nhưng Bình Dương chỉ thực hiện giải tỏa, đền bù trong gần hai năm đã hoàn thành. Có được kết quả này là nhờ việc tuyên truyền về lợi ích dự án như phát triển hạ tầng đường sá, giao thông, điện, nước và đưa giáo dục, y tế về nông thôn. Có thể nhìn nhận, sau khi dự án triển khai, khu nông thôn nay thành đô thị, nhiều nông dân trở thành chủ quán trọ, cửa hàng kinh doanh, buôn bán và cuộc sống đổi thay thấy rõ.
Trong những năm qua, Bình Dương đã chú trọng công tác tuyên truyền, vận động của các cấp, các ngành, MTTQ, các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở tập trung làm tốt công tác vận động nhân dân trong vùng quy hoạch. Từ năm 2004 đến 2011, diện tích đất thu hồi trên địa bàn tỉnh là 10.878 ha với 156 dự án, hơn 15.000 hộ dân bị thu hồi đất. Tỉnh đã xây dựng 25 khu tái định cư cho các hộ gia đình trong diện giải tỏa hoặc hoán đổi, bố trí gần 11.000 hộ vào các khu tái định cư đạt 98% so với hộ phải tái định cư; giá đất, nhà được đền bù hợp lý, người dân được hưởng các khoản hỗ trợ đời sống, chi phí tháo dỡ, xây dựng nhà và đào tạo chuyển đổi ngành nghề, được ưu tiên giải quyết việc làm, được hưởng các chính sách giáo dục, y tế.
Ông Võ Ngọc Đồng, Phó trưởng Ban Dân vận thành ủy Đà Nẵng cho rằng: Đà Nẵng đã di dời hơn 90.000 hộ dân, trong đó số hộ giải tỏa di dời đi hẳn là trên 41.000 hộ, số còn lại là bị thu hồi một phần và đất nông nghiệp, lâm nghiệp. Để làm tốt công tác công tác đền bù cho dân, Đà Nẵng đã tiến hành các biện pháp “khai thác quỹ đất tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng” với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đồng thời tập trung mọi nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng nhiều khu dân cư, chung cư để hỗ trợ người dân trong tái định cư. Đà Nẵng luôn đặt lợi ích người dân lên hàng đầu, đảm bảo mỗi hộ dân được giải tỏa đều có đất làm nhà để ở bằng hình thức hoán đổi đất có giá trị tương đương, tùy theo diện tích đất bị thu hồi, số nhân khẩu trong gia đình bị thu hồi. Trường hợp đất ít nhưng hộ bị giải tỏa có số nhân khẩu nhiều thì được cấp thêm nhà chung cư.
Để làm tốt công tác dân vận của chính quyền trong giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, thành ủy Đà Nẵng đã ban hành và cụ thể hóa chính sách đúng và điều hành thực hiện tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng; chú trọng công tác tái định cư, giải quyết việc làm cho người dân vùng bị thu hồi đất. Trong quá trình vận động, thành ủy Đà Nẵng đã rút ra những kinh nghiệm sâu sắc trong công tác vận động quần chúng phối hợp cùng với chính quyền để xây dựng đồng bộ thành phố Đà Nẵng ngày càng khang trang, hiện đại theo phương thức “Đảng nói dân tin, Mặt trận đoàn thể vận động dân theo, chính quyền làm dân ủng hộ”.
Ông Dương Trọng Hiếu, Phó trưởng Ban Dân vận tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cho biết: Nhờ phát huy tốt yếu tố con người làm công tác vận động quần chúng nên thời gian qua, tỉnh đã vận động gần 10.000 hộ dân trong diện thu hồi đất, trong đó có trên 1.700 hộ được bố trí tái định cư, tổng kinh phí bồi thường hỗ trợ trên 2.066 tỷ đồng. Sau khi có dự án, chủ trương thực hiện, tỉnh nhanh chóng thành lập những bộ phận tuyên truyền vận động để người dân đồng tình, ủng hộ. Phương thức làm cho người dân hiểu rõ lợi ích chính đáng để triển khai thực hiện và tạo được sự đồng tình của người dân đã góp phần vào sự phát triển cuộc sống của chính người dân và làm "thay da đổi thịt" tại khu vực có dự án sau khi được giải tỏa.
Dương Chí Tưởng