Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017. Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN |
Xin Bộ trưởng cho biết cụ thể về đề xuất, ý kiến và chủ đề thảo luận mà Bộ Tài chính, đại diện nước chủ nhà đã đưa ra tại FMM 2017? Năm nay Việt Nam đăng cai nước chủ nhà của các nền kinh tế APEC. Trong lĩnh vực tài chính, chúng tôi đã đề xuất và được các nước thống nhất cao 4 chủ đề ưu tiên trọng điểm, phù hợp với các nền kinh tế APEC bao gồm: Đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng; Xói mòn cơ sở thuế và dịch chuyển lợi nhuận; Tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai và Tài chính bao trùm.
Các vấn đề thảo luận tại hội nghị hôm nay đều là những thách thức quan trọng trong khu vực, đòi hỏi nỗ lực hợp tác của tất cả các nền kinh tế thành viên APEC, nhằm tìm kiếm và chia sẻ các giải pháp, kinh nghiệm tốt. Bốn nội dung này có ý nghĩa quan trọng được các Bộ trưởng thống nhất cao đòi hỏi phải tiến hành tái cơ cấu ngân sách, bảo đảm an toàn nợ công, tạo động lực mới vun đắp tương lai và tạo sự phát triển bền vững cho các nền kinh tế APEC.
Là Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng tài chính APEC lần thứ 24 này, xin Bộ trưởng cho biết những nội dung nào của FMM 24 sẽ được báo cáo lên Hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra vào tháng 11/2017 tới đây? Các nội dung mà Bộ trưởng Tài chính thảo luận ngày hôm nay là những nội dung hết sức quan trọng và sẽ được báo cáo lên các nhà lãnh đạo APEC để nhóm họp vào tháng 11 tới. Trong đó, tôi xin nhấn mạnh hai nội dung là về đầu dài hạn cho cơ hạ tầng và về tài chính bao trùm. Kết quả hợp tác về tài chính bao trùm sẽ là nội dung quan trọng được tổng hợp trong báo cáo về Tăng trưởng bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội trình lên các nhà lãnh đạo tại Hội nghị thượng đỉnh.
Các Bộ trưởng đã thảo luận về kết quả hợp tác về đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng và thông qua Tuyên bố chính sách về đa dạng hoá nguồn lực tài chính và thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân vào đầu tư cơ sở hạ tầng trong các nền kinh tế APEC.
Các kết quả này sẽ đóng góp cho việc xây dựng động lực mới của liên kết kinh tế khu vực, thúc đẩy kết nối hạ tầng khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thực thi mục tiêu " Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung" mà các Lãnh đạo APEC đã đề ra cho năm 2017.
Riêng về chống xói mòn cơ sở thuế và dịch chuyển lợi nhuận thì các thành viên APEC sẽ hợp tác thế nào để chống trốn thuế, chuyển giá, thưa Bộ trưởng? Chúng ta sẽ phối hợp với các nền kinh tế APEC và phải theo các tiêu chuẩn, chuẩn mực của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) để cùng triển khai.
Toàn cảnh Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017. Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN |
Trước hết, ở trong nước chúng ta đã có một văn bản pháp quy rất quan trọng vừa rồi là Nghị định của Chính phủ về chống chuyển giá. Chúng tôi đang triển khai quyết liệt việc này nhằm mục đích một phần tăng thu cho ngân sách, phần thứ hai là đảm bảo kinh doanh công bằng giữa các thành phần kinh tế trong nước cũng như thành phần kinh tế nước ngoài đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Thưa Bộ trưởng, các nước APEC có quan điểm ra sao về các cơ chế chính sách tài chính để thu hút các nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng? Đầu tư tài chính cho cơ sở hạ tầng là mục tiêu trước mắt cũng như trung hạn và dài hạn. Đây là ưu tiên nhằm phục vụ phát triển kinh tế bền vững. Các Bộ trưởng Tài chính APEC đã thảo luận và thống nhất cao về các cơ chế chính sách tài chính để thu hút các nguồn lực đầu tư từ Ngân sách Nhà nước, từ các thành phần kinh tế khác kể cả trong và ngoài nước vào đầu tư cơ sở hạ tầng
Xin cảm ơn Bộ trưởng!